09/12/2014

Nhà liền kề kiểu… Mỹ

Sang Mỹ năm 2004, có bạn khuyên thời gian đầu nên ở nhà townhouse (nhà liền kề) đỡ phải lo môi trường xung quanh, không phải cắt cỏ, dọn tuyết, chỉ cần đóng phí hàng tháng. Vốn lười, lại thích có hàng xóm ngay cạnh, nên tôi mua ở Vienna (Virginia)…

 

Năm 2001, tôi xây xong ngôi nhà ở làng Trích Sài (Hà Nội), bạn bè tới chơi đều thích. KTS. Đặng Tri Hiền giúp thiết kế vẫn tỏ ra lo lắng và bảo, bao giờ mấy nhà bên cạnh xây kiên cố và hài hoà với nhà này, mới thật sự mừng. Nhà có giá khi hàng xóm cũng tương xứng.

Liền kề ở Hà Nội

Anh Hiền lân la sang nhà bên, hỏi han, rồi bảo, khi nào xây nhà, ới một tiếng, anh sẽ thiết kế miễn phí cho bác. Hơn năm sau, thấy bên cạnh đào móng, thi công trên miếng đất 40m2, mặt tiền 5m, sang hỏi, thì bên ấy bảo, tự làm lấy hết, chẳng cần kiến trúc sư.

“Lôcốt” bên được xây bốn tầng rưỡi, cao hơn nhà tôi tới hai mét, dù diện tích bằng 1/3, mặt tiền chỉ một nửa. Một năm sau đó, nhà phía bên kia cũng nhô lên cao chẳng kém. Ngôi nhà xinh xinh của tôi lọt thỏm xóm thò ra thụt vào. Nền văn minh lúa nước sông Hồng đã ăn sâu vào tư duy, quản lý, kiến trúc, xây dựng, vào mọi ngõ xóm.

Liền kề bên Virginia

Sang Mỹ năm 2004, có bạn khuyên, thời gian đầu nên ở nhà townhouse (nhà liền kề) đỡ phải lo môi trường xung quanh, không phải cắt cỏ, dọn tuyết, chỉ cần đóng phí hàng tháng khoảng vài trăm đôla tuỳ khu. Vốn lười, lại thích có hàng xóm ngay cạnh, nên tôi mua ở Vienna (Virginia). Khu nhà được thiết kế tổng thể khoa học, từ vườn cây trước mặt, đến thảm cỏ sau nhà, chỗ đỗ xe, hàng rào, đến cửa ra vào, dù nhà xây từ năm 1989, đã có gần 30 năm tuổi, nhưng vẫn đẹp và hài hoà.

vien

Nhà ở Vienna 2. Ảnh: HM

Ngoài chuyện phải làm hợp đồng mua bán, chủ nhà phải mua một cuốn Home Owner Association Agreement (HOA – Quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ nhà) và ký vào đó tất cả các điều khoản qui định.

HOA được pháp luật tiểu bang bảo vệ, do những nhà đầu tư bất động sản thiết lập nhằm xây dựng, quản lý và bán nhà, có quyền bỏ phiếu và được phép thoát trách nhiệm về tài chính và pháp lý sau khi đã bán hết bất động sản. Sau đó HOA do các chủ nhà trong khu tự quản. Người mua nhà không có quyền phản bác các qui định của HOA.

Mải vui chuyển về nhà mới, ít ai đọc HOA qui định những gì. Hàng tháng vẫn đóng tiền đều đặn gọi là phí quản lý khu nhà, tiền rác thải, nước. Một gallon (gần bốn lít) nước thải giá gấp đôi một gallon nước sạch, thủ thuật đơn giản để tiết kiệm nước.

Thấy phía sau nhà có mấy chỗ bong sơn bé độ bằng hai bàn tay, tôi ra Home Depot (cửa hàng bán đồ xây dựng) mua tạm một hộp bé về quét phủ lên, vì nếu thuê thợ thì đắt, vẻ cực kỳ mãn nguyện.

Hai tháng sau bỗng nhận được một thông báo, ông bà đã sơn sai mầu qui định, vi phạm qui định HOA. Xin gửi tấm ảnh để gia đình biết chỗ nào. Đề nghị tham khảo, tìm loại sơn cho đúng thiết kế ban đầu. Xin lưu ý, bảo vệ sự hài hoà của khu nhà là bảo vệ giá trị ngôi nhà của ông bà.

Tôi xem kỹ qui định của HOA thấy rất chi tiết, từ mầu, độ cao, độ rộng, rèm cửa đến cả cái khoá bên ngoài, lắp ăng ten ra sao. Nếu sai chủ nhà sẽ bị nhắc nhở và sẽ bị phạt. Thế là phải lọ mọ đi xin mã sơn, ra Home Depot không có loại sơn đó, nhưng mấy kỹ thuật viên lại pha chế mấy mầu khác nhau thành đúng mầu sơn do HOA qui định. Mỗi lần sửa nhà, chủ phải xin phép chính quyền địa phương, tham khảo HOA và có ý kiến mới được tiến hành sửa.

