07/08/2017

Làm gì để nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường đô thị

Đây là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại Hội thảo “Chất lượng công tác vệ sinh môi trường đô thị, thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 4/8 tại Bình Dương, do Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam tổ chức.


Phân loại rác tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.

Công tác quản lý vệ sinh môi trường trong lĩnh vực quản lý môi trường đô thị trên cả nước đã được các cơ quan ban ngành quan tâm với nhiều cơ chế chính sách, tiêu chuẩn được ban hành. Các doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ vệ sinh môi trường đô thị được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ mới theo hướng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tính chuyên nghiệp và trình độ quản lý của các bên đã có chuyển biến tích cực trong thời gian qua, tuy nhiên để các đô thị ở nước ta trở thành xanh – sạch – đẹp, đóng góp hiệu quả vào chiến lược tăng trưởng xanh cấp Quốc gia, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đòi hỏi công tác vệ sinh môi trường cần phải thay đổi hơn nữa để nâng cao hiệu quả chất lượng môi trường đô thị.

Bất cập trong công tác xử lý môi trường

Trong những năm gần đây, với tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ, quá trình đô thị hoá, sự gia tăng dân số quá cao và những diễn biến xấu về khí hậu toàn cầu đang tăng, gây áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường. Môi trường nước ta đang bị xuống cấp, chất lượng nguồn nước bị suy giảm, không khí ở nhiều đô thị, khu dân cư bị ô nhiễm, đa dạng sinh học bị đe doạ, điều kiện vệ sinh môi trường, cung cấp nước sạch ở nhiều nơi không đảm bảo.

Ông Trần Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Việc bảo vệ môi trường vừa là một mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của sự phát triển bền vững, được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng ngành từng địa phương. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người dân, theo phương châm lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội, kết hợp giữa công nghệ hiện đại với các phương pháp phòng chống có hiệu quả.


Hội thảo “Chất lượng công tác vệ sinh môi trường đô thị, thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 4/8 tại Bình Dương.

Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm và chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý vệ sinh môi trường đô thị và công nghiệp. Hiện nay, công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng Khu Liên hợp xử lý rác rất khoa học và bài bản, tiếp nhận tất cả các loại rác trên địa bàn, bao gồm rác sinh hoạt, rác công nghiệp, rác công nghiệp nguy hại, rác y tế…. và xử lý theo quy trình khép kín.

Tuy nhiên trong quá trình vận hành đã phát sinh nhiều bất cập đòi hỏi đơn vị xử lý môi trường phải kiên trì khắc phục khó khăn để vượt qua, thậm chí có giai đoạn doanh nghiệp phải “tự bơi” tìm đầu ra cho sản phẩm tái chế từ rác.

Ông Nguyễn Văn Thiền – Chủ tịch HĐQT Cty CP nước môi trường Bình Dương cho biết: Chất thải sinh hoạt không được phân loại tại nguồn làm tăng chi phí xử lý do phải phân loại tại nhà máy, thành phần phức tạp làm ăn mòn thiết bị nhanh; các sản phẩm tái chế chưa có chính sách hỗ trợ tiêu thụ, hỗ trợ giá nên rất khó khăn ở đầu ra khi phải cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống; việc đấu thầu hợp đồng dịch vụ thu gom rác sẽ mang tính cạnh tranh cao nhưng mặt trái là những đơn vị không có năng lực sẽ đưa giá thầu thấp từ đó thực hiện hợp đồng không nghiêm túc, nhếch nhác, không đảm bảo quy trình và tiêu chuẩn xử lý.

Việc đấu thầu theo từng năm làm nhà đầu tư không thấy được lợi ích cũng như trách nhiệm lâu dài, từ đó không mạnh dạn đầu tư thiết bị chuyên dụng, nhân sự làm việc ngắn hạn sẽ không phát triển kỹ năng nghề nghiệp, không an tâm công tác vì không thấy được sự ổn định nghề nghiệp; giá thành dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý không có mức giá chuẩn để các nhà đầu tư căn cứ xây dựng đơn giá.

