19/12/2020

Phạt nguội có ‘trị’ được nạn đỗ xe bừa bãi tại Hà Nội?

Cảnh sát giao thông Hà Nội đã ra quân dán thông báo phạt nguội trên kính ôtô vi phạm lỗi dừng, đỗ trái quy định vào ngày 15.12 vừa qua. Dù lực lượng chức năng đã xử lý 166 trường hợp vi phạm ngay trong ngày đầu ra quân nhưng cách làm này sẽ còn hạn chế nếu không truy nguồn chủ xe, thiếu chế tài nộp phạt tự giác. Mạnh tay với vấn nạn đậu xe bừa bãi thì đã đành nhưng cũng cần nhìn vào thực tế là do người lái xe cố tình vi phạm hay vì thiếu chỗ đỗ xe, gửi xe?

Đậu xe bừa bãi gây ách tắc giao thông

Thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội từ năm 2017, thành phố mới có 91,16ha dành cho đỗ xe, đáp ứng 8-10% nhu cầu. Số ô tô, xe máy tăng thêm 17%/năm, Hà Nội sớm đạt 1 triệu ô tô và 6-7 triệu xe máy.

Sau 10 năm mở rộng (2010-2020), nội thành Hà Nội phình to gấp 4 lần, trong khi tổng diện tích đất dành cho giao thông chỉ tăng 1,4% (từ 8,65% vào năm 2015 lên 10,05% vào năm 2020). Đường cho xe chạy đã thiếu gây ùn tắc giao thông, 90% xe cộ không có bãi đỗ, chiếm lòng đường vỉa hè làm cho ùn tắc ngày càng trần trọng.

Trong ngày đầu tiên dán thông báo "phạt nguội" lỗi dừng, đỗ trên các tuyến phố, toàn thành phố đã xử lý được 166 trường hợp. Ảnh: Báo Nhân dân

Trong ngày đầu tiên dán thông báo “phạt nguội” lỗi dừng, đỗ trên các tuyến phố, toàn thành phố đã xử lý được 166 trường hợp. Ảnh: Báo Nhân dân

Tại quận trung tâm Hà Nội có 2 vạn ô tô và 20 vạn xe máy, cần 1 triệu m2 để đỗ xe (tức chiếm 20% diện tích tự nhiên vàgấp đôi tỷ phần đất đô thị dàng cho giao thông). Ngoài các bãi xe trong sân, dưới hầm thì địa phương đã tận dụng các vỉa hè lòng đường cấp phép đỗ xe cũng chỉ đáp ứng 15%, còn lại 85% xe đỗ tự phát trên vỉa hè lòng đường, sân cơ quan, bệnh viện, không gian công cộng. Thực trạng này không chỉ gây thất thu cho ngân sách công mà còn phơi ra sự yếu kém trong quản lý nhà đất công, trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Vì sao Hà Nội thiếu hụt bãi đỗ xe?

Đầu tiên là tiền đâu. Quy hoạch giao thông Hà Nội phê duyệt 2016 vẽ ra viễn cảnh kỳ vĩ với quy mô đầu tư 100 nghìn tỷ/năm. Trong 5 năm (2016-2020) mỗi năm ngân sách chỉ bố trí 5-7%/năm cho toàn bộ các dự án giao thông, số tiền chỉ đủ xây 5 km đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở mà 5 năm qua làm mãi không xong thì nói gì đến bãi đỗ xe?! Vậy là đã thiếu đất lại thêm thiếu tiền.

Quy hoạch bãi đỗ xe Hà Nội bất cập và không khả thi: Tư vấn  nước ngoài vẽ bãi đỗ xe ngầm với chi phí đắt đỏ và gia tăng rối loạn giao thông trung tâm thành phố; Tư vấn  trong nước bố trí bãi đỗ xe như... rắc vừng khắp nơi mà không cho biết lấy đất và tiền đâu để làm. Nguồn: TG

