06/03/2018

Makati: Thành phố xa hoa đặt trong tủ kính

Thủ đô của Philippines là Đại Manila (Metro Manila), hợp thành từ 16 thành phố. Makati là một trong số đó, nhưng nó khác biệt như một ốc đảo xa hoa giữa một thành phố nổi tiếng bởi tắc đường, ô nhiễm và các khu ô chuột khổng lồ. Mô hình phát triển của Makati có điểm gì đặc biệt và Hà Nội ta có thể học được gì từ quá trình đô thị hóa Metro Manila nối chung, Makati nói riêng?

Lịch sử của đất nước trải qua các kế hoạch xây dựng thành phố mới

Lịch sử TP. Manila bao gồm những mảnh rời rạc, tách biệt. Khi còn là thuộc địa của Tây Ban Nha (thế kỷ 15-19): Khu thành cổ Intramuros dành cho các gia đình quan chức Tây Ban Nha và các chức sắc nhà thờ. Bên ngoài tường rào thành cổ là khu thương gia Hoa kiều (Parian/Binondo ) còn lại là dân Tagalog, dân bản địa rải rác.

Năm 1898 khi Hoa Kỳ thay thế Tây Ban Nha cai quản Philippines, Người Mỹ đã giao Daniel Burnham lập quy hoạch Manila trở thành “Washington trong vùng nhiệt đới”. Bên ngoài thành cổ và khu phố Tàu là vùng Ermita và Malate: khu  dân cư / thương mại tập trung tầng lớp thượng lưu Manila.

Sơ đồ Metro Manila với 16 thành phố và các giai đoạn hình thành – Howard the Duck

Năm 1948, Manila trở thành thủ đô của Philippines độc lập. Giống như tất cả các nhà nước non trẻ, các Tổng thống mải mê với kế hoạch xây thủ đô mới, nhằm tạo ra một tuyên ngôn chính trị bằng thị giác, biểu tượng đánh dấu một giai đoạn lịch sử lập quốc, thể hiện trí tưởng tượng của các chính khách về quốc gia mà họ đang điều hành.

Vốn là thuộc địa của các nước phương Tây, thủ đô mới hiện đại phải thoát khỏi ảnh hưởng ấy. Điều trớ trêu là kiến trúc hiện đại có nguồn gốc phương Tây, trong khi kiến trúc truyền thống thì được coi là cổ lỗ/lạc hậu/quê mùa . Lựa chọn cuối cùng vẫn là chủ nghĩa hiện đại,  bởi nó mang đến hình ảnh tiến bộ và phong cách quốc tế, nó nhanh chóng được phổ biến rộng rãi.

Để lại đằng sau Manila cổ đổ nát bởi những trận không kích. Trên nền thành phố cũ, thủ đô mới Quezon City được khởi công năm 1949, với mục đích trở thành “Thủ đô mới là nơi các văn phòng hiến pháp sẽ hoạt động trong một không khí nhân phẩm, tự do và hạnh phúc của con người, sẽ tăng lên như là thành trì của nền dân chủ ở phương Đông” (Uỷ ban Quy hoạch Thủ đô 1949).

Hàng loạt cơ quan Chính phủ và khu nhà ở cho các quan chức, tướng lĩnh quân đội, những thành phần ưu tú của chế độ mới được xây dựng… Giá đất quanh thành phố mới Quezon City tăng nhanh làm phình to các khu đô thị bên ngoài, vốn bị kiểm soát lỏng lẻo. Trải qua 5 đời Tổng thống (1948-1986) từ 1-2 thành phố đã lên đến 16 thành phố hợp thành Đại Manila (Metro Manila), đó là: Manila Caloocan, Las Piñas, Makati, Malabon, Mandaluyong, Marikina, Muntinlupa, Navotas, Pasay, Pasig, Parañaque, Quezon, San Juan, Taguig, Valenzuela và đô thị tự trị Pateros.

Bất ổn chính trị kéo dài hàng chục năm và các khu vực đô thị thịnh vượng hay suy tàn cũng tùy thuộc không khí chính trị xã hội. Ví dụ dưới triều đại Marcot (1965-1986): các khu vực thượng lưu cũ bị hạn chế lợi ích, quyền lực thay thế bằng bộ sậu của nhà độc tài.

