09/06/2016

Luật Hành nghề Kiến trúc sư – Một đòi hỏi cho quá trình hội nhập

Đó là tinh hoa của trí tuệ, tâm huyết người xưa và nghệ nhân thời nay, nó đã trở thành bảo vật kết tinh của nền văn minh và văn hoá của nhân loại. Thực tiễn cổ sơ nhất của hoạt động kiến trúc nhân loại đã chỉ rõ: Kỹ thuật là chất xúc tác của nghệ thuật và hình thái mỹ cảm kiến trúc.

Nguồn gốc và cái đẹp của nghệ thuật kiến trúc chính là tính thực dụng vật chất của nó. Hình tượng cuối cùng được tạo thành còn phải dựa vào sự sắp xếp, chọn lọc các chi tiết để gia công và sáng tác của con người. Trình độ kỹ thuật từng giai đoạn nhất định đã cấu thành nền tảng vững chắc của cái đẹp trong kiến trúc, nó là điều kiện trọng yếu nhưng không phải là điều kiện duy nhất, càng không phải là điều kiện quyết định. Tuy nhiên, bạn không thể chỉ đứng nhìn «đống vật chất không sức sống kia” để chờ một ngày nào đó cái “đẹp” kiến trúc sẽ tự nhiên đến trước mặt bạn được.

Chính sách của Đảng và Nhà nước đối với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và việc hành nghề KTS ở nước ta hiện nay

Để cụ thể hoá tính nhân văn của kiến trúc, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách nhằm định hướng xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam xứng tầm trong thế kỷ 21. Theo đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ V của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XI, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng Khóa XI là tiền đề để khắc phục những tồn tại yếu kém trong việc xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng đã chỉ rõ phải: “Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị, nâng cao thẩm mỹ kiến trúc” và “Ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng và hiệu quả quy hoạch, năng lực thiết kế xây dựng và thẩm mỹ kiến trúc. Tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng”, đồng thời “Chú trọng thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam trong các công trình xây dựng, kiến trúc mới”. Thực hiện các đường lối chủ trương trên, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020” và Định hướng này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2002/QĐ-TTg ngày 03/09/2002, trong đó xác định: “Hoàn thiện cơ chế hành nghề KTS trên cơ sở thực hiện nghiêm ngặt chế độ KTS đăng ký; quy định đạo đức người đăng ký, năng lực nghề nghiệp xin đăng ký, trình tự, thủ tục đăng ký, quy định chế độ hành nghề KTS; cho phép kết hợp tư cách đơn vị thiết kế và tư cách cá nhân KTS đăng ký”.

Đến nay, Nhà nước đã ban hành khoảng 50 văn bản quy định và định hướng cho công tác hành nghề KTS, nổi bật hơn là cả Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Sở hữu trí tuệ và các định hướng chiến lược như: Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2020; Nghị định số 29/2007/ND-CP ngày 27/02/2007 của Chính phủ về quản lý kiến trúc đô thị; Nghị định số 38/2010/ND-CP ngày 07/04/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị…

Ngày 24/01/2003, Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2003/TTLT-BVHTT-BXD, hướng dẫn về quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc để cụ thể hóa các Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996 và Nghị định số 60/CP ngày 6/6/1997 thi hành bộ Luật Dân sự của Chính phủ. Mặc dù số lượng những văn bản được ban hành có liên quan đến hành nghề KTS là đáng kể, nhưng lại thiếu cụ thể đối với nghề kiến trúc, chưa phù hợp với yêu cầu quản lý với nghề kiến trúc mang tính đặc thù. Nhiều quy định còn chung chung, không phù hợp với thông lệ quốc tế và ít có tác dụng đối với việc đào tạo xây dựng đội ngũ KTS hành nghề chuyên nghiệp; ngoài ra, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của KTS trong việc tham gia phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Xây dựng trong công tác đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề KTS, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đào tạo, hành nghề KTS; đó là các Đoàn KTS (Board of Architects).

