18/01/2021

Phát triển công trình xanh Việt Nam cần một hệ thống chính sách tích hợp liên ngành

(TCKTVN 231) – Qua gần 20 năm khi công trình xanh (CTX) đầu tiên xuất hiện, Việt Nam hiện có khoảng 165 CTX. Có thể nói “thị trường CTX đã hình thành” nhưng vẫn ở giai đoạn sơ khởi, với tốc độ tăng trưởng chậm. Tỉ trọng CTX vẫn ở mức độ quá khiêm tốn, chưa tương xứng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Xây dựng và tiềm năng phát triển của nó.

Để thúc đẩy việc phát triển các công trình, dự án theo tiêu chuẩn CTX, góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng trong các công trình xây dựng,giảm tác động đến môi trường và tài nguyên trong quá trình thi công xây dựng và hoạt động của công trình, đóng góp vào việc giảm phát thải khí nhà kính theo mức cam kết tự xác định của Việt Nam là 9% so với kịch bản phát triển thông thường thông (bằng tự lực) và 27% (nếu có sự hỗ trợ của quốc tế), cần có các chính sách vĩ mô, tổng thể, liên ngành, cùng các chính sách cụ thể, rõ ràng, tạo ra sự thay đổi trong hành vi của tất cả các chủ thể liên quan đến thị trường xây dựng.

Trụ sở mới của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đạt chứng chỉ chứng nhận công trình xanh Lotus. Dự án công đầu tiên đạt chứng nhận Lotus.

Trụ sở mới của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đạt chứng chỉ chứng nhận công trình xanh Lotus. Dự án công đầu tiên đạt chứng nhận Lotus.

Rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, CTX

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật 50/2010/QH12) cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật đã ban hành được 10 năm; đã đến lúc cần thực hiện sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đặt mục tiêu giai đoạn 2019-2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng, 2025-2030 đạt mức tiết kiệm năng lượng 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Nội dung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có nhiều quy định dưới dạng khuyến khích, chưa có các quy định, chính sách cụ thể để hỗ trợ các chủ đầu tư, chủ dự án, các đơn vị tư vấn xây dựng, tư vấn xanh, các nhà thầu thi công, xây dựng, các đơn vị quản lý vận hành các công trình xây dựng để thúc đẩy, hỗ trợ việc đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình hiệu quả năng lượng, CTX.

Trong quá trình quản lý vận hành công trình, ngoài đối tượng các công trình sử dụng năng lượng trọng điểm theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiện chúng ta chưa có quy định yêu cầu công khai mức tiêu thụ năng lượng đối với các công trình xây dựng đang vận hành (như bệnh viện, trường học, văn phòng, trụ sở cơ quan, nhà ở chung cư v.v….). Các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng đối với dự án xây dựng cần được chỉ định cho cả các công trình xây mới, các dự án cải tạo sửa chữa và thay mới các thiết bị tiết kiệm điện trong công trình. Vì vậy, cần có sự phối hợp giữa các Bộ ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ ngành, cơ quan, địa phương, các chủ công trình trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của cho phù hợp, đồng thời:

– Công bố chuẩn tiêu thụ năng lượng cho các loại công trình xây dựng;
– Yêu cầu công khai mức tiêu thụ năng lượng công trình và áp dụng các ngưỡng khống chế mức tiêu thụ năng lượng công trình;
– Dán nhãn và công bố các thiết bị công trình tiết kiệm năng lượng, các loại vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng;
– Xây dựng hệ thống dữ liệu tiêu thụ năng lượng công trình.
Để các công trình có vốn đầu tư công, vốn ngân sách có thể đạt tiêu chuẩn công trình hiệu quả năng lượng, CTX khi xây dựng mới hoặc cải tạo lại, cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh hoặc ban hành các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, đầu tư công, đấu thầu… Việc này cần có sự tham gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành, cơ quan liên quan.

Về tín dụng xanh, ưu đãi tài chính cho công trình hiệu quả năng lượng, CTX, cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng để cụ thể hoá các chính sách liên quan đến tín dụng xanh như những đề xuất đã được bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất.

