14/10/2016

Những nét kiến trúc trăm tuổi trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Trải qua hàng trăm năm, nhiều công trình trên phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn giữ được nét cổ kính pha lẫn hiện đại, khẳng định giá trị lịch sử của Sài Gòn xưa.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ khởi thủy là con kênh mang tên Kinh Lớn dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định (từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước cổng UBND thành phố hiện nay) do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790. Năm 1861, đô đốc Pháp Charner đổi tên thành kênh đào Charner. Năm 1887, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner và đến năm 1956 được đổi tên thành đại lộ Nguyễn Huệ.

Trải qua các thời kỳ, đại lộ này vẫn luôn là tuyến đường sầm uất nhất của TP với nhiều công trình nhà cao tầng mọc lên bên cạnh những di tích kiến trúc đã tồn tại hàng trăm năm qua. Tuyến phố lịch sử này đã trở thành phố đi bộ từ tháng 2/2015, thu hút người dân và du khách khi đến Sài Gòn.

Là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng, trụ sở UBND TP HCM đã 107 tuổi (xây từ năm 1898 đến 1909) do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế. Thời Pháp thuộc, tòa nhà có tên Hôtel de ville trong tiếng Pháp hay Dinh xã Tây trong tiếng Việt. Từ sau năm 1975 đến nay, tòa nhà là nơi làm việc của UBND TP.HCM. Ảnh: Anh Tuấn

Công trình được thiết kế theo dạng lầu chuông đúc cao – kiểu kiến trúc phổ biến ở miền Bắc nước Pháp. Giữa mặt tiền có trang trí đắp nổi hình ảnh người phụ nữ cường tráng tiêu biểu cho nước Pháp cùng đứa trẻ đang chế ngự thú dữ.

Khách sạn Rex hạng sang nổi tiếng của Sài Gòn với 5 tầng được xây dựng từ năm 1927. Ban đầu công năng sử dụng là một khu nhà để xe và nơi bán ôtô hai tầng. Từ 1959-1975, công trình được nâng cấp thành khách sạn “Rex Complex”. Sau năm 1975 được đổi tên thành Bến Thành cho đến năm 1986 trở lại tên cũ như ngày nay.

Công trình kiến trúc nguyên thủy Thương xá Tax được xây dựng từ năm 1880, tái thiết kế thi công vào năm 1922 và khánh thành năm 1924. Tòa nhà là trung tâm thương mại lâu đời và nổi tiếng tại TP.HCM với diện tích 9.200 m2 nằm ngay trung tâm quận 1 giữa đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Pasteur.

Theo kế hoạch, thương xá Tax được đập bỏ trong năm 2014 để xây dựng Trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn vào đầu năm 2015. Tuy nhiên, khi thông tin đập bỏ tòa nhà lâu đời này được công bố, nhiều người Sài Gòn bày tỏ sự tiếc nuối. Chính quyền TP HCM sau đó chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị nghiên cứu có phương án bảo tồn, gìn giữ các nét kiến trúc cổ của tòa nhà.

Ngày 12/10, đơn vị thi công rào chắn để tháo dỡ thương xá theo hạng mục nghiên cứu bảo tồn để xây dựng công trình 40 tầng. Các hạng mục bên ngoài của Thương xá Tax cũ như bảng hiệu, mái đua che nắng dọc vỉa hè, các đường nét nhịp điệu của kiến trúc khối đế thời kỳ đầu, nhất là tại góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ sẽ được bảo tồn..

Ngoài UBND TP.HCM, kho bạc nhà nước TP là công trình thứ hai còn giữ cơ bản những nét kiến trúc thời Pháp. Công trình có quy mô lớn này hiện vẫn giữ được nguyên vẹn hình dáng. Phía trên là hạng mục kho bạc mới được xây dựng cùng tòa nhà Bitexco cao chót vót phía sau.

Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, trải qua hàng trăm năm nhưng nhiều căn nhà liền kề 2 tầng mặt tiền đường Nguyễn Huệ và góc đường Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng vẫn giữ được hình dáng kiến trúc.

Chủ nhân dãy nhà góc đường Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế đều cho thuê để kinh doanh, mặt ngoài tuy bị sơn quét nhiều màu sắc nhưng vẫn lộ rõ đường nét nhà cửa hàng trăm năm trước.

Những căn nhà kiến trúc theo phong cách châu Âu nằm san sát nhau tại góc đường Nguyễn Huệ – Huỳnh Thúc Kháng.

Một ngôi nhà cổ được sơn phết sặc sỡ để làm quán ăn.

Nằm tại góc đường Tôn Đức Thắng-Nguyễn Huệ là phần sau của trụ sở Cục Hải quan TP.HCM. Ngôi nhà do ông Vương Thái xây dựng, đến năm 1883, chính quyền Pháp mua lại với giá 45.000 đồng Đông Dương (tương đương 225.000 quan Pháp). Năm 1887, kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux hoàn thành sửa chữa ngôi nhà với ngân sách 37.000 đồng Đông Dương.

Khác hẳn thế giới phồn hoa, náo nhiệt bên ngoài đường Nguyễn Huệ, con hẻm duy nhất có người ở của phố đi bộ lại bình dị và cũ kỹ. Theo những người dân sống lâu năm ở đây thì con hẻm được hình thành từ thời Pháp và hiện nó đang tồn tại với nhiều kiến trúc thời điểm đó cho đến nay.

Bên cạnh đó, một con hẻm đặc biệt khác thường được gọi là hẻm tranh, nối đường Nguyễn Huệ và Đồng Khởi.

Theo Lê Quân/Zing.vn