13/03/2019

Nản với giao thông Hà Nội, khách thuê văn phòng ‘tháo chạy’ khỏi trung tâm

Theo Savills, Hà Nội và TPHCM dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông, thấp hơn các thành phố như Thượng Hải, Seoul, Singapore & Tokyo – nơi tỷ lệ này chiếm trên 12%.

Mới đây, Savills vừa công bố ấn phẩm “Tech Cities” (Thành phố Công nghệ) lần thứ 3, xếp hạng 30 Thành phố Công nghệ hàng đầu thế giới.

Đơn vị này cho biết, yếu tố “mức độ thuận tiện trong di chuyển” lần đầu tiên được xét đến trong bảng xếp hạng Thành phố Công nghệ.

Theo Savills, với tốc độ đô thị hóa toàn cầu ngày càng tăng, mức độ hiệu quả của hệ thống giao thông trong thành phố đang ngày càng trở nên quan trọng. Ngay cả khi một thành phố có nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, nhưng nếu cơ sở hạ tầng giao thông gây mất nhiều thời gian và chi phí cho nhân viên khi đến nơi làm việc thì điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của các công ty công nghệ và thành công chung của thành phố.

dat-giao-thong-vietnamnet-1

 

30 thành phố Công nghệ của Savills nằm trong số những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. Trong đó có các thành phố phát triển bậc nhất như New York, San Francisco, London, Bắc Kinh, Thượng Hải…

Dù không nằm trong bảng xếp hạng này đơn vị vẫn đưa ra đánh giá về Việt Nam. Để hình dung được “mức độ thuận tiện trong di chuyển” tại 2 thành phố là Hà Nội và TPHCM, theo Savills có thể ghi nhận rằng Việt Nam còn cách top 30 thành phố công nghệ trên thế giới khá xa.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, hiện Việt Nam còn đang thiếu 2 trong số 3 tiêu chí đánh giá mức độ thuận tiện trong di chuyển: dịch vụ giao thông chia sẻ & hệ thống tàu điện. Trong khi đó, xét trên tiêu chí cuối cùng – cơ sở hạ tầng đô thị, Hà Nội và TPHCM còn nhiều điểm có thể cải thiện.

“Theo báo cáo tiêu điểm “Giao thông đô thị” của Savills năm 2017, 2 thành phố của nước ta dành chưa đến 9% diện tích đô thị cho đất giao thông, thấp hơn các thành phố như Thượng Hải, Seoul, Singapore và Tokyo – nơi tỷ lệ này chiếm trên 12%. Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TPHCM vẫn còn là một vấn đề đáng lo ngại”, bà Hằng cho biết.

Còn ông Bùi Trung Kiên, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội đánh giá, tại Việt Nam, do mức độ thuận tiện trong di chuyển tại các thành phố còn hạn chế nên các khách thuê doanh nghiệp đang giải quyết bằng cách tìm đến các khu vực có kết nối tốt nhất.

“Khu vực trung tâm thành phố Hà Nội đã từng là ưu tiên hàng đầu của khách thuê. Tuy vậy, do lưu lượng giao thông lớn, thời gian di chuyển từ trung tâm ra khu vực phía Tây đã tăng lên đến khoảng một tiếng đồng hồ. Tình trạng này, kết hợp với giá thuê tăng và nguồn cung mặt bằng văn phòng cao cấp hạn chế ở khu vực trung tâm, đã dần hướng khách thuê ra các khu vực ngoài trung tâm”- ông Kiên cho hay.

Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án cấm xe máy vào nội đô

Sở GTVT Hà Nội đang xây dựng đề án cấm xe máy vào nội đô

Theo ông Kiên, dự án hệ thống metro của Hà Nội sẽ tạo lợi thế kết nối cho các tòa nhà văn phòng ở khu vực cận trung tâm.

Vị Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cũng cho rằng, thêm một lý do để khách thuê rời văn phòng ra khỏi khu vực trung tâm là bởi khu vực cận trung tâm là nơi có số lượng lớn nhất nhân viên cư trú (763.000), theo sau là khu vực phía Tây với 420.000 nhân viên. Xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm được phản ánh qua mức tăng trưởng ấn tượng trong công suất cho thuê của khu vực cận trung tâm, từ 40% năm 2015 lên trên 80% năm 2018

Nhận định về tương lai của Việt Nam, bà Hằng cho rằng chênh lệch giữa các thành phố của nước ta và các thành phố trong top 30 thành phố công nghệ cho thấy chúng ta còn nhiều cơ hội để học hỏi.

Vị Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cũng cho rằng, như cách các thành phố công nghệ có thể học hỏi lẫn nhau, Hà Nội và TPHCM có thể học hỏi các thành phố hàng đầu về công nghệ này cách để cải thiện mức độ thuận tiện trong di chuyển, cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, tăng tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng và giảm ô nhiễm không khí.

“Nếu làm được điều này, kết hợp với những lợi thế sẵn có của Việt Nam như nguồn nhân lực công nghệ dồi dào, chi phí bất động sản tương đối thấp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn, thì mức độ cạnh tranh của các thành phố Việt Nam sẽ sớm tăng lên” – bà Hằng nhấn mạnh.

Hồng Khanh/Vietnamnet