Những bất cập trong hành nghề KTS hiện nay ở Việt Nam:

  1. Môi trường cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ tư vấn kiến trúc thiếu minh bạch và bình đẳng. Tình trạng xem thường lực lượng tư vấn kiến trúc trong nước, coi trọng KTS hành nghề nước ngoài rất phổ biến, đặc biệt là các công trình lớn sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
    Luật đấu thầu có điều khoản đi ngược bản chất nghề sáng tác kiến trúc, làm cho các công trình kiến trúc không có tác giả.
  2. Tư vấn kiến trúc là một lĩnh vực đặc thù chưa được pháp luật khẳng định và mới chỉ quy định ở mức khái quát nên còn gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế.
    Hình thức thi tuyển kiến trúc đang là cách thức phổ biến trong việc giao thầu thiết kế. Tuy nhiên, phương thức này thường xảy ra những bất cập như: Đồ án kiến trúc được đánh giá cao nhất, nhưng lại không được thực hiện; những ý tưởng hay bị biến đổi do tác động của chủ đầu tư; đơn vị đứng tên dự thi không phải là tác giả đồ án, và còn phổ biến hiện tượng dàn xếp trong thi tuyển kiến trúc.
  3. Việc quản lý hành nghề KTS sau khi được cấp chứng chỉ theo quy định hiện nay là một việc không khả thi, dẫn đến quản lý hành nghề KTS ở nước ta đang bị buông lỏng. Các cơ quan Nhà nước hầu như không thể kiểm soát được hoạt động của hàng nghìn KTS có chứng chỉ, đặc biệt khi họ hành nghề độc lập và đạo đức nghề nghiệp của họ.
  4. Vấn đề thù lao và thiết kế phí còn quá thấp so với công việc sáng tạo của KTS, chỉ tính bằng chi phí văn phòng phẩm và nguyên vật liệu, ngày công… mà chưa tính đến bản chất lao động sáng tạo đặc thù, trách nhiệm lâu dài về tinh thần và vật chất trong sử dụng công trình. Do đó, chưa phù hợp và không bình đẳng với tư vấn nước ngoài.
  5. Quá trình sáng tạo của KTS, từ ý tưởng đến triển khai hoàn thiện công trình ở ngoài thực tế là một quá trình liên tục, có sự phối hợp của nhiều người và nhiều ngành nghề khác nhau. Do đó, việc đào tạo kiến thức, kỹ năng làm việc và thái độ ứng xử nghề nghiệp của họ là rất quan trọng, nhưng trên thực tế việc này chưa được quan tâm,…
  6. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, Việt Nam đang là một thị trường hấp dẫn về tư vấn thiết kế quy hoạch kiến trúc và xây dựng. Nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài đến Việt Nam hành nghề KTS, nhưng không được quản lý -Thực tế là Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp luật để quản lý, từ đó đã tạo ra sự cạnh tranh không rõ ràng, kém tác dụng. Nếu không có pháp luật quản lý việc hành nghề KTS nước ngoài theo hướng mở cửa và hội nhập, thì có thể dẫn đến những tác động tiêu cực.

Sự cần thiết phải ban hành Luật Hành nghề KTS

Từ ý nghĩa của nghề kiến trúc, vai trò của KTS cũng như những bất cập trong việc hành nghề KTS hiện nay, đồng thời pháp điển hoá đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, qua đó nâng cao hơn nữa trách nhiệm của giới KTS Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng nền kiến trúc tiên tiến của nước nhà. Vì thế, cần phải có Luật hành nghề KTS để đáp ứng nguyện vọng của giới KTS Việt Nam để có thể cung cấp các dịch vụ tốt nhất, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và của toàn xã hội về sự nghiệp hiện đại hóa của đất nước.

  1. Ban hành Luật Hành nghề KTS trước hết là nhằm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và định hướng của Chính phủ.
  2. Nghề thiết kế kiến trúc là một trong các nghề đặc thù có tác động trực tiếp đến sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và góp phần phát triển nền văn hóa dân tộc – Luật Hành nghề KTS là cơ sở để kiểm soát chặt chẽ hành nghề KTS, nhằm phục vụ việc bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, toàn xã hội và đất nước.
  3. Muốn xây dựng một nền kiến trúc tiên tiến, trước hết phải có đội ngũ KTS hành nghề đủ tiêu chuẩn, điều kiện năng lực; được đào tạo và đào tạo thường xuyên và phải tổ chức hành nghề một cách có quy củ và có hệ thống. Luật Hành nghề KTS là cơ sở để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ này.
  4. Đến nay, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về hành nghề KTS nhưng chưa thỏa đáng và công tác quản lý, hành nghề KTS ở Việt Nam vẫn còn rất bất cập. Luật hành nghề KTS ban hành sẽ khắc phục được tồn tại, yếu kém này.
  5. Nhu cầu và sự cần thiết phải mở cửa và hội nhập đối với thị trường tư vấn thiết kế kiến trúc ở nước ta.
  6. Quản lý hành nghề KTS nước ngoài ở Việt Nam còn bất cập, không chặt chẽ do thiếu Luật Hành nghề KTS.
  7. Luật Hành nghề KTS góp phần tăng cường quản lý Nhà nước và vai trò tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp KTS, đối với các KTS và hoạt động hành nghề.

