16/06/2017

Nhiều quy hoạch treo, quy hoạch chồng quy hoạch

Nói về việc thực hiện quy hoạch thời gian qua, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh tỏ ra quan ngại bởi nhiều quy hoạch còn chồng chéo, quy hoạch chồng quy hoạch và nhất là quy hoạch treo gây lãng phí tiền bạc.
Nhiều quy hoạch treo, quy hoạch chồng quy hoạch
Đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có một số chia sẻ với phóng viên nhằm làm rõ hơn những tồn tại trong công tác quy hoạch.

– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về công tác quy hoạch hiện nay của chúng ta?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Điều Việt Nam còn lúng túng là quy hoạch tổng thể, Chính phủ đã chuẩn bị nhiều năm và Quốc hội cũng đã họp nhiều phiên, nhưng rất tiếc do còn nhiều ý kiến nên vẫn chưa thông qua được luật quy hoạch trong kỳ họp này.

Nếu có luật quy hoạch sẽ khắc phục được chồng chéo trong quy hoạch, đây là vấn đề rất quan trọng của bất kỳ quốc gia nào, ngành nào hay địa phương nào. Khi không có quy hoạch sẽ dẫn đến sự lãng phí trong quá trình triển khai dự án.

Riêng với giao thông cũng phải có quy hoạch tổng thể, từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không đến đường biển… chúng ta phải có quy hoạch tổng thể trong lĩnh vực này, sau đó mới làm quy hoạch cho từng nhánh.

Chúng ta đang bàn cãi sôi nổi về quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất. Ở đây xảy ra câu chuyện, nếu có quy hoạch tổng thể và bước đi cụ thể thì sẽ không phải “bàn”. Nhưng vì thiếu đồng bộ đã dẫn đến câu chuyện như ngày hôm nay.

– Vậy theo ông, nên quy hoạch như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay? 

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Phải dựa trên nền tảng phục vụ nền kinh tế xã hội từ cả hiện tại và trong tương lai. Trước mắt, Quốc hội đang bàn về việc Chính phủ sẽ xây dựng báo cáo tiền khả thi để xây dựng sân bay Long Thành.

Tôi tin Quốc hội sẽ bấm nút thông qua nghị quyết tách giải phóng mặt bằng ra trước để triển khai kịp thời sân bay này. Tuy nhiên, nếu có triển khai theo đúng tiến độ thì cũng phải đến năm 2025 mới xong giai đoạn 1, tức là mới đáp ứng được 25 triệu lượt hành khách.

Nhưng ngay thời điểm này Tân Sơn Nhất cũng đã “thất thủ” rồi. Vậy, mở rộng Tân Sơn Nhất là bài toán phải giải ngay bây giờ, không thể chờ đợi đến 2025.

– Rõ ràng, chúng ta đã nhìn thấy những bất cập từ quy hoạch Tân Sơn Nhất, thưa ông?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Sau khi quy hoạch phải căn cứ vào dữ liệu để đánh giá, từ số lượng hành khách và hàng hóa vận chuyển theo từng thời kỳ sẽ tăng trưởng bao nhiêu, kết cấu hạ tầng sân bay đáp ứng ra sao, khả năng mở rộng như thế nào…

Theo đánh giá của một số chuyên gia, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trước đây còn gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, như khoảng cách hai đường băng. Vấn đề này cần xem xét khách quan, ý kiến nào đúng, ý kiến nào sai dựa trên cơ sở các dữ liệu hết sức khoa học và có tính chất xây dựng.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo thuê tư vấn nước ngoài đánh giá độc lập, trong trường hợp tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm thì sẽ căn cứ vào dữ liệu đó để Chính phủ lên phương án thích hợp cho sân bay Tân Sơn Nhất.

– Đã có rất nhiều đóng góp tâm huyết nhưng chúng ta vẫn chưa thể tháo được nút thắt trong quy hoạch sân bay hiện nay, thưa ông?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Có thể thấy ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, bản thân trong khu vực sân bay cũng phải thiết kế hợp lý và hài hòa, từ nhà ga, đường băng, điểm đỗ, dịch vụ…Thứ hai, sân bay phải kết nối được với hệ thống giao thông. Trong sân bay thông thoáng mà bên ngoài ùn tắc thì quy hoạch có đẹp cũng thành vô nghĩa.

– Vậy quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất có nhất thiết phải thêm sân golf, khách sạn hạng sang không, thưa ông?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Đây là sự chắp vá và không có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Vì thiếu tầm nhìn tổng thể đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Giả sử, Chính phủ quyết định xây thêm đường băng, mở rộng khu vực trong sân bay và giải tỏa giao thông bên ngoài sân bay… thì khi đó tất cả kết cấu hạ tầng đã xây dựng buộc phải phá dỡ.

Điều này dẫn đến một sự lãng phí nguồn lực xã hội rất “khủng khiếp”, dù đó là tiền của nhà nước hay tư nhân. Đây là bất cập lớn nhất trong quy hoạch hiện nay.

– Từ sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn rộng ra quy hoạch quốc gia hiện nay, ông đánh giá như thế nào?

Đại biểu Đỗ Văn Sinh: Khi chúng ta xây dựng luật quy hoạch, tôi nhận thấy rất đầy đủ, trên toàn quốc có khoảng 19.800 quy hoạch, từ cấp cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp vùng, ngành, địa phương. Tổng số tiền để làm quy hoạch đó lên đến khoảng 8.000 – 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy hoạch lại không đồng bộ, thậm chí có rất nhiều quy hoạch treo, quy hoạch chồng quy hoạch.

– Xin cảm ơn ông./.

Quảng Hiền (Vietnam+)