18/10/2016

Kính tiết kiệm năng lượng sản xuất tại Việt Nam: Đã có mặt trên thị trường

Dự án dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng (Low-e glass) của TCty Viglacera có mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, trong đó phần lõi là dây chuyền sản xuất theo công nghệ Đức trị giá 11 triệu Euro. Theo thiết kế, năng lực sản xuất dây chuyền trong khoảng 2,3 triệu m2/năm và có thể vận hành đạt công suất lên 3,3 triệu m2/năm. Ngày 22/7/2016 đã đi vào hoạt động và cho ra lò mẻ kính đầu tiên cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Kính tiết kiệm năng lượng (Low-E glass)

Kính tiết kiệm năng lượng Viglacera được sản xuất bằng công nghệ phủ mềm – phương pháp phủ dùng công nghệ phún xạ Magnetron trong môi trường chân không, hay còn gọi là phủ hóa hơi vật lý (PVD). Hệ thống lớp phủ gồm các hợp chất siêu mỏng có khả năng ngăn cản nhiệt độ truyền qua kính. Hiện nay, Viglacera cung cấp 2 loại sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng: Kính Low E và Kính Solar Control.

Kính Low E ngăn cản sự truyền nhiệt từ ngoài vào trong hay từ trong ra ngoài, giữ cho căn phòng luôn ở nhiệt độ ổn định, giúp giảm năng lượng cho hệ thống làm mát vào mùa hè và hệ thống sưởi ấm vào mùa đông, phù hợp sử dụng khí hậu miền Bắc Việt Nam.

Kính Solar Control với lớp phủ có tính năng kiểm soát năng lượng mặt trời thì khả năng ngăn cản lượng ánh sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy từ ánh sáng mặt trời đạt khoảng từ 5 – 95%; đối với năng lượng từ ánh sáng mặt trời lên tới 79% và đặc biệt với những tia cực tím, khả năng này lên tới gần như tuyệt đối 99%. Giúp tiết kiệm năng lượng làm mát và bảo vệ sức khỏe cho mọi người bên trong tòa nhà. Phù hợp với vùng khí hậu nóng như miền Nam Việt Nam.

Ưu thế trên thị trường

Ông Nguyễn Minh Khoa – Giám đốc VIFG cho biết, hiện tại trên thế giới chỉ có một số quốc gia làm được dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng đúng nghĩa như Đức, Mỹ. Sau khi khảo sát nhiều đối tác muốn đầu tư, VIFG lựa chọn công nghệ Đức do Tập đoàn Von Ardenne GrubH chuyển giao. Đây là Tập đoàn chuyên sâu về nghiên cứu và sở hữu công nghệ tiên phong về vật liệu phủ mới. Đặc biệt, khi chuyển giao công nghệ từ tập đoàn này VIFG sẽ liên tục được đối tác cập nhật thành tựu khoa học công nghệ mới trong suốt thời gian vận hành dây chuyền nhằm không ngừng nâng cấp chất lượng và làm mới sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng.

Có thể nói, xu hướng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng là lời giải cho bài toán tiết kiệm điện năng cho công trình, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và cũng là lời giải trong hiệu quả đầu tư. Kính tiết kiệm có công năng cao, có tính năng phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, giúp giảm thiểu truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài hệ thống vách kính, do đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí mà vẫn duy trì hiệu quả làm mát. Hiện nay, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, các công trình xây dựng cao tầng, hiện đại đã sử dụng kính tiết kiệm năng lượng và đã khẳng định tính năng ưu việt của nó. Tòa nhà Thăng Long Number 1 của TCty Viglacera đã sử dụng sản phẩm nêu trên và đã được Bộ Xây dựng công nhận tòa nhà “kiến trúc xanh” của TP.

TS Christoph Koeker, chuyên gia Đức đang làm việc tại nhà máy cho biết: Những sản phẩm mà nhà thầu Von Ardenne đang phát triển tại dây chuyền kính phủ của Viglacera bao gồm 2 sản phẩm chính là kính Solar Control và kính Low-E. Về kính Solar Control, đây là dòng sản phẩm phù hợp với thời tiết khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, kính có tác dụng làm giảm sự truyền tải nhiệt năng, tiết kiệm điện năng sử dụng như chi phí của hệ thống điều hòa không khí. Ngoài ra, kính Solar Control còn có tính năng chống lại tia UV, tia tử ngoại gây hại cho con người. Kính Low-E, chủ yếu là hình thức kính hợp, kính được tráng một lớp kính bạc có tác dụng chống thoát nhiệt từ bên trong ra bên ngoài, cũng như hạn chế nhiệt từ bên ngoài vào bên trong. Kính Low-E góp phần quan trọng trong việc giữ nhiệt và hệ thống sưởi ấm bên trong tòa nhà. Hơn nữa, các sản phẩm còn đáp ứng được về mặt thẩm mỹ, chẳng hạn như kính Solar Control có rất nhiều màu sắc đẹp mắt như màu xanh lá, blue, hoặc màu trung tính,…

Viglacera tiên phong sản xuất kính Low-E glass

Là đơn vị tiên phong, TCty Viglacera đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, Viglacera tạo ra bước đột phá trong công nghệ khi đầu tiên triển khai dự án này, đồng thời hướng tới mục tiêu để người tiêu dùng thụ hưởng những giá trị tốt nhất do áp dụng công nghệ mới mang lại với giá cả hợp lý, nếu phụ thuộc vào hàng nhập khẩu thì người tiêu dùng phải mua với giá rất cao. Vì vậy, việc đầu tư dây chuyền mới, không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là trách nhiệm của DN đối với người tiêu dùng và đất nước.

Ông Trần Văn Quế – Phó giám đốc phụ trách sản xuất cho biết: Hiện nay, Cty đang có lợi thế là phôi kính được đảm bảo do Cty Kính nổi Viglacera cung cấp, ưu điểm là phôi kính được sản xuất trong thời gian ngắn, lớp phủ đảm bảo rất sạch. Tiêu chuẩn về nước cũng được đảm bảo cao, ở đây nhà máy sử dụng nước khử khoáng và sử dụng hệ thống thẩm thấu ngược, nước cho ra là loại nước rất tinh khiết, đảm bảo rửa sạch tấm kính. Các vật liệu khác cũng quan trọng như bia phủ nhập hoàn toàn 100% từ Đức – một đất nước phát triển cao về công nghệ phủ. Trong quá trình thực hiện dự án do thời gian gấp rút, cộng thêm việc được làm việc chung với các chuyên gia hàng đầu thế giới về công nghệ, các cán bộ, công nhân Cty chúng tôi đã cố gắng nỗ lực hết sức để có thể bắt nhịp, hoàn thành kịp tiến độ dự án và cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Năm 2016, phát huy những thế mạnh về chất lượng sản phẩm, TCty Viglacera đặt ra các mục tiêu tiếp tục tăng trưởng so với năm trước, 9 tháng đầu năm Cty Mẹ đã hoàn thành vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2016, đạt mức 104% so với kế hoạch lợi nhuận. Sự tác động của dự án đầu tư dây chuyền sản xuất kính của TCty sẽ là tiềm năng thị trường kính tiết kiệm năng lượng rất lớn, nhất là đối với thị trường bất động sản đang có tiến triển tích cực, khi sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng có mặt trên thị trường, giúp người tiêu dùng thêm sự lựa chọn, đồng thời góp phần giảm sản lượng kính nhập khẩu. TCty Viglacera kỳ vọng sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Lê Bá Sơn/Báo Xây dựng