Với những vấn đề nêu trên, tại kỳ họp thứ hai, QH khoá XIII, trong phiên họp góp ý dự kiến Chương trình xây dựng Luật cho nhiệm kỳ (17/11/2011), Tôi đã nêu ra các lý do cần phải ban hành Luật hành nghề KTS.

Công trình nhà Quốc hội

Hội KTS Việt Nam là thành viên của Hội KTS quốc tế UIA. Tổ chức này rất quan tâm đến chất lượng hành nghề kiến trúc. Cụ thể là quy ước về tiêu chuẩn hành nghề KTS đã được Đại hội UIA lần thứ 21 thông qua tại Bắc Kinh năm 1999 và khuyến nghị hành nghề được Đại hội lần thứ 22 thông qua tại Berlin năm 2002. Khuyến nghị hành nghề này đã được ban hành với sự thỏa hiệp công nhận của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh thể chế pháp luật liên quan đến vấn đề tổ chức và quản lý hành nghề KTS theo hướng phù hợp với nguyên tắc thông lệ của thế giới. Cụ thể là phù hợp với cam kết quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên của WTO, đồng thời phù hợp với khuyế nghị hành nghề của UIA.

Quan điểm chỉ đạo và chính sách cơ bản của Luật hành nghề KTS.

  1. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về “Xây dựng nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc”;
  2. Hoàn thiện thể chế, pháp luật về hành nghề KTS;
  3. Tăng cường về quản lý Nhà nước đối với hoạt động hành nghề KTS, thông qua biện pháp thành lập Đoàn KTS Việt Nam và các Đoàn KTS cơ sở.
  4. Nâng cao chất lượng đào tạo KTS, xây dựng đội ngũ KTS có đức, có tài, bồi dưỡng, phát hiện và sử dụng có hiệu quả các KTS biệt tài làm “trụ cột”, thúc đẩy sự phát triển kiến trúc Việt Nam trong thế kỷ 21;
  5. Đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân và xã hội, người sử dụng các dịch vụ tư vấn thiết kế kiến trúc;
  6. Tập hợp, đoàn kết đội ngũ KTS trong nước, nước ngoài hoạt động hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam, cùng phấn đấu vì sự nghiệp chung xây dựng nền kiến trúc nước nhà và đáp ứng tối đa nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân và toàn xã hội;
  7. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với các hội viên và hoạt động hành nghề KTS;
  8. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả đối với tác phẩm, công trình kiến trúc;
  9. Tạo điều kiện tháo gỡ các rào cản, phát huy năng lực và tự do sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư hành nghề.

Từ những ý kiến trên, tôi rất mong giới KTS trong nước ủng hộ việc ban hành Luật hành nghề KTS, đồng thời mong muốn rằng Uỷ ban thường vụ QH khoá XIII xem xét đưa Dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật cho QH Khoá XIV, tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng 3/2016. Qua đây tôi xin mượn lời thư Đại hội lần thứ IX gửi KTS cả nước về mục tiêu phát triển nền kiến trúc nước nhà:”Giới KTS Việt Nam đã đi tiên phong trong việc vận động và thực hiện sáng tác theo xu hướng kiến trúc bền vững để song hành cùng nhân loại bảo vệ tài nguyên và môi trường trái đất…Con đường đi đến mục tiêu còn dài, nhiều khó khăn, nhưng chúng ta hãy kiên trì vận động xã hội cùng chung tay, góp sức vì sự phát triển bền vững cho hôm nay và các thế hệ mai sau. Chúng ta cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tạo dựng không gian sống an toàn, bền vững cho nhân dân và nền kiến trúc bền vững của nước nhà.”

 

Tài liệu tham khảo
1- DT Luật hành nghề KTS;
2- Mỹ học kiến trúc- Uông Chính Chương

 

Ths.KTS Trịnh Ngọc Phương
Chủ tịch Hội KTS Tây Ninh

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 01+02/2016)