03/12/2019

Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hội An

TP Hội An cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân của di sản.

Sáng 3-12, tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra Hội thảo quốc tế Di sản văn hóa (DSVH) Hội An – 20 năm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững, với sự tham dự của hơn 100 đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà bảo tồn di tích trong và ngoài nước cùng đại diện các tổ chức quốc tế.

Theo ông Phạm Phú Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, 20 năm qua, từ những dự án hợp tác thí điểm, điển hình với Chính phủ Nhật Bản, các tổ chức quốc tế trong trùng tu di tích hoặc thông qua các dự án bước đầu đã hỗ trợ người dân từ 20-40% hệ mái ngói âm dương là tiền đề cho công cuộc trùng tu, cứu nguy nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ trong khu phố cổ Hội An.

thumb_660_1eb53eac-acd5-4e3f-9c9b-b9e5befc0a26

Di tích chùa Cầu, biểu tượng của đô thị cổ Hội An

Đến nay, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã thực hiện tu bổ cho tổng cộng 424 công trình di tích nhà nước và di tích hỗ trợ tư nhân – tập thể với tổng vốn đầu tư hơn 152 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực phát huy giá trị văn hóa nói chung, trong những năm qua, cùng với quần thể DSVH kiến trúc khu phố cổ Hội An, hàng loạt các sản phẩm du lịch độc đáo như “Đêm phố cổ”, “Phố đi bộ”, các khu chợ đêm,… gắn liền với nhiều lễ lệ, lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống đã được tổ chức.

Nhờ đó đã thu hút ngày càng đông đảo du khách đến với Hội An. Nếu năm 1999 chỉ có gần 100.000 lượt khách đến tham quan thì đến năm 2018, Hội An đã đón hơn 2,3 triệu lượt khách.

Việc phát huy các giá trị di sản tại Hội An không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương mà còn là động lực chủ yếu để nâng cao đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho người dân phố Hội.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Hội An cũng đối mặt với không ít những thách thức phát sinh. Ông Phạm Phú Ngọc thẳng thắn nhìn nhận rằng những áp lực về dân số, mật độ và thành phần dân cư, sự thay đổi chủ sở hữu các ngôi nhà cổ trong đô thị tăng nhanh khó kiểm soát, nhất là trong khu phố cổ là thách thức mang tính thời sự đang diễn ra.

Các đại biểu tham gia hội thảo nhằm giúp Hội An đưa ra những kiến giải về bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Các đại biểu tham gia hội thảo nhằm giúp Hội An đưa ra những kiến giải về bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Bên cạnh đó, tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển dịch vụ – du lịch, gia tăng lượng khách du lịch gây nên tình trạng tranh mua, tranh bán, cò mồi phản cảm… làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên tính toàn vẹn, tính chân xác của DSVH, của cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích và các quan hệ xã hội, gia đình. Điều này đã tác động tiêu cực đến đạo đức lối sống thuần hậu của con người Hội An xưa.

Trước thực tế đó, tại Hội thảo quốc tế Di sản văn hóa Hội An – 20 năm bảo tồn và định hướng phát triển bền vững, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến giải cho quá trình phát triển gắn liền với phát huy các giá trị DSVH Hội An.

Ông Trần Quốc Khánh, Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO – Bộ Ngoại giao, cho rằng đời sống của DSVH thế giới Hội An gắn liền với hàng loạt DSVH phi vật thể quốc gia như làng mộc Kim Bồng, làng yến Thanh Châu, làng gốm Thanh Hà và những hình thức nghệ thuật dân gian lâu đời như hát Bài chòi.

Vì vậy, TP Hội An cần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, làm cho người dân thực sự trở thành chủ nhân của di sản.

Theo ông Trần Quốc Khánh, Hội An cần số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chi tiết về di sản, bao gồm các công trình kiến trúc, lịch sử phát triển, các tập quán, truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư.

Trong quá trình đó, ngoài việc huy động sự tham gia của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu trong nước, Hội An có thể tranh thủ sự hỗ trợ của UNESCO về mặt chuyên môn; mời các chuyên gia UNESCO giúp tư vấn về cách thức thực hiện và gợi ý giải pháp cho các vấn đề dân sinh.

Một góc TP Hội An hiền hòa, tĩnh lặng

Một góc TP Hội An hiền hòa, tĩnh lặng

TP Hội An cần tiếp tục triển khai các phương án để khai thác đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản quý giá của Hội An; cải thiện hệ thống giao thông, hạ tầng và các tiện ích công cộng như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, trung tâm thông tin du lịch,…

Chính quyền Hội An cũng cần rà soát, chấn chỉnh lại môi trường du lịch đang nảy sinh nhiều tiêu cực như chèo kéo, cướp giật, ô nhiễm môi trường để tạo dựng môi trường an toàn và thân thiện trong mắt du khách.

Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là DSVH thế giới năm 1999. Khu di tích này được đánh giá như một “bảo tàng sống” bảo tàng về lịch sử kiến trúc, dân cư đô thị.

Tính đến năm 2018, toàn TP Hội An có 1.408 di tích đã được kiểm kê phân loại, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh, 1.334 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố. Riêng khu phố cổ có 1.130 di tích, trong đó có 9 di tích đơn lẻ được xếp hạng cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh.

Ngọc Thi/Công an Nhân dân online