27/05/2015

Malaysia: Phát triển bê tông hỗn hợp thân thiện với môi trường

Chính phủ Malaysia đã có những nỗ lực để khuyến khích việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường cho các công trình xanh. Các nhà nghiên cứu từ Khoa Kỹ thuật dân dụng thuộc Trường Đại học Công nghệ MARA tại Malaysia đã phát triển thành công một loại bê tông thân thiện với môi trường được đặt tên là “green-mix”.

Bê tông green-mix.

Bê tông green-mix.

 

Trong xây dựng, các nhà thầu có lợi thế trong việc lựa chọn các vật liệu xây dựng sẽ được sử dụng cho công trình. Thông thường, việc lựa chọn các loại vật liệu sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm chi phí, hiệu suất sử dụng cụ thể.

Do nhu cầu của việc phát triển bền vững cũng như những ưu đãi đa dạng mà chính phủ Malaysia cung cấp, những yếu tố then chốt của ngành công nghiệp xây dựng đã được thúc đẩy hơn bao giờ hết. Trong đó có việc sử dụng những loại vật liệu bền vững hay hạn chế tối thiểu những tác động tới môi trường.

Trong những năm gần đây, các ứng dụng của bê tông thân thiện với môi trường đã phổ biến ở nhiều quốc gia như Malaysia. Loại bê tông mới có thể được sản xuất từ vật liệu phế thải. Bê tông xanh cũng có thể được hình thành trong các quy trình sản xuất khác nhau mà không gây hại tới môi trường. Các tiêu chí của loại bê tông xanh này đó là các vật liệu được sử dụng phải từ các nguồn vật liệu xanh, bền vững. Việc sử dụng các vật liệu phế thải, tái chế được coi là bền vững bởi chúng giúp tiết kiệm chi phí, nguyên liệu thô cũng như giảm thiểu các bãi chôn lấp phế thải.

Trong dự án này, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ MARA đã đưa ra loại vật liệu mới gọi là bê tông hỗn hợp thân thiện với môi trường hay green-mix. Loại bê tông này được thiết kế và sản xuất bằng các nguyên liệu thông thường những được thay thế một phần bằng các nguyên liệu bền vững từ phế thải cũng như tái chế để đạt được hiệu quả kinh tế và hiệu suất có thể chấp nhận được. Loại bê tông xanh này được sản xuất từ các nguyên liệu thô như tro bay, cốt liệu bê tông tái chế và sợi nhôm. Tro bay là một sản phẩm phế thải từ các nhà máy điện đốt than và thường được xử lý ở các bãi chôn lấp. Trong nghiên cứu, tro bay có tiềm năng thay thế xi măng – loại vật liệu có tác động lớn tới môi trường, gây ô nhiễm không khí. Để giảm thiểu tiêu hao nguyên liệu và giảm chất thải phát sinh từ việc phá hủy các cấu trúc bằng bê tông, bê tông sau khi nghiền nát có thể được tái sử dụng như cốt liệu bê tông. Các lon bằng nhôm được sử dụng vì chúng có thể dễ dàng chế biến thành sợi nhỏ và sử dụng như cốt thép trong bê tông.

 Tro bay.

Tro bay.

Để sản xuất loại bê tông mới này đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật như thiết kế bê tông hỗn hợp mới, những loại vật liệu thô mới và những hiểu biết mới về tính chất của vật liệu bê tông xanh, thân thiện với môi trường. Theo nghiên cứu, loại bê tông mới có độ bền vững tăng 30% so với bê tông thường.

Như vậy, loại bê tông hỗn hợp thân thiện với môi trường mới này có những lợi ích như tăng hiệu suất sử dụng trong các tòa nhà, công trình; giảm lượng xi măng, dấu chân carbon trên mỗi đơn vị bê tông. Bên cạnh đó, nó mang lại tiềm năng thương mại trong việc cung cấp cho các nhà thầu, phù hợp với Chính sách công nghệ xanh quốc gia.

Theo Báo Xây dựng