28/05/2017

Luật Quy hoạch: “Chúng ta có hơi chiều lòng bộ, ngành?”

Theo Phụ lục 1 kèm theo dự thảo Luật Quy hoạch thì có tới 38 quy hoạch ngành được xác định là quy hoạch ngành quốc gia. Điều đáng nói là, danh mục quy hoạch này chưa bảo đảm được tính đồng bộ và tương thích với nhau cả về cấp độ, tính chất và nội dung.

Điều này đã khiến Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành phải đặt câu hỏi: Ban soạn thảo có hơi chiều lòng các bộ, ngành khi đưa ra danh mục quy hoạch ngành quốc gia không bảo đảm cơ sở khoa học và thống nhất? Ví dụ, đã có hệ thống quy hoạch về cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người có công với quốc gia lại còn có quy hoạch mạng lưới bảo trợ xã hội cấp quốc gia. Hai vấn đề này tương đồng với nhau. Tại sao lại phải quy định thành 2 quy hoạch ngành cấp quốc gia? Hay cùng liên quan đến vấn đề khoáng sản, danh mục này cũng có tới 2 quy hoạch cấp quốc gia gồm: quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản cấp quốc gia.

Sự phân tán, thiếu cơ sở trong quy hoạch ngành quốc gia cũng được nhiều ĐBQH chỉ rõ tại Phiên họp toàn thể thảo luận về dự án Luật Quy hoạch sáng qua. Không thể có chuyện một quy hoạch đường sắt lại tách rời quy hoạch đường bộ, quy hoạch cảng biển. Nếu để phân tán quá nhiều, những lĩnh vực tương đồng, gần nhau lại vẫn hình thành những quy hoạch ngành riêng lẻ như vậy thì tính tích hợp như thế nào? Tất cả những quy hoạch này phải được tích hợp thống nhất trong quy hoạch ngành giao thông. Nhiều quy hoạch khác cũng phải tích hợp, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị.

Có thể, không phải cơ quan soạn thảo “chiều lòng” các bộ, ngành. Nhưng từ danh mục quy hoạch ngành quốc gia có thể thấy sự lúng túng của chính ban soạn thảo trong việc áp dụng cụ thể phương pháp quy hoạch tích hợp.

Theo dự thảo Luật Quy hoạch, tích hợp quy hoạch là việc lập quy hoạch dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực trong phạm vi lãnh thổ xác định nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 16, trình tự quy hoạch được tiến hành từ quy hoạch quốc gia rồi mới đến quy hoạch ngành, vùng và quy hoạch tỉnh. Trình tự này có thể hiện tính tích hợp hay không? Bởi từ quy hoạch quốc gia xong đến quy hoạch tỉnh có thể cách nhau từ 3 đến 5 năm. Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, các điều kiện kinh tế – xã hội như hiện nay thì khoảng thời gian này hoàn toàn có thể có những điều chỉnh về mặt quy hoạch cho phù hợp hơn với thực tế. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ quy hoạch cấp dưới không tuân thủ được quy hoạch cấp trên hoặc vẫn tuân thủ nhưng sẽ có sự gượng ép, không thỏa mãn được nhu cầu của quy hoạch cấp dưới.

Một điểm lúng túng khác được ĐB Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) chỉ ra là, theo Điều 5, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia. Tuy nhiên, theo Phụ lục 1 về danh mục các quy hoạch ngành quốc gia thì quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn lại được giao cho Bộ Xây dựng chủ trì, tức là một loại quy hoạch ngành. Nếu quy định như dự thảo Luật thì có thể hiểu rằng quy hoạch ngành phải phù hợp với quy hoạch tỉnh. Nhưng cũng theo nguyên tắc được quy định tại Khoản 3, Điều 6 thì quy hoạch tỉnh lại phải phù hợp với quy hoạch ngành. Trong trường hợp có sự xung đột về nội dung giữa quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh thì xử lý như thế nào?

Tích hợp quy hoạch là giải pháp kỹ thuật mang tính đột phá để hiện thực hóa sự đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt cả trong tư duy và công tác xây dựng, quản lý quy hoạch. Danh mục quy hoạch ngành quốc gia có lẽ chỉ là nội dung “phụ” kèm theo dự thảo Luật Quy hoạch. Nhưng nó cũng là một lát cắt cụ thể cho thấy trên thực tế, phương pháp tích hợp quy hoạch sẽ được triển khai thực hiện như thế nào. Xét từ lát cắt này thì có lẽ, ban soạn thảo sẽ phải giải trình thuyết phục hơn nữa.

An Nhiên