27/04/2020

Ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4/1948-27/4/2020)

Ngày 27/4/1948, khi cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đang diễn ra khốc liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp số KTS Việt Nam được đào tạo tại trường Mỹ thuật Đông Dương trước Cách mạng Tháng Tám, đang làm việc phân tán tại nhiều nơi ở vùng tự do và chiến khu Việt Bắc, để thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam.

Hội nghị diễn ra tại Thản Sơn, Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Yên (cũ ), với sự có mặt của các KTS tiêu biểu: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Đoàn Văn Minh, Nguyễn Ngọc Chân… tiến hành Hội nghị đã vinh dự được Bác Hồ gửi thư động viên và căn dặn.“…Chúng ta phải tùy hoàn cảnh mà xây dựng ngay trong khi kháng chiến và sau khi kháng chiến thành công. Tôi mong Hội nghị sẽ đi tới những kế hoạch thiết thực với tình thế hiện tại và những chương trình kiến thiết hợp với tương lai, kế hoạch và chương trình đúng tinh thần Đời sống mới. Tôi lại mong Hội nghị chú trọng đặc biệt tới vấn đề nhà ở thôn quê, tìm ra những kiểu nhà giản dị và cao ráo, sáng sủa và rẻ tiền”.

Giới KTS Việt Nam đã lấy ngày Hội nghị thành lập tổ chức đầu tiên của giới KTS Việt Nam, nay là Hội KTS Việt Nam để làm ngày KTS Việt Nam.

Hơn 70 năm qua, nhiều thế hệ KTS Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước – đó cũng là công việc tiếp nối những thành tựu của hàng ngàn năm lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam, nơi biết bao con người tài năng, những bậc thầy kiến trúc Việt Nam đã để lại những công trình kiến trúc tuyệt mỹ, đem lại niềm tự hào cho đất nước:

Đó là Loa Thành – một kiệt tác đầu tiên của vua An Dương Vương với vai trò của Kiến trúc sư kỳ tài;

Đó là nhà vua Lý Công Uẩn với tầm nhìn kiến trúc xuyên suốt ngàn năm của kinh đô Thăng Long: “Nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.” (trích Chiếu dời đô);

Đó là Nguyễn An, vị kiến trúc sư trưởng xây thành Bắc Kinh – niềm kiêu hãnh của Kiến trúc châu Á;

Đó là tầng tầng, lớp lớp các kiến trúc sư tài hoa lỗi lạc dựng lên trăm, ngàn kiệt tác Đình, Chùa, Đền, Miếu, Làng mạc, Thành Lũy khắp ba miền đất Việt;

Đó là những KTS sang trọng nhưng vẫn không quyên bổn phận lo toan cho dân nghèo được sống an lành trong những ngôi nhà Ánh Sáng;

Đó là kiến trúc sư sống trong đêm dài mất nước nhưng tận tâm dựng nên Đài Độc Lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

Đó là những kiến trúc sư nếm mật, nằm gai nơi chiến khu vẫn không quyên dựng xây Thủ đô Kháng chiến chiến khu Việt Bắc chống Pháp, Tây Ninh đánh Mỹ năm nào;

Đó là những kiến trúc sư chắt chịu từng viên gạch, thanh sắt để xây đắp nền móng đất nước sau Hòa Bình: những khu nhà ở cho công nhân còn nghèo nhưng đầy tình thân ái, những khu công nghiệp còn thô sơ nhưng cũng làm ra áo mới cho trẻ em, chăn ấp cho người già, những nhà văn hóa đơn sơ vang lên lời ca tiếng hát hạnh phúc, những công viên hào hoa được sinh ra từ nơi bùn lầy nước đọng, những cung thiếu nhi lộng lẫy chắp nên từ nhửng đá vỡ do bom đạn chiến tranh, những tượng đài uy nghi tưởng nhớ công lao của các Anh hùng Liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập tự do của đất nước…

Đâu đâu cũng thấy thấm đẫm mồ hôi của bàn tay khối óc các thế hệ kiến trúc sư cha anh chúng ta.

Nhân ngày Kiến trúc Việt Nam, chúng ta cùng nhau đọc lại Thư của Bác gửi Hội nghị Kiến trúc sư ngày 27/4/1948 để suy ngẫm, soi chiếu vào công việc của kiến trúc hôm nay, từ đó kiểm lại hành trang, xốc lại đội ngũ để vững vàng đi tiếp trên con đường sáng tạo đầy gian khó, để xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới hiện đại, tiên tiến, nhân văn và giàu bản sắc.

Ban biên tập TCKTVN