15/11/2017

Nhìn lại gần 10 năm mở rộng Thủ đô

Hơn 10 năm trước, khi quy hoạch Hà Nội mở rộng chưa được phê duyệt, một số KTS đã dự báo rằng, chỉ trong vòng 10 năm tới đô thị Hà Nội sẽ phải đối mặt với tình trạng tắc đường và quá tải cục bộ tại nhiều khu vực. Và, không phải đợi đến 10 năm, sau 5 năm Hà Nội đã thực sự xuất hiện nhiều “cống người” trên các trục đường xuyên tâm.


Ảnh minh họa.

“Bệnh đầu to”

Nhìn lại sự phát triển của Hà Nội, sau gần 10 năm mở rộng, diện tích nội thành đã tăng gấp đôi, gấp ba. Điều đáng nói là diện tích đất dành cho giao thông của 7 quận nội thành cũ có tổng diện tích 83km2, nhưng diện tích đường chỉ chiếm 6,18%. Trong khi ở ngoại thành, quỹ đất được dùng cho giao thông mới có 0,9%.

Trong quy hoạch phát triển Thủ đô trước đây, 9 KCN cũ kết bè với hàng loạt các KCN mới đã tạo thành một vành đai bủa vây Hà Nội. Hậu quả, từ bất cứ hướng gió nào, về mùa đông cũng như mùa hè không khí ô nhiễm công nghiệp đều thổi vào nội thành. Đặc biệt, với Hà Nội mở rộng, nguy cơ ô nhiễm ngay trong lõi đô thị đã hiển hiện.

Và để giải quyết “sai lầm” này, suốt hơn một thập kỷ qua, Hà Nội đã nỗ lực di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi vùng lõi, nhưng những khó khăn về đất đai, chuyển đổi công nghệ… khiến kế hoạch luôn chậm. Tham vọng chuyển toàn bộ cơ sở công nghiệp ra khỏi Thủ đô cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Do quy hoạch chắp vá, tầm nhìn ngắn hạn với mong muốn khai thác nhanh, hàng ngàn dự án bao quanh TP cũng đã được chuyển đổi mục đích cho hàng trăm Cty kinh doanh đất trên giấy với hạ tầng chắp vá, tạm bợ. Tình trạng đầu cơ đất với cách làm ma mãnh “cho dự án, cấp dự án và chạy dự án” càng góp phần cho bức tranh “nhà nhà làm quy hoạch” lộ rõ.

Hàng loạt khu đô thị nằm dọc trục đường Lê Trọng Tấn, khu vực đại lộ Thăng Long có quy mô lớn khác như: Khu Thiên Đường Bảo Sơn; khu Nam An Khánh 288ha; Khu Bắc An Khánh trên 250ha, Khu Dương Nội…, dù đến nay đã được xây dựng cả chục năm nhưng hệ thống hạ tầng, trong đó có hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ. Nhiều cư dân ở đây vẫn nói với nhau “cứ mưa to là họ rẽ sóng ra khơi, được đi thuyền trên phố”.

Nghịch lý hơn, rất nhiều tuyến đường vành đai chưa kịp xây xong đã trở thành đường nội ô. Xe máy, chia lô nhà ống đã biến Thủ đô trở thành một chợ lớn. Và Hà Nội trở thành 3.600 phố phường với dân số tăng gấp đôi, dân số khống chế trong quy hoạch hơn 10 năm trước nhanh chóng bị phá sản. Các nguồn lực của TP cứ dồn mãi cho giải phóng mặt bằng, chống ngập, mở đường, chống ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, vòng luẩn quẩn chưa thể dứt khi mà tầm nhìn cũng quẩn quanh với những lợi ích trước mắt.

Các chuyên gia nói gì?