Giá xử lý rác tại Bình Dương hiện đang ở mức thấp nhất trên cả nước nên khó khăn cho việc tái đầu tư; tiêu chuẩn xả thải đối với nước thải, nước rỉ rác quá khắt khe gây lãng phí, tốn kém chi phí xử lý; việc thanh kiểm tra thường xuyên đối với các dự án xử lý chất thải cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trước những bất cập từ thực tế xử lý rác, ông Thiền kiến nghị cơ quan chức năng xây dựng quy chế, lộ trình cho các tỉnh, thành phố về việc triển khai mạnh mẽ chương trình phân loại rác tại nguồn, triển khai đồng bộ hoạt động này trên toàn quốc. Cần có chính sách cụ thể về miễn giảm thuế cũng như có chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế từ chất thải, vận động một cách hiệu quả sử dụng các sản phẩm tái chế. Kéo dài thời gian hợp đồng đấu thầu từ 3 – 5 năm thay vì 1 năm như hiện nay cho các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu phải dựa trên năng lực thực hiện, có năng lực tài chính, nhân sự, phương tiện, công nghệ phù hợp để thực hiện hợp đồng. Xây dựng định mức, khung giá chung cho việc xử lý chất thải sinh hoạt theo từng loại công nghệ xử lý như: chôn lấp hợp vệ sinh, ủ rác sản xuất điện, sản xuất phân compost, đốt 1 cấp, đốt 2 cấp, đốt phát điện… bao gồm giá sàn và giá trần để các địa phương, các nhà đầu tư có cơ sở trong xây dựng đơn giá.


Sản phẩm gạch Terazo được sản xuất từ rác thải đã qua xử lý tại Bình Dương.

Đấu thầu để tiết kiệm ngân sách và chọn dịch vụ tốt

Theo GS.TSKH Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay, ngành môi trường đô thị phải đối mặt với không ít khó khăn do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng làm gia tăng khối lượng chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế tại các đô thị, trong các khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, định mức đơn giá của Nhà nước cho công tác xử lý chất thải rắn vẫn chưa sát với tình hình thực tế nên tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp, người lao động. Tại một số địa phương vẫn còn tồn tại những vấn đề chưa được quan tâm giải quyết để người lao động yên tâm làm việc như thiếu tiền lương trả cho công nhân đúng kỳ hạn, một số hiện tượng người dân có thái độ không đúng mực với công nhân vệ sinh môi trường…

“Thời gian qua, các đơn vị làm công tác môi trường đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, tìm tòi các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động, nâng cao năng lực quản lý, duy trì mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Để bảo đảm môi trường đô thị tại các địa phương “sáng – xanh – sạch – đẹp” và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao chất lượng sống tại các đô thị. Hiện nay, trong lĩnh vực môi trường đô thị vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, giải quyết để hoạt động này có sự chuyển biển rõ rệt trong sự phát triển chung của đất nước. Những vấn đề “nóng” về thực trạng và những giải pháp tháo gỡ đó là tham gia đấu thầu trong lĩnh vực môi trường đô thị; công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp môi trường đô thị…”, ông Liên nhấn mạnh.


Ông Cao Lại Quang (cầm gạch) – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiểm tra sản phẩm sạch được làm từ bùn thải tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương tháng 9/2013.

Cùng quan điểm đó, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, chất lượng môi trường các đô thị phụ thuộc vào hoạt động và chất lượng của các Cty dịch vụ cung ứng đô thị. Trong đó khi hoạt động đấu thầu cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích là một hoạt động rất quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, nâng cao chất lượng của dịch vụ công ích trong điều kiện ngân sách chi cho hoạt động môi trường còn hạn chế. Việc tổ chức đấu thầu theo pháp luật hiện nay đang còn có một số những tồn tại bất cập, nhất là hệ thống văn bản pháp lý về đấu thầu dịch vụ công ích. Trong đó đặc biệt là các hoạt động về thu gom, vận chuyển xử lý tái chế chất thải rắn, hoạt động về cấp nước, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường…

Cao Cường/BXD