15/10/2019

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội: Những phần nổi của tảng băng!

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội giống như tảng băng mà phần nổi là nhận thức về ô nhiễm của người dân khi vấn đề nghiêm trọng xảy ra, còn phần chìm (chiếm khối lượng lớn) là chúng ta đang sống trong một môi trường ô nhiễm nhưng đa số mọi người đều chưa nhận thức đầy đủ hoặc thờ ơ với nó.

Thời gian gần đây, nồng độ khói bụi dày đặc gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang được dư luận hết sức quan tâm. Việc tăng dân số quá nhanh cùng quá trình đô thị hóa đã khiến Thủ đô hà Nội phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5). Có lẽ chưa bao giờ ô nhiễm không khí lại trở thành đề tài “nóng” trên các phương tiện truyền thông đại chúng và được nhân dân quan tâm như hiện nay.

Trong khuôn khổ hội thảo “Hà Nội – Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí” do Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng phối hợp với Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều ý kiến phân tích của các chuyên gia Pháp và Việt Nam đã được đưa ra nhằm tìm nguyên nhân và giải pháp cũng như hướng tiếp cận của người dân đối với tình trạng ô nhiễm không khí. Câu chuyện được đặt ra là người dân phải làm thế nào để hiểu và chủ động tham gia vào công tác bảo vệ bầu không khí ở Hà Nội?

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội luôn ở mức báo động thời gian qua (ảnh minh họa)

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội luôn ở mức báo động thời gian qua (ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Quản lý dự án, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng: “Những tháng qua vấn đề ô nhiễm không khí được người dân đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên Hà Nội thực chất đã bị ô nhiễm cách đây hơn 10 năm chứ không phải bây giờ mới xảy ra. Nhưng tại sao phải đến nay người dân mới chú ý, dư luận báo chí mới quan tâm dồn dập như vậy? Có thể nói nếu không có sự cố cháy công ty Rạng Đông và tình trạng bụi phủ như sương mù thời gian qua ở Hà Nội thì người dân, dư luận vẫn chưa nhận thức đúng, đủ về vấn đề ô nhiễm không khí đang diễn ra và chúng ta vẫn chưa thức tỉnh về vấn đề này. Vì vậy câu chuyện ở đây là chúng ta phải làm gì sau khi nhận thức được vấn đề như vậy?”

Bà Karine Leger, Giám đốc của Airparif – Mạng lưới quản lý chất lượng không khí của Paris cũng đồng quan điểm khi cho rằng: “Chúng ta chỉ quan tâm tới vấn đề ô nhiễm không khí khi vấn đề đã trở nên trầm trọng. Trong khi đó, những ngày bình thường, bản thân người dân cũng đang phải sống trong môi trường ô nhiễm. Điều này giống như tảng băng mà phần nổi là nhận thức về ô nhiễm của người dân khi vấn đề nghiêm trọng xảy ra, còn phần chìm (chiếm khối lượng lớn) là chúng ta đang sống trong một môi trường ô nhiễm nhưng đa số mọi người đều chưa nhận thức đầy đủ hoặc thờ ơ với nó. Những vấn đề ô nhiễm không khí mà Hà Nội phải đối mặt hiện nay cũng giống như vậy. Chúng ta sống trong môi trường ô nhiễm bao nhiêu năm qua nhưng đến tận bây giờ mọi người mới thực sự quan tâm, lo lắng. Đã đến lúc cả hệ thống chính quyền và người dân cần phải thay đổi cả trong nhận thức và hành động”.

Ông Olivier Chrétien, Trưởng phòng Tác động môi trường của Ủy ban Sinh thái đô thị TP. Paris dẫn ra những thống kê mà thành phố này đạt được trong việc giảm ô nhiễm không khí. Cụ thể từ năm 2001 – 2018, Paris giảm được 30% lượng phương tiện giao thông trong nội đô. Từ năm 2005 – 2015, thành phố này cũng giảm được 22% lượng phát thải CO2, 40% lượng phát thải NO2, 32% lượng phát thải bụi mịn PM10. “Chúng tôi xác định những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí và tìm các biện pháp khắc phục nó. Chẳng hạn ô nhiễm không khí ở thành phố Paris đến từ hai nguồn chính là phương tiện giao thông và các nhà máy sản xuất. Chúng tôi khắc phục ngay từ nguồn bằng cách giảm các phương tiện cá nhân, khuyến khích phương tiện công cộng sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường và di dời nhà máy ra khỏi thành phố” – ông Olivier Chrétien cho biết.

Các chuyên gia Pháp và Việt Nam thảo luận về thực trạng ô nhiễm không khí tại hội thảo “Hà Nội – Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí”

Các chuyên gia Pháp và Việt Nam thảo luận về thực trạng ô nhiễm không khí tại hội thảo “Hà Nội – Paris: Có biên giới nào cho ô nhiễm không khí”

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội KTS Hà Nội chia sẻ: “Dẫu rằng Paris và Hà Nội là hai thành phố khác xa nhau nhưng việc chỉ ra những nguyên nhân và cách khắc phục ô nhiễm không khí thì tương đối giống nhau. Về quy hoạch rõ ràng chúng ta đã có như: khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng; xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân; di dời những nhà máy khỏi thành phố; xây thêm nhiều công viên, không gian xanh; xây dựng các vùng và đô thị vệ tinh… Vấn đề là chúng ta có thực hiện hoặc thực hiện đúng theo quy hoạch được vạch ra hay không lại là chuyện khác. Rõ ràng chúng ta biết một trong những nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí là do lượng phương tiện giao thông lớn, quá trình xây dựng tăng cao nhưng tình trạng các khu đô thị, các tòa nhà cao tầng mọc lên tràn lan, phá vỡ quy hoạch từ nội đô ra ngoại thành vẫn diễn ra ầm ầm. Vấn đề vai trò của các cơ quan quản lý ở đây rất quan trọng”.

Bà Nguyễn Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Quản lý dự án, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết: “Câu hỏi lớn nhất cho Hà Nội là thành phố bị ô nhiễm từ nguồn nào? Hà Nội đang tiến hành nghiên cứu các thành phần hoá học của hạt bụi PM2.5 (học kinh nghiệm từ thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc) để nghiên cứu, phân tích thành phần hóa học. Một năm nữa chúng tôi sẽ có kết quả để tìm ra câu trả lời Hà Nội ô nhiễm từ nguồn nào để tìm cách khắc phục từ nguồn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang tiến hành kiểm kê các nguồn thải này để xác định rõ tất cả nguồn thải gây ô nhiễm không khí nhằm đưa ra bức tranh tổng thể về sự lan truyền không khí của Hà Nội và những dự báo cho các kịch bản khác nhau. Từ đó các nhà khoa học có thể đồng hành cùng với thành phố để cùng đưa ra những giải pháp”.

Cũng theo đại diện của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thì chính quyền Thủ đô hiện nay đang triển khai 19 biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí như: tăng các trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn thành phố; yêu cầu người dân không dùng bếp than tổ ong; tuyên truyền vận động người dân không đốt rơm rạ; trồng thêm 600.000 cây xanh … Tuy nhiên các chuyên gia tại buổi hội thảo đều cho rằng, bên cạnh những giải pháp mang tính khắc phục khẩn cấp nói trên thì những vấn đề như: ban hành chính sách, quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông, quy hoạch các khu công nghiệp … mới có thể hạn chế được tận gốc tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay.

Phạm Văn/Báo Môi trường và Đô thị