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cho rằng, không quá lời nói sự quá tải của Hà Nội đang tiêu diệt chính nó. TP đang sắp đạt đến ngưỡng của một siêu đô thị Megacity, song quá trình tăng dân số lại không tỷ lệ thuận với sự cung ứng hạ tầng và quản lý đô thị. Cấu trúc TP mở rộng chỉ bằng quyết định hành chính và bản Quy hoạch chung mà 10 năm sau vẫn chưa làm xong các quy hoạch phân khu, nói chi đến quy hoạch chi tiết để thực thi quy hoạch. Do vậy Hà Nội mới thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật công trình công cộng và phúc lợi xã hội, vẫn cố xoay xở để sử dụng hạ tầng cũ của khu vực nội đô lịch sử gồm 4 quận nội thành cũ. Khu vực này, với không gian hữu hạn tiếp tục là trung tâm quá tải khi gánh các nhu cầu công cộng, dịch vụ, việc làm… cho một Thủ đô đã lớn gấp 22 lần quá khứ của chính nó. Có nghĩa, sau một đến hai thập kỷ nữa, tình trạng bế tắc, quá tải của hệ thống giao thông mặt đất sẽ ngày càng nan giải. “Bệnh đầu to” cộng với sự bế tắc giao thông đã thông báo khá rõ ràng hệ quả của phát triển Hà Nội như hiện nay, mà lẽ ra có thể được khắc phục nếu TP chọn hướng tiếp cận hệ thống để phát triển và mở rộng.

“Chỉ có một con đường tự đổi mới quy hoạch đô thị đó là chúng ta phải rời bỏ kiểu quy hoạch chính trị và quy hoạch xin – cho thời bao cấp để chuyển sang quy hoạch chiến lược theo dạng hợp tác quy hoạch giữa chính quyền, nhà chuyên môn, nhà đầu tư với cơ chế chủ động tham gia và giám sát của người dân tại địa điểm quy hoạch. Bởi, quy hoạch không phải việc của riêng chính quyền đô thị mà là công việc của mỗi công dân đô thị”, PGS Thục nói.

Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Cục trưởng Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Đỗ Viết Chiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng phát triển đô thị kiểu “phong trào” là do khâu tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch yếu kém. Một thời gian dài chúng ta tổ chức thực hiện quy hoạch theo kiểu đã có quy hoạch chung là coi như xong. Các chủ đầu tư bám vào quy hoạch chung để “chấm” dự án đầu tư xây dựng, nhưng điều này là sai lệch cơ bản vì quy hoạch chung chỉ mang tính định hướng, sau nó là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị,…

Đây mới chính là một bộ công cụ để quản lý đầy đủ về đô thị và cũng là công cụ để tổ chức thực hiện quy hoạch. Việc chỉ dựa vào quy hoạch chung để hình thành các dự án đã dẫn đến tình trạng nơi thì vỡ trận, nơi thì vắng lặng, phát triển đô thị ồ ạt theo phong trào, không xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của chính các đô thị. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến nguồn lực dành cho phát triển đô thị bị phân tán, mất cân đối cung cầu và việc không thực hiện theo bộ công cụ quản lý đô thị dẫn đến tình trạng “nhìn mặt nhau để thỏa thuận”, Nhà nước không những mất vai trò định hướng mà còn trở thành người đi sau nhà đầu tư để hợp thức hóa các dự án.

Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu xây dựng các khu đô thị mới thành khu đô thị du lịch – văn hóa, ngoài việc giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông còn cần tạo nên sức hút cho khu đô thị bằng cảnh quan đẹp, hài hòa, cân đối. Bằng mọi giá phải quản lý được không gian chung, đất công thì mới có thể bảo vệ quy hoạch ban đầu, tạo nên vẻ đẹp cho khu đô thị, thu hút người dân và cả khách du lịch. Mà chính yếu tố quản lý đất công cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển, vận hành mạng lưới giao thông. “Nếu đường sá còn bị lấn chiếm, thu hẹp, méo mó thì đương nhiên giao thông còn bị ảnh hưởng nặng nề”, một chuyên gia cho biết.

Minh Nguyễn/BXD