Quy hoạch bãi đỗ xe Hà Nội bất cập và không khả thi: Tư vấn nước ngoài vẽ bãi đỗ xe ngầm với chi phí đắt đỏ và gia tăng rối loạn giao thông trung tâm thành phố; Tư vấn trong nước bố trí bãi đỗ xe như… rắc vừng khắp nơi mà không cho biết lấy đất và tiền đâu để làm. Nguồn: TG

Thứ hai là quy hoạch chất lượng thấp. Quy hoạch bãi đỗ xe do Viện Quy hoạch Hà Nội lập bố trí như rắc vừng, chỗ nào cũng chấm nhưng không có đất để làm, hoặc vẽ ra chỗ nào trống mà không kết nối… có như không. Quy hoạch bãi đỗ xe ngầm thì còn thiếu chuyên nghiệp nên đang làm đã phải dừng.

Thứ ba là quản lý nhà/đất công lỏng lẻo. Để có đủ chỗ đỗ cho 1 triệu ô tô, 7 triệu xe máy, thành phố cần 40 triệu m2, 90% diện tích đất công bị chiếm dụng để đỗ xe mà bao nhiêu năm qua ngân sách không biết thu được đồng nào hay không, trong khi chi phí bộ máy quản lý địa chính, đô thị, giao thông, thuế khóa không nhỏ?

City Solution đề xuất giải pháp do đỗ xe trung tâm Hà Nội kết hợp với hạ tầng đường bộ, giao thông cá nhân và công cộng, đường sắt đô thị ngầm và trên cao. Phát triển giao thông với dịch vụ thương mại nhằm thu hút vốn đầu tư. Nguồn: TG

City Solution đề xuất giải pháp do đỗ xe trung tâm Hà Nội kết hợp với hạ tầng đường bộ, giao thông cá nhân và công cộng, đường sắt đô thị ngầm và trên cao. Phát triển giao thông với dịch vụ thương mại nhằm thu hút vốn đầu tư. Nguồn: TG

Thứ tư là chính sách thu hút đầu tư chưa rõ, bởi trong khi mời gọi đầu tư xây dựng một chỗ đỗ xe với chi phí vài trăm triệu thì thành phố lại cho thuê lòng đường vỉa hè với giá 1,5 triệu/1chỗ đỗ10m2. Cách làm này ẩn hoạ rủi ro quá lớn nên không chỉ Hà Nội mà các dự án bãi đỗ xe cả nước ít có ai quan tâm đầu tư.

Thứ năm là công nghệ quản lý phương tiện lạc hậu. Trong khi cần kiểm soát không gian thời gian xe đỗ thì lại ứng dụng công nghệ thu tiền tự động (dự án I Parking đã dừng lại sau hai năm thực nghiệm thất bại).

Ngay cả giải pháp dán phiếu phạt nguội mới triển khai cũng đã nảy sinh nhiều thách thức khó vượt qua.

Cả năm hạn chế, bất cập trên có chung căn bệnh tư duy lạc hậu trì trệ chưa thoát ra khỏi cơ chế xin cho của các cơ quan quản lý, không thích ứng kịp với thách thức thành phố phát triển theo cơ chế thị trường, năng động tiến hóa không ngừng.

Gỡ bế tắc thiếu chỗ đỗ xe

Giải pháp công nghệ thông tin thông minh (ITS – Intelligent Transport System): Trước mắt ưu tiên đồng bộ – liên thông cơ sở dữ liệu ô tô, xe máy với chủ sở hữu hay sử dụng xe. Khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thực hiện thay vì các cơ quan quản lý (công an, giao thông) sa đà vào lĩnh vực không chuyên.

Thực tếcác doanh nghiệp công nghệ như Grab, Gojek, Goviet, Bee Aber, VATO, Mai Linh Bike, MLV, Go-ixe, Xelo… đã quản lý, khai thácdịch vụ vận chuyển hiệu quả và tiến hóa nhanh,thậm chí vượt quá năng lực của bộ máy quan liêu, trì trệ… Quản lý phương tiện di động phức tạp hơn phương tiện đứng yên mà điều này các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thừa năng lực hóa giải bế tắc này.