Không chỉ riêng Manila mà hầu hết các thành phố hậu thuộc địa đều ấp ủ giấc mơ có tên “Thủ đô mới”. Có rất ít ví dụ thành công mà hầu hết các “Thủ đô mới” có cùng cảnh ngộ dở dang, vùng giáp biên phát triển tự phát tràn lan, để lại di sản một đô thị loang lổ, vá víu.

Nguồn lực quốc gia tập trung vào những công trình có tính biểu tượng, vô dụng, lãng phí  (đôi khi còn bị sa lầy vào những món nợ công khổng lồ), trong khi bỏ qua những nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội. Khi Nhà nước không còn quyền năng chi phối tiền bạc và khôn ngoan để kiểm soát các kế hoạch phát triển thành phố nữa thì đẩy nhiệm vụ hiến định này cho khối tư nhân thực hiện, và chu kỳ hỗn loạn mới lại bắt đầu khởi động.

Makati: ốc đảo thịnh vượng giữa thành phố bất ổn 

Đại Manila rộng 638,55 km² (0,2% diện tích đất liền), dân số gần 12 triệu người (13% toàn quốc) … nhưng đóng góp 1/3 GDP của Philippines. Đại Manila là cực hút mạnh mẽ  các nguồn lực và dân cư từ tất cả các vùng của Philippineses, tạo nên sự mất cân bằng sâu sắc trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và cũng gây nên sự thiếu hụt hạ tầng trầm trọng.

Khi Nhà nước không còn quyền năng chi phối tiền bạc và khôn ngoan để kiểm soát các kế hoạch phát triển thành phố nữa thì đẩy nhiệm vụ hiến định này cho khối tư nhân thực hiện, và chu kỳ hỗn loạn mới lại bắt đầu khởi động.

Từ những năm 1960, khu vực này trở nên quá tải, cộng thêm bùng nổ dân số, những bất ổn xã hội gia tăng, tệ nạn, bạo lực… khiến cho nhiều cư dân lo lắng và phân tầng, ước muốn có một chốn an cư mới. Tầng lớp doanh nhân mới và dân cư thu nhập cao hơn đã hình thành dân cư mới, và tạo ra “Khu nhà ở biệt lập” (gated communities) dành riêng cho những người có khả năng chi trả nó – Mô hình này đã kích thích nhu cầu về một kiểu sống mới, tạo ra một tiêu chuẩn mới về sự phân biệt ở Manila, và Makati đã đáp ứng nhu cầu  đó .

Nằm ở bên ngoài thành phố, các chủ đồn điền sở hữu quỹ đất rộng hàng ngàn ha. Sự phát triển đô thị đã nằm trong tay khu vực tư nhân do các tập đoàn gia đình lớn gốc Tây Ban Nha như Ayalas Land, Aranetas và Ortigases. Họ chuyển đất đai thừa kế di sản của mình vào kinh doanh bất động sản hiện đại với quy mô cả thành phố.

Đường phố Makati (ảnh trên) và sự tương phản giữa Makati và phần còn lại của Đại Manila (Metro Manila, ảnh dưới). Ảnh internet

Đại Manila đã là mô hình mất cân đối thì sự chênh lệch còn lớn hơn ở Makati, rộng 36 ha nhưng đã tập trung 90% trong số 1000 công ty hàng đầu hoạt động trong nước và khoảng 80% trụ sở của các tập đoàn đa quốc gia.

Với sự thay đổi về kinh tế theo hướng toàn cầu hóa và chủ nghĩa tự do phi chính chủ, vốn tư nhân đã đóng vai trò to lớn quyết định các mô hình phát triển đô thị. Là một khu vực tài chính, nhưng cũng phân hóa thông qua việc cho thuê văn phòng, chỉ có các công ty rất giàu có mới có thể duy trì tại Makati. Chủ tư nhân cung cấp các dịch vụ hiệu quả hơn cho thành phố, bao gồm các tiện ích công cộng. Những con đường mà Ayala Land tự xây dựng và tiếp tục duy trì tại Makati khác hẳn với hệ thống đường xá xập xệ, tắc nghẽn triền miên của Đại Manila.

