25/05/2018

Người mua condotel lo ngại gì?

ới cam kết lợi nhuận hấp dẫn 10% thậm chí lên đến 15%/năm, condotel đã được nhiều nhà đầu tư lựa chọn xuống tiền. Nhưng những vướng mắc pháp lý condotel cũng khiến nhiều chủ căn hộ không thể bán được condotel nếu cần thanh khoản.

Cam kết hấp dẫn nhưng khó chuyển nhượng

Dạo một vòng quanh các diễn đàn mua bán BĐS cho thấy mô hình căn hộ khách sạn condotel được mua bán khá sôi động, được quảng cáo hấp dẫn với mức lợi nhuận cam kết rất cao từ 10 – 15%/năm như condotel ở Vicom 26 Lê Thánh Tôn (Nha Trang) được dao bán với mức giá trên 2 tỷ đ/căn với diện tích hơn 40m2, được cam kết cho thuê 22 triệu đ/tháng trong vòng 50 năm. Các căn hộ ở đây có nội thất tiêu chuẩn 5 sao, căn hộ hướng biển đầy hấp dẫn, có chương trình cam kết cho thuê với chủ đầu tư trong thời gian 50 năm, lợi nhuận có kiểm toán mỗi năm khách hàng nhận về 85% nhưng không dưới 10% giá trị căn hộ, bên cạnh đó, chủ căn hộ còn được nhận 15 vocher nghỉ dưỡng miễn phí trong cùng hệ thống với số phòng tương đương căn hộ sở hữu trong suốt 50 năm…

Còn một dự án hấp dẫn khác ở Cam Ranh, với mức giá từ 1,4 tỷ đ/căn, được ngân hàng hỗ trợ vay vốn 70%, hỗ trợ vay lãi suất: 0% (tư lúc giải ngân đến lúc bàn giao nhà – khoảng 2 năm), thời gian vay kéo dài 15 năm, chia lợi nhuận lên đến 95%, nghỉ dưỡng suốt đời với 15 ngày mỗi năm…

Hàng loạt các dự án condotel ở các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Sầm Sơn, Khánh Hòa… được rao bán với những cam kết hấp dẫn. Đầu tư condotel đã trở thành xu hướng kinh doanh trong BĐS.

Không muốn để tiền “chết” trong ngân hàng, anh Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) quyết định đầu tư tiền mua condotel bên bãi biển đẹp khá nổi tiếng với hy vọng “tiền đẻ ra tiền”, chỉ cần đầu tư tiền mua, có đơn vị vận hành dự án, anh ngồi thu tiền về và còn được hưởng nhiều ưu đãi như được nghỉ dưỡng miễn phí 15 ngày cho cả gia đình.

Nhưng khác với tâm trạng hồ hởi khi mua, sau một thời gian sở hữu, anh quyết định bán condotel đó để đầu tư nơi khác… nhưng căn hộ chưa có sổ hồng nên khó chuyển nhượng hay thế chấp tài sản và khó bán.

Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cảnh báo: Năm 2018 xuất hiện sự cạnh tranh mạnh giữa các dự án condotel. Tại thị trường tiềm năng về condotel như Nha Trang, Khánh Hòa, sản phẩm condotel cao cấp chiếm tỷ trọng 35% trên tổng lượng giao dịch căn hộ nên người mua F1 (người mua đầu tiên) khó chuyển nhượng lại vì thanh khoản kém.

Không chỉ khó chuyển nhượng, hiện condotel đi vào vận hành phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và không đạt như kỳ vọng bởi bản chất condotel là khách sạn, nên lợi nhuận phụ thuộc rất lớn vào điều kiện vận hành, có thể có năm tốt nhưng có năm không tốt và cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khách quan tác động như môi trường, chính sách của Nhà nước, các đường bay thiết lập mới hoặc bị huỷ, quan hệ quốc tế… Thực tế cho thấy, một dự án condotel mà chủ đầu tư có năng lực tốt cũng khó có thể tránh khỏi rủi ro bởi trong mô hình này rủi ro nằm ở giai đoạn vận hành chứ không phải trong giai đoạn bán hàng.

Bảo vệ mình bằng hợp đồng mua bán với chủ đầu tư

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại kiếm lời) thường chịu chấp nhận chia sẻ rủi ro với chủ đầu tư dự án khi mua condotel. Song, không phải chủ đầu tư nào cũng có cam kết chia sẻ lợi nhuận với họ. Trong trường hợp, đối với loại hợp đồng mua bán căn hộ condotel có cam kết lợi nhuận thì cũng chưa thấy chủ đầu tư đề cập các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết trả lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp; cũng như chưa có giải pháp rõ ràng để hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp kinh doanh căn hộ condotel sau khi hết hạn cam kết lợi nhuận (sau 8 – 12 năm) để nhà đầu tư thứ cấp yên tâm.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã cam kết với nhà đầu tư thứ cấp sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, không hình thành đơn vị ở đối với căn hộ condotel nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy thực tế cuốn sổ đỏ căn hộ condotel nào. Cam kết này không phù hợp với Luật Đất đai, bởi theo quy định pháp luật hiện hành thì quyền sử dụng đất căn hộ condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng chỉ được sử dụng đất có thời hạn thường là 50 năm (theo thời hạn của dự án), và có thể được gia hạn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng, các nhà đầu tư nên thuê luật sư nghiên cứu thật kỹ các điều khoản trong hợp đồng mua bán condotel. Khi có tranh chấp xảy ra, tòa án dân sự sẽ giải quyết. Nếu chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 10 năm cho khách hàng, nhưng mới năm thứ 2 đã không trả lợi nhuận thì khách hàng có quyền kiện chủ đầu tư ra tòa án để đòi lại quyền lợi này.

Theo số liệu thống kê của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì chỉ riêng các khu du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn (từ 50ha trở lên) đã có 77 dự án, với tổng diện tích 18.000ha; 16.537 phòng khách sạn, 12.056 căn hộ condotel, 11.174 biệt thự nghỉ dưỡng.

Năm 2016, tổng nguồn cung căn hộ condotel đã lên đến 16.000 căn. Trong hai năm 2018, 2019, dự kiến trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 20.000 căn hộ condotel được mở bán, với diện tích căn hộ khoảng trên dưới 45m2. Condotel chủ yếu tập trung phát triển tại các khu vực ven biển, hải đảo như Vân Đồn, Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang,… Trong đó, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc là 3 địa bàn đang phát triển nóng.

Vũ Huyền/Báo Xây dựng