09/12/2016

Kiến trúc vì cộng đồng

Kiến trúc vì cộng đồng là kiến trúc phi lợi nhuận, quan tâm và hướng đến mục tiêu cải thiện cuộc sống cho những người nghèo, những người yếu thế nhất trong xã hội.

Khái niệm kiến trúc vì cộng đồng có từ những năm 60 của thế kỷ trước, bắt đầu từ lời kêu gọi “hãy vì cộng đồng” của Liên Hợp Quốc với các hoạt động thiện nguyện về y tế, giáo dục, nông nghiệp… đi đến các vùng xảy ra thiên tai động đất, sóng thần, hạn hán, lũ lụt, nơi xảy ra nạn đói, dịch bệnh hoành hành, hay chiến tranh khốc liệt tại các nước nghèo ở châu Phi, châu Á… để giúp đỡ các nạn nhân trong đó có phụ nữ và trẻ em. Kiến trúc vì cộng đồng là kiến trúc phi lợi nhuận, quan tâm và hướng đến mục tiêu cải thiện cuộc sống cho những người nghèo, những người yếu thế nhất trong xã hội.

Một trong những người đi tiên phong cho trào lưu kiến trúc vì cộng đồng là KTS lừng danh người Nhật – Ban Shigeru. Ông được trao giải thưởng kiến trúc thế giới Pritzker năm 2014 (một giải danh giá được coi như giải Nobel trong kiến trúc), vì đã sáng tạo ra những công trình kiến trúc theo xu hướng sinh thái. Các tác phẩm kiến trúc của Ban đều sử dụng vật liệu một cách sáng tạo, đặc biệt là vật liệu tái chế, rẻ tiền như giấy, các-tông để tạo ra các khu nhà ở tạm thời cho nạn nhân bởi thiên tai như ở Onagawa (Nhật Bản), Kirinda (Srilanka), châu Phi và nhiều nơi trên thế giới. Sự dấn thân vì cộng đồng, vì xã hội của Ban Shigeru đã được thế giới ca ngợi và đánh giá cao, coi ông là một trong số rất ít KTS đổi mới lĩnh vực kiến trúc và thiết kế của thế kỷ XXI, là hình mẫu truyền cảm hứng sáng tạo vì cộng đồng cho thế hệ trẻ.

Ở Việt Nam, nhiều chương trình tái thiết, xây dựng của Chính phủ đã được triển khai thực hiện vì cộng đồng mà điển hình là dự án tôn nền vượt lũ cho đồng bào các tỉnh vùng ĐBSCL cách đây 15 năm; các chương trình giải tỏa xóm vạn đò trên sông Hương – Huế, các khu nhà ổ chuột trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ở TP.HCM, xây nhà vượt lũ cho đồng bào vùng lũ lụt của Hội KTS Việt Nam… Rồi vài năm gần đây, nhiều nhóm KTS trẻ hay thanh niên tình nguyện, được sự hỗ trợ của một vài tổ chức nhân đạo quốc tế cũng dấn thân tham gia cải tạo, xây dựng những không gian công cộng, sân chơi có diện tích nhỏ cho thiếu nhi tại các khu chung cư cũ, khu dân cư nghèo ở nơi này nơi kia. Tất cả cũng là vì cộng đồng. Một vài KTS Việt Nam mà tiêu biểu là KTS Hoàng Thúc Hào với những công trình vì cộng đồng sử dụng vật liệu địa phương được xây dựng cho bà con dân tộc miền núi phía Bắc được xã hội và quốc tế ghi nhận.

Kiến trúc vì cộng đồng là một xu hướng mang tính nhân văn, tính xã hội và có sức lan tỏa sâu rộng, được cộng đồng quan tâm. Thông qua các hoạt động vì cộng đồng, KTS càng thấy rõ trách nhiệm cao cả và cũng rất nặng nề của mình trước xã hội. Để từ đó không ngừng lao động sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho nhân dân, cho nền kiến trúc nước nhà.

Kiến trúc vì cộng đồng không phải là những gì to tát, hoành tráng với nguồn vốn đầu tư lớn, mà chỉ là những công trình bình thường có quy mô nhỏ, sử dụng vật liệu rẻ tiền, vật liệu tái chế phục vụ nhu cầu cấp thiết của đời sống. Nhưng với tài năng sáng tạo của KTS chúng trở thành hữu ích, thậm chí trở thành tác phẩm kiến trúc có giá trị ứng dụng và thẩm mỹ cao.

Kiến trúc vì cộng đồng rất cần được quan tâm, cổ vũ, để nó lan tỏa mạnh hơn nữa trong giới KTS, trong xã hội, góp phần làm cho cuộc sống của những người nghèo bớt cực khổ hơn, để họ sống tốt hơn, hạnh phúc hơn!

KTS Phạm Thanh Tùng/Báo Xây dựng