Thành phố vệ sinh sạch sẽ, cây xanh tràn ngập, xe jeepney điện, ô tô mới làm giảm khói bụi, quy hoạch và quản lý đô thị chất lượng cao, có thể sánh ngang với Singgapore; Ngược lại chi phí đắt gấp 2-3 lần so vơi khu vực khác… Chỉ những người có thu nhập cao mới có khả năng chi trả hàng ngàn USD/tháng cho nhà ở và cũng ngần đó nữa cho những dịch vụ thiết yếu (đi lại, y tế, giáo dục, sinh hoạt, giải trí…)

Thời còn là thuộc địa của Tây Ban Nha, Makati chỉ là một đơn vị đồn trú, một bến cảng, nhà thờ, khu chợ và những dãy nhà gỗ. Khi bắt đầu phát triển, nó nhằm mục đích chủ yếu là một không gian hoạt động kinh tế ngày càng đa dạng, cũng có thể phục vụ cho nhu cầu của các tầng lớp lao động của thành phố, chủ yếu là những người làm việc trong ngành dịch vụ.

Tuy nhiên, ngày nay nó là một thành phố ngày càng phân cực và tách biệt xã hội, mở rộng sự bất bình đẳng. Nó trở thành “Khu nhà ở biệt lập” ( gated communities) khổng lồ dành riêng cho những người giàu có, khu biệt với phần còn lại của Đại Manila. Nó đã hiện thực hóa giấc mơ về một thiên đường có thật giữa Đại Manila nổi tiếng có nhiều khu ổ chuột, ô nhiễm, bất an, nhưng cũng có thể là ác mộng đối với xã hội theo đuổi mục tiêu bình đẳng, bác ái, xã hội phồn vinh… ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành và tiếp cận công bằng các dịch vụ đô thị.

Mô hình Makati là ví dụ cụ thể trong không gian tranh luận: Trong những bước tiếp theo của tiến trình đô thị hóa, mở rộng Hà Nội: mục tiêu của chúng ta sẽ xây dựng lên thành phố mới hay tạo ra một khối bất động sản khổng lồ?

Makati: phát triển bất động sản thành công hay thất bại của quy hoạch đô thị

Các tập đoàn tư nhân nhờ thừa kế tài sản tư bản hoặc lợi thế chính trị có khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng, tạo ra các cộng đồng mới từ đầu.

Tập đoàn gia đình Ayala Land chịu trách nhiệm phát triển của Makati từ 1950 và liên tục cho đến nay. Thành phố đã trở thành khu kinh doanh, phát triển thương mại hàng đầu đất nước và họ cũng đóng vai trò động lực thúc đẩy xu hướng phát triển bất động sản trong cả nước.

Một thành phố mới hiện đại, quản trị tốt và là một bất động sản khổng lồ có giá trị lớn. Makati là thành phố nhập khẩu, nhiều hãng tư vấn thiết kế, quản lý tài sản đến từ  Mỹ… tạo nên một dạng thức “Đô thị toàn cầu” (Global city). Những biến thể hay chỉ một phần của Makati đã từng là hình mẫu để các tập đoàn đầu tư quốc tế và nội địa triển khai tại Hà Nội và Sài Gòn và đang tiếp tục địa phương hóa, lan rộng.

Tập đoàn Ayala Land đã xây dựng tại Makati không chỉ là nhà ở và văn phòng, mà còn là sự phát triển đô thị kiểu Mỹ hơn cả Mỹ. Là thành phố ra đời không chỉ vì sức ép của thị trường toàn cầu, mà còn tạo ra dòng chảy tư tưởng hoạt động thông qua các thị trường bất động sản trong nước. Sự tách biệt của tầng lớp thượng lưu ngày càng tăng lên, và Makati ngày nay nhấn mạnh đến sự khác biệt trong các mục tiêu và chương trình nghị sự của các cá nhân xã hội khác nhau.

Mô hình Makati là ví dụ cụ thể trong không gian tranh luận: Trong những bước tiếp theo của tiến trình đô thị hóa, mở rộng Hà Nội: mục tiêu của chúng ta sẽ xây dựng lên thành phố mới hay tạo ra một khối bất động sản khổng lồ?

KTS. Trần Huy Ánh

(Bài viết có sử dụng tư liệu “A history of Architecture Urbanism in the Philippineses” Gerard Lico –The University of the Philippineses Press- Quezon City 2008)