21/08/2019

Nghị định về BT chính thức được ban hành: Khắc phục triệt để sai phạm về “đổi đất lấy hạ tầng”

Cuối cùng, sau hơn 10 lần dự thảo, báo cáo, tiếp thu giải trình và hoàn thiện, Nghị định số 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (dự án BT) đã chính thức được ban hành.

Đây là một trong những quy định được “mong chờ” nhất trong số các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, được cho là sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư BT.

Không thể “làm một cây cầu 200 tỷ đồng mà giao miếng đất 2.000 tỷ đồng”. (Ảnh minh họa).

Không thể “làm một cây cầu 200 tỷ đồng mà giao miếng đất 2.000 tỷ đồng”. (Ảnh minh họa).

Đảm bảo ngang giá

Đối chiếu với quy định hiện hành về cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT thì ngoài cơ chế thanh toán bằng quỹ đất được kế thừa từ Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng theo hình thức BT, Nghị định đã bổ sung việc sử dụng một số loại tài sản công khác để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Những tài sản đó gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất (trụ sở làm việc) của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập…; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; các loại tài sản công khác theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nguyên tắc thanh toán dự án BT bằng tài sản công cũng được quy định rất rõ ràng. Ông La Văn Thịnh – Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho hay: Việc xác định nguyên tắc là việc rất khó nhưng phải quy định rõ, đó là giá trị tài sản công phải xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán. Nghị định 69 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT theo nguyên tắc ngang giá giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Cụ thể: Giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu. Đây là vấn đề được đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh, bởi nếu thực hiện nguyên tắc ngang giá thì không thể “làm một cây cầu 200 tỷ đồng mà giao miếng đất 2.000 tỷ đồng”.

Một trong những điểm mới so với quy định trước đây là sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT phải được tổng hợp, phản ánh vào NSNN. Thời điểm thanh toán đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc là thời điểm UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư; thời điểm thanh toán đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư. Đáng chú ý, khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình dự án BT hoàn thành theo tiến độ chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho nhà đầu tư.

Dùng “đất sạch” phải báo cáo Thủ tướng

Về xác định giá trị dự án BT, Nghị định 69 quy định rõ phương pháp tính. Cụ thể, giá trị dự án BT ghi tại hợp đồng BT để thanh toán được xác định theo kết quả đấu thầu và không thay đổi kể từ ngày hợp đồng BT được ký kết, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy mô, thiết kế kỹ thuật, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án BT, khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị dự án BT; giá trị dự án BT để thanh toán là giá trị được quyết toán theo quy định của pháp luật. Đây là nguyên tắc quan trọng, tránh việc điều chỉnh tùy tiện các dự án BT.

Việc sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả thông qua việc huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân và cung cấp các dịch vụ công, giảm áp lực lên nguồn NSNN. Do vậy, Nghị định cũng quy định sử dụng tài sản công là quỹ đất và trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư BT.

2 nhóm quỹ đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư gồm: Đất chưa giải phóng mặt bằng và đất đã giải phóng mặt bằng (hay còn gọi là đất sạch). Việc lựa chọn quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư phải đảm bảo: Đất thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; việc thu hồi đất đối với quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư phải tuân thủ đúng quy định; trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư thì UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tương tự, nếu sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư cũng phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, giá trị quỹ đất thanh toán thực tế là giá trị quỹ đất thanh toán sau khi đã được điều chỉnh theo các phụ lục hợp đồng BT và đảm bảo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán. Như vậy, nếu UBND cấp tỉnh sử dụng “đất sạch” và trụ sở làm việc để thanh toán cho nhà đầu tư BT thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phải thực hiện theo nguyên tắc ngang giá. Theo khẳng định của ông La Văn Thịnh, Nghị định mới sẽ khắc phục triệt để những sai phạm khi thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”.

Một điều khoản quan trọng nữa được đề cập là xử lý chuyển tiếp nhằm hướng dẫn thực hiện cho các dự án ký kết trước năm 2018 (thời điểm Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực). Nghị định quy định: Đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho nhà đầu tư, thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng đã ký kết. Trường hợp các nội dung liên quan đến việc thanh toán chưa được quy định rõ trong hợp đồng BT thì áp dụng các quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và pháp luật có liên quan có hiệu lực tại thời điểm thanh toán. Theo đó, việc xác định giá trị dự án BT phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.

Nghị định 69 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2019 và không cần Thông tư hướng dẫn.

Ngay khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công thanh toán dự án BT sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Từ đó đến nay, Văn phòng Chính phủ đã gửi lấy ý kiến thành viên Chính phủ 3 lần. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã họp với các bộ, ngành, địa phương; Thường trực Chính phủ cũng đã họp 2 lần để thảo luận, cho ý kiến, hướng xử lý, hoàn thiện dự thảo và Chính phủ cũng đã họp 1 lần để trao đổi, thống nhất nội dung quan trọng đưa vào dự thảo.

Về phía Bộ Tài chính, đã có hơn 10 lần báo cáo, tiếp thu giải trình và hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi ban hành văn bản này.

Hồng Vân/Báo Hải quan