quangvinh

Nắng chiều ở Masterworks. Ảnh: Nguyễn Vinh Quang

Khi tôi bán nhà ở Vienna, người kiểm tra nhà phát hiện hộp điện bị nước ngấm. Bên mua nói, nếu để nguyên trạng, sẽ trừ đi 5.000 USD nếu không, chủ nhà phải sửa. Lọ mọ định tự sửa thì người bạn gọi điện, đừng động vào, hãy thuê kỹ thuật viên có chứng chỉ hành nghề. Thế là phải thuê, rồi xin phép chính quyền để sửa cũng mất 350 USD để có tờ giấy dán lên cửa sổ “đang sửa điện”, công xá, vật liệu, tổng cộng mất 1.300 USD

Người của ngành điện đến kiểm tra và ký vào tờ giấy dán trên bảng điện phải trả 150 USD chứng chỉ điện nhà đó an toàn. Nếu để xảy ra sự cố, chủ mới có thể kiện chủ cũ vì cẩu thả, nhưng bên kỹ thuật kiểm tra đã ký thì người bán vô can.

Xây mới đảm bảo nơi cũ không mất giá

Sau này về nơi mới, tôi cũng ở nhà liền kề. Đã quen với “nhà tập thể” này nên không gặp khó.

Có lần thấy cái nút chuông cũ không làm việc, tôi thay chuông mới không dây. Lắp nút mới bên cạnh nút cũ. Hai tuần sau đã có giấy nhắc, đề nghị ông bà tháo cái nút chuông cũ dù nó bé bằng hai đốt ngón tay. Kinh hồn cho luật nhà cửa bên Mỹ.

Mấy tuần nay, cả khu bỗng rộn lên vì bên phố đối diện sắp xây nhà sáu tầng. Mấy chục gia đình họp lên xuống, gọi HOA họp với chính quyền địa phương đến thoả thuận về thiết kế, từ hàng cây xanh, cột điện, xe chở rác, đến lối vào cho xe cứu hoả. Để thuyết phục bên xây dựng khu mới, tổ trưởng dân phố vận động tất cả các gia đình ra chụp ảnh chung, để chứng tỏ có bao nhiêu trẻ em, cần có không gian rộng và an toàn cho các cháu chơi.

Tôi đi họp để nghe quyết định cuối cùng, thấy họ thống nhất một nguyên tắc quan trọng, xây mới phải đảm bảo hài hoà và khu cũ đã xây 20 năm không bị mất giá. Để làm việc đó, họ thoả thuận với HOA, kiến trúc sư, xây dựng, chính quyền địa phương một số điều khoản mang tính sống còn của cả hai bên.

Tính tự nguyện và tấm lòng chia sẻ của người Mỹ

Ngoài chuyện luật lệ bảo vệ môi trường, bảo vệ kiến trúc khắt khe, thì bản thân người Mỹ cũng khá tự giác. Hôm trước đi mua cây thông Noel cách DC khoảng 30km gặp một gia đình bác nông dân. Ở ngay cạnh đường nhộn nhịp, thế mà bác vẫn sống như ở quê, nhà cửa bình thường, bên cạnh là khu nhà sang trọng.

 

 

 

phanglang

Phẳng lặng. Ảnh: H.M

Tôi hỏi đùa, có bán đất không. Bác bảo, đất này của gia đình không bao giờ bán nữa, ai mua cũng không được xây nhà. Chả là khu nhà gần đó xây rất đẹp, nhưng cây xanh ít, nên chính quyền kiện những người chủ thầu vì không làm đúng như thiết kế về tỷ lệ cây xanh, đất công cộng và diện tích nhà.

Người chủ thầu định mua nốt mấy hecta này nhưng gia đình không bán vì ông bà đã sống mấy đời. Nhiều người hỏi nhưng giá nào họ cũng lắc đầu dù gia đình không phải giàu có gì. Tuy nhiên, qua vài lần đàm phán, chủ thầu mua quyền xây nhà. Nghĩa là gia đình vẫn sở hữu miếng đất, trồng cấy, chăn nuôi, nhưng không được xây cất gì nữa. Có tiền bác lại đầu tư vào trang trại, nhà kính trồng rau. Mùa nào thức nấy, gia đình này cứ thế “tần tảo” nuôi nhau.

Dư đôi chút thì chia sẻ với người nghèo trên trái đất. Bán thông Noel để dành 25% tiền lãi làm từ thiện. Nếu khách mua là cả chủ lẫn khách đã đóng góp cho Santa để tặng quà trẻ thơ.

Tôi đùa, bán đất, kiếm vài triệu đô la, chẳng phải lo tiền nong tới cuối đời. Bác cười, anh hiểu nhầm về giấc mơ Mỹ. Người Mỹ như bác quan niệm hạnh phúc không phải có bao nhiêu tiền, được sống trong ngôi nhà rộng mông mênh. Mà bác cho rằng, hạnh phúc là biết chia sẻ và được chia sẻ.

Nhớ chuyện ở Hà Nội, KTS. Hiền cố giúp nhà bên cạnh thiết kế miễn phí nhưng không thành. Tôi rút ra một điều đơn giản, bao giờ ta thấy nhà mình đẹp và lo cho cả hàng xóm đẹp, thì khi đó, đất nước mình sẽ có thành phố hài hoà, ở đó hàng trăm năm không bị mất giá. Đó chính là biết chia sẻ các giá trị chung, thoát khỏi vòng luẩn quẩn của văn minh lúa nước và luỹ tre làng.

 

Theo Người đô thị