Nơi đỗ xe cũng là bất động sản có giá trị, nên ngay tại tòa nhà đắt tiền trung tâm Chicago (Mỹ) dành ra hàng chục tầng để đỗ gần 1.000 ô tô. Tác giả cận cảnh tầng đỗ xe và toàn cảnh tòa nhà; Tại Kualalumpure (Malaysia): các tòa nhà văn phòng và nhà ở bình dân cũng dành các tầng thấp làm nơi đỗ xe. Nguồn: TG

Nơi đỗ xe cũng là bất động sản có giá trị, nên ngay tại tòa nhà đắt tiền trung tâm Chicago (Mỹ) dành ra hàng chục tầng để đỗ gần 1.000 ô tô. Tác giả cận cảnh tầng đỗ xe và toàn cảnh tòa nhà; Tại Kualalumpure (Malaysia): các tòa nhà văn phòng và nhà ở bình dân cũng dành các tầng thấp làm nơi đỗ xe. Nguồn: TG

Giải pháp Quy hoạch tích hợp đa ngành: Thực hiện Luật Quy hoạch 2017, tháng 4.2020 Hà Nội khởi động lập Quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045, đặt ra mục tiêu “sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững”. Nhiệm vụ là phát hiện nguồn lực mới trên nền tảng tài nguyên, nguồn nhân lực hiện có, đồng thời kiến tạo các mối quan hệ đa ngành nhằm khai thông, tích hợp, đồng bộ nguồn lực đang phân tán tạo nên động lực tổng hợp. Như vậy quy hoạch bãi đỗ xe (giao thông tĩnh) là một phần không tách rời của hệ thống giao thông: bao gồm cả đường bộ với đường sắt, đường thủy; Giao thông cá nhân với công cộng; Phát triển giao thông nằm trong tổng thể phát triển đô thị.

Giải pháp quản trị tài chính đô thị năng động/minh bạch và chia sẻ: Ứng dụng công nghệ thông tin thông minh (ITS) gia tăng hiệu quả khai thác tài nguyên đô thị. Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông mang lại lợi nhuận cao sẽ thu hút vốn đầu tư từ xã hội thay vì chỉ tiêu tốn ngân sách. Dòng vốn từ xã hội tăng nhanh sẽ tạo ra nhiều không gian dành cho đỗ xe máy ô tô.

Các bãi đỗ xe được hoán cải thành không gian công cộng tại Yehuda ha-Levi St, Tel Aviv( Israel) và Regnbuepladsen, Copenhagen (Denmark), Nguồn: Google Street View do Melia Robinson thực hiện

Các bãi đỗ xe được hoán cải thành không gian công cộng tại Yehuda ha-Levi St, Tel Aviv( Israel) và Regnbuepladsen, Copenhagen (Denmark), Nguồn: Google Street View do Melia Robinson thực hiện

Các không gian đỗ xe nhờ ứng dụng công nghệ mà chia sẻ, khai thác tối ưu – giống như đi xe chia sẻ hay sử dụng dịch vụ lưu trú chia sẻ (thay vì người lưu trú thì là xe máy ô tô dừng đỗ). Như vậy sẽ tạo ra một thị trường khai thác sử dụng không gian đỗ xe vô cùng hiệu quả và năng động – một kênh thu hút vốn đầu tư tăng trưởng không giới hạn. Hà Nội bán ra 1 triệu chỗ đỗ xe thu về 0,5- 1 triệu tỷ đồng, tạo ra hàng triệu việc làm mới, hàng trăm ngàn doanh nhân khởi nghiệp và vô vàn công kỹ nghệ mới xuất hiện.

Nhiều thành phố có số lượng ô tô gấp 5-10 lần Hà Nội nhưng với cách làm phù hợp, họ đã dư thừa chỗ đỗ xe và hoán cải thành không gian công cộng. Hy vọng với cách tiếp cận mới Hà Nội sẽ giàu, đẹp và là thành phố thông minh, không lo vấn nạn đỗ xe bừa bãi nữa. Điều đó thành công cũng giúp thành phố tham gia sâu vào mạng lưới các thành phố sáng tạo, đóng góp nhiều sáng kiến biến bãi đỗ xe hè phố thành nơi chốn đẹp đẽ, văn minh.

Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội)/Người đô thị