01/03/2021

Người hùng cứu bé rơi từ tầng 13: Nhiều lỗ hổng chết người ở lan can chung cư

Chuyên gia chỉ ra nhiều bất cập trong thiết kế lan can chung cư, góp phần gây nên những tai nạn đau lòng liên tiếp xảy ra với trẻ nhỏ.

Dư luận đang xôn xao trước sự việc chiều 28/2, tại tòa chung cư ở số 60B Nguyễn Huy Tưởng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), bé gái N.P.H (SN 2018) ở tầng 12A, bò từ trong nhà, trèo ra lan can rồi treo mình lơ lửng và rơi xuống. Rất may, bé đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (ở Đông Anh, Hà Nội) đỡ kịp và may mắn thoát chết.

Bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 13 chung cư xuống

Bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 13 chung cư xuống

Sự việc làm dấy lên những câu hỏi về sự an toàn trong thiết kế căn hộ chung cư, đặc biệt là lan can. Phân tích của nhiều chuyên gia cho thấy, vẫn còn nhiều sơ hở, khiến lan can chung cư vô tình trở thành những “cái bẫy” đối với trẻ nhỏ, thậm chí là với cả người lớn nếu không cẩn trọng.

Thực tế, chiều cao của các lan can ban công ở chung cư tại mỗi địa phương là rất khác nhau và không tuân thủ theo một quy chuẩn nhất định nào cả. Ví dụ như khu chung cư Linh Đàm (Hà Nội), lan can có chiều cao phổ biến 1,4m; còn chung cư ở Khu Sài Đông thì lan can lại có chiều cao 1,25m…

Theo Quy Chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và Công trình công cộng QCVN 04-1:2015/BXD: “Cửa số các phòng từ tầng 9 trở lên chỉ được làm cửa lật hoặc cửa trượt. Vị trí của các bộ phận điều khiển đóng mở cửa phải thực hiện theo QCVN 05:2008/BXD. Rào hoặc lan can chống rơi ngã tại các của sổ đối với phòng từ tầng 9 trở lên phải không thấp hơn 1,4 m; đối với phòng dưới tầng 9 phải không thấp hơn 1,1 m. Đối với căn hộ không có lô gia, cần bố trí tối thiểu một cửa số có kích thước lỗ mở thông thủy không nhỏ 600×600 mm phục vụ cứu hộ, cứu nạn”.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong hệ thống văn bản quy chuẩn của Bộ Xây dựng về thiết kế, xây dựng chung cư, nhà cao tầng, vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em rất được quan tâm, song thực tế thời gian gần đây liên tiếp các sự việc thương tâm xảy ra.

Nếu xét nội dung văn bản luật, các tòa nhà chung cư hiện nay cơ bản đảm bảo được những yêu cầu về thiết kế, lan can ban công cao từ 1,1 đến 1,4 m. Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam, nhà cao tầng từ tầng 6 trở lên không được làm ban công mà chỉ làm lô gia. Với lan can, chiều cao tối thiểu là 1,2 m và không được để hở chân.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, quy chuẩn này đang bộc lộ nhiều bất cập, do chỉ mới quy định chung chung chứ chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về các thông số kỹ thuật, an toàn cho các loại lan can, lô gia. Nhiều chung cư thiết kế lỗ lan can rộng nên trẻ nhỏ vẫn có thể chui lọt, nhiều chung cư lan can thiết kế có tay vịn nên trẻ em cũng dễ dàng bắc ghế để trèo lên…

Tất cả những vấn đề này đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho cư dân sinh sống tại các chung cư, đặc biệt là trẻ em. Đáng quan ngại là tất cả các chung cư cao tầng, cửa sổ hầu hết không làm chấn song để đảm bảo mỹ quan cho tòa nhà và tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2008 đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe. Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4 m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.

Trong một diễn biến liên quan đến vụ việc bé gái bị rơi từ tầng 12A tòa chung cư số 60B Nguyễn Huy Tưởng, ngày 1/3, PGS.TS Trần Chủng – Trưởng ban Chất lượng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cơ quan chức năng cần phải kiểm tra đối với công trình nhà ở chung cư này.

Bằng mắt thường qua hình ảnh, tôi không thể chắc chắn ban công – nơi bé gái xảy ra sự cố có đảm bảo an toàn hay không, nhưng tôi chắc chắn một điều là công trình nhà ở này cần phải được kiểm tra ngay“, PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Chủng phân tích, trong Luật Xây dựng đã quy định tùy theo cấp độ công trình mà phân cấp cấp quản lý là Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng hay là chính quyền địa phương. Cho nên, rõ ràng cơ quan chính quyền cũng không thể đứng ngoài cuộc, mà phải kiểm tra công trình này có tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng quy định hay không? Chiều cao có đảm bảo tối thiểu là 1.4m không? Khoảng cách giữa các thanh chắn của lan can có đúng như đảm bảo yêu cầu là cho các cháu bé không thể chui qua không?

PGS.TS Trần Chủng khẳng định: “Nếu công trình này không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thì cần phải quy trách nhiệm”.

Ngọc Vy/VTC