Ngoài ra, cần thực hiện việc đưa nội dung giáo dục, đào tạo về hiệu quả năng lượng, CTX lồng ghép trong chương trình của các cấp học, ngành học.

Nhìn chung, để thúc đẩy sự phối hợp liên ngành trong việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, CTX, Chính phủ cần giao các Bộ ngành liên quan để nghiên cứu đề xuất các chính sách, kế hoạch và lộ trình áp dụng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ và xu hướng của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tháp Thượng Hải - Tòa nhà xanh nhất thế giới

Tháp Thượng Hải – Tòa nhà xanh nhất thế giới

Thúc đẩy CTX ở khu vực đầu tư công

Chính sách “Nhà nước đi đầu” là một trong những chính sách thúc đẩy CTX phổ biến nhất ở tất cả các quốc gia. Chính sách này yêu cầu các các dự án đầu tư xây mới hoặc cải tạo sử dụng vốn công phải thực hiện tiết kiệm năng lượng hoặc xanh. Chính sách này có thể áp dụng ở cấp độ quốc gia (như Singapore, Đài Loan) hay cấp độ địa phương thông qua chính quyền bang (như ở Mỹ, Úc…), hoặc ở tất cả các cấp độ (trung ương, tỉnh, như ở Trung Quốc).

Để thực hiện chính sách này, có thể xem xét lựa chọn một bộ công cụ CTX chính thức (mà theo nghiên cứu của Viện Kiến trúc Quốc gia do PGS.TS Phạm Thuý Loan chủ trì) thì bộ LOTUS của Hội đồng CTX Việt Nam có thể được chọn) để áp dụng (bắt buộc theo lộ trình) đối với các công trình xây dựng vốn ngân sách. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ rào cản về định mức đầu tư công trình vốn công, bổ sung chi phí tư vấn CTX, chi phí đánh giá – cấp chứng nhận CTX, và chi phí đầu tư CTX (với mức phát sinh chi phí đầu tư tăng thêm khoảng từ 1 đến 3%) để có thể khơi thông thị trường này. Nghiên cứu ban hành hướng dẫn các bước thực hiện CTX, quy định vai trò vị trí của tư vấn xanh, điều chỉnh nội dung đấu thầu để đưa yêu cầu thực hiện CTX vào quy trình dự án.

Thúc đẩy CTX tại các địa phương bằng cách nâng cao vai trò của chính quyền địa phương

Vai trò chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy công trình hiệu quả năng lượng, CTX tại các địa phương cần được làm rõ và củng cố. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã có quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc cần xây dựng kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng tại địa phương mình; Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 05/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh cũng đã đưa ra tiêu chí số lượng CTX ở các địa phương. Như vậy, cần khẳng định vai trò và trách nhiệm thúc đẩy công trình hiệu quả năng lượng, CTX các địa phương.

Cần có sự phối hợp giữa các Bộ ngành liên quan với các địa phương để nghiên cứu và đề ra khung chính sách thúc đẩy CTX cho các địa phương, trao quyền chủ động đề xuất các cơ chế thúc đẩy đặc thù cho từng địa phương. Thông qua các địa phương, những chính sách khuyến khích phi tài chính như ưu đãi về giao đất, điều chỉnh quy mô sàn, hay tầng cao công trình, hay giảm thiểu thủ tục và thời gian cho các thủ tục hành chính, cấp phép… mới được thực hiện.

Theo kinh nghiệm của Đài Loan, Bộ Nội vụ (tương đương với Bộ Xây dựng của Việt Nam) sẽ đưa ra hướng dẫn về việc xây dựng các chính sách thúc đẩy và ưu đãi, để các địa phương tự xây dựng chính sách của riêng mình. Các chính sách của các địa phương sẽ được Bộ xem xét và thông qua trước khi áp dụng. Mức độ gia tăng tỉ lệ số CTX trên tổng số công trình xây dựng tại các địa phương sẽ là cơ sở để Bộ Xây dựng thực hiện các chương trình tôn vinh, khen thưởng đối với ngành xây dựng địa phương.

