30/03/2015

Nhà ở xã hội – những giấc mơ đã trở thành hiện thực

Chính sách sinh ra nhà cửa, chuyện đã không còn lạ sau 2 năm Chính phủ và ngành xây dựng nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Hàng triệu công nhân, giáo viên, lực lượng vũ trang với thu nhập trung bình đã có nhà để ở, “bàn tay” chính sách đang thắp lên những mái ấm, những ngôi nhà ở xã hội, mà ở đó luôn ngập đầy tiếng cười nói trẻ thơ.

Nhà ở xã hội đã đáp ứng được nhu cầu lớn về nhà ở cho người thu nhập thấp tại nhiều địa phương trên cả nước. (Ảnh: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thăm Dự án nhà ở Dạ Hợp - Hòa Bình).

Nhà ở xã hội đã đáp ứng được nhu cầu lớn về nhà ở cho người thu nhập thấp tại nhiều địa phương trên cả nước. (Ảnh: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thăm Dự án nhà ở Dạ Hợp – Hòa Bình).

Nhà ở xã hội cho thành phố

Đi trên con đường thênh thang những hàng cây tiến về Khu đô thị thuộc Dự án Nhà ở xã hội Đặng Xá – Gia Lâm (Hà Nội), người ta có cảm giác bình yên đến lạ về một thành phố hiện đại được thu nhỏ giữa lòng Thủ đô. Với môi trường sống tiện dụng, chất lượng tốt, thân thiện với môi trường, Khu nhà ở Đặng xá với 5.000 căn hộ đang là những mái ấm của hàng nghìn hộ dân đến từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau. Trong đó có những người là nhà giáo, nhà văn, là công nhân và cả những chiến sỹ đang công tác trong lực lượng vũ trang nhân dân. Để có một mái ấm bình yên theo đúng nghĩa, trước đây, với họ là điều không tưởng.

Không còn trẻ nữa, đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông Nguyễn Công Đài, ở phòng 303 nhà D17 (Khu NƠXH giai đoạn 3 Đặng Xá) mới có được căn nhà mang tên mình. Chia sẻ về cuộc sống sau 2 tháng nhận nhà, ông Đài hồ hởi: “Là cán bộ nghỉ hưu, có ăn là hạnh phúc chứ ai ngờ rằng có ngày mình sẽ đủ tiền mua nhà, mà lại là nhà ở Hà Nội nữa chứ. Nếu nói về điều kiện sống và sinh hoạt tại khu nhà ở xã hội Đặng Xá thì không ở đâu bằng. Chúng tôi mang ơn Chính phủ, ngành xây dựng nhiều lắm”.

Công tác trong một tờ báo tại Hà Nội đã hơn 10 năm, nhưng nhiều năm trước, anh Nguyễn Hoàng Hà (Hải Dương) vẫn “chung tình” với cảnh cuối tuần xách xe máy lên đường về quê thăm vợ con. Chuyện có được căn nhà và đưa vợ con ra thành phố có lẽ còn là điều quá xa xỉ với anh. Nhưng rồi, cuộc đời của anh đã thay đổi sau những cơ chế ưu đãi của Nghị quyết 02/NQ-CP. Chia sẻ niềm hạnh phúc sau thời gian dọn về căn nhà của chính mình, anh Hà cho biết: “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì chẳng biết đến bao giờ, chúng tôi mới được sở hữu căn nhà lý tưởng như thế này. Với không gian thoáng đãng, chan hòa, mặc dù mới chuyển lên Hà Nội nhưng bà xã và các con tôi gần như đã hòa nhịp được với cuộc sống nơi đây. Đó là điều mà chưa chắc các khu nhà ở thương mại đã có được”.

Đây cũng là lý do khiến cho Khu NƠXH Đặng Xá luôn trở thành khu nhà ở xã hội mẫu – “nhà thu nhập thấp nhưng chất lượng không thấp” và luôn rơi vào tình trạng cháy hàng khi có dự án mới được triển khai.

Đến núi rừng Tây Bắc xa xôi

Hiện cả nước có 19.000 căn NƠXH và được phân bổ tại nhiều địa phương trên cả nước. Từ Hà Nội, TP. Đà Nẵng, An Giang… đến những vùng miền núi Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Hẳn nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ cách đây không lâu, khu NƠXH Dạ Hợp (Hòa Bình) được khánh thành với 220 căn hộ đã đáp ứng được nhu cầu không nhỏ về nhà ở cho những người thu nhập thấp sống cạnh con sông Đà huyền thoại.

Là cán bộ công chức, quê ở Hà Nam, nhưng duyên số đã khiến anh Lê Văn Chiến gắn bó với mảnh đất Hòa Bình. Cũng do hoàn cảnh khó khăn nên dù lấy vợ và có với nhau 2 mặt con, nhưng vợ chồng anh vẫn phải đi thuê nhà để ở. Thế rồi những khó khăn này đã đặt dấu chấm hết khi chính sách của Dự án NƠXH Dạ Hợp được khởi công. “Với mức lương “ba cọc, ba đồng”, tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ có nhà để ở, thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi khi những chính sách về nhà ở xã hội được bung ra. Tôi đã có căn nhà chính chủ bằng số tiền nhỏ, số còn lại sẽ được trả dần trong vòng 15 năm”, anh Chiến cho biết.

Còn nhớ năm 2011, khi thời điểm bong bóng bất động sản đang mùa nở rộ, nhằm giải quyết các khó khăn và bình ổn thị trường, Bộ Xây dựng với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, trong đó tập trung vào phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước. Bộ Xây dựng cũng đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 2196/CT-TTg ngày 6/12/2011 về một số giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường phát triển bền vững và đặc biệt là việc cho ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

Để Nghị quyết phát huy tính hiệu quả, ngày 28/8/2014, Bộ Xây dựng lại tiếp tục cho ra Nghị quyết số 61/NQ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.

Bằng những quyết sách đúng đắn, thị trường bất động sản đã bình ổn trở lại với giá nhà ở quay về mức ổn định, lượng giao dịch tăng nhanh, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội và nhà có giá trên dưới 1 tỷ đồng.

Kết quả này cũng phải kể đến những ưu ái lớn từ phía các ngân hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 25/02, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã cam kết cho vay 10.796 tỷ đồng. Trong đó, các hộ gia đình, cá nhân, được ngân hàng ký hợp đồng cam kết cho vay với số tiền 6.376 tỷ đồng và đã giải ngân được 4.427 tỷ đồng.

Cùng với những bộ luật: Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi sắp được triển khai, những quyết sách đúng đắn của Chính phủ, ngành xây dựng đã và đang góp phần làm ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn và đặc biệt là “thuần hóa” những ước mơ tưởng chừng như không thể thành có thể cho người thu nhập thấp.

Theo Báo Xây dựng