Xây dựng khung hướng dẫn ưu đãi thực hiện CTX thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân, xây dựng bằng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan đến tài chính/phi tài chính

Khu vực tư nhân cần được tuyên truyền, vận động và có những chính sách ưu đãi nhằm huy động các nguồn lực của xã hội tham gia phát triển CTX, công trình hiệu quả năng lượng; Các chính sách khả thi theo kinh nghiệm của một số nước như Singapore đã thực hiện thành công là các ưu đãi về chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc (mật độ, chiều cao, diện tích sàn…). Thực tế ở các nước có số lượng CTX lớn cho thấy hiệu quả của việc thúc đẩy CTX, công trình hiệu quả năng lượng thông qua các chính sách như: ưu đãi về vốn, thuế, thưởng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc với sự phối hợp của các chính quyền địa phương.

Ngoài ra, một yếu tố có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ đó là mở ra khả năng tiếp cận với các gói tín dụng xanh (tức là chủ đầu tư được vay vốn với lãi suất hấp dẫn nếu thực hiện các dự án xanh) thông qua việc huy động sự tham gia của ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho hoạt động tiết kiệm năng lượng thông qua cơ chế cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, cho vay trung và dài hạn.

Bosco Verticale (Milan, Ý) - một trong những mặt tiền xanh nhất thế giới

Bosco Verticale (Milan, Ý) – một trong những mặt tiền xanh nhất thế giới

Tuyên truyền, đào tạo và tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực

Nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của CTX, công trình hiệu quả năng lượng trong phát triển bền vững của đất nước vẫn còn chưa đầy đủ ở một bộ phận không nhỏ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế và xây dựng. Đây là rào cản làm ảnh hưởng đến việc xây dựng các chính sách, quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển CTX, công trình hiệu quả năng lượng tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, phần lớn tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng chưa sẵn sàng về kiến thức, năng lực chuyên môn để thực hiện lập dự án, thiết kế, xây dựng CTX, công trình hiệu quả năng lượng.

Vì vậy, giải pháp tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực cho các đối tượng liên quan là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là công việc phải thực hiện thường xuyên, liên tục và ở nhiều cấp độ. Các nội dung cần hoàn thiện bao gồm: Phổ biến áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng trong hoạt động xây dựng; Cập nhật và hoàn thiện các tài liệu đào tạo, giảng dạy về tiết kiệm năng lượng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khối kiến trúc, xây dựng và kỹ thuật cũng như đội ngũ tư vấn xây dựng; Xây dựng các công trình mẫu phục vụ đào tạo… Đối tượng đào tạo bao gồm các cán bộ quản lý nhà nước về xây dựng tại các địa phương, các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng công trình, các kỹ sư, KTS tư vấn lập dự án, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình.
Bên cạnh đó, cần cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các chủ dự án, chủ công trình về việc thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các công trình hiệu quả năng lượng, CTX thông qua các dự án, chương trình về tiết kiệm năng lượng, CTX hoặc cung cấp các hướng dẫn trên các trang web chính thống, dễ truy cập và hiệu quả.

Các giải pháp khác

Ngoài các nhóm giải pháp chính trên, Bộ Xây dựng là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp tổ chức, huy động sự tham gia của tất cả các Bộ ngành, các tổ chức, cơ quan, các hội nghề nghiệp và các bên liên quan khác để tổ chức các sự kiện thúc đẩy thường niên như:

– Sự kiện tuần lễ CTX Việt Nam thường niên hoặc 2 năm 1 lần;

– Các chương trình truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng đều đặn để phổ biến kiến thức về hiệu quả năng lượng, CTX;

– Tổ chức các giải thưởng, sự kiện tôn vinh các doanh nghiệp tiên phong thực hiện CTX, các đơn vị tư vấn xanh có nhiều đóng góp, các địa phương có số lượng CTX gia tăng mạnh mẽ, các nhà cung ứng vật liệu và thiết bị xanh… và các sự kiện hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm xanh./.

Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ Trưởng Vụ Khoa Học Công Nghệ Và Môi Trường (Bộ Xây Dựng)