23/03/2017

“Kiến trúc biến mất “, Anti-Object và phản đề của nó

Bài viết phản hồi lại bài “Sự hình thành Dematerialism và vai trò của KTS Bruno Taut” của KTS Lê Quang:

Gần đây mình được đọc tham khảo bài viết của bạn Hung Nguyen về với tựa đề “ Sự hình thành Dematerialism và những mánh khóe của Le Corbusier “ . Nhân dịp đang hướng dẫn nhóm sinh viên thảo luận về chủ đề “ The Painter of Modern life” có nhiều liên quan, mình xin mạn phép chia sẻ một vài ý kiến thông qua bài viết này. Đồng thời xin đề cập đến một số vấn đề về Le Corbusier để góp vào một số cách nhìn đa chiều hơn. 

“ Kiến trúc biến mất “ và Anti- Object ? Một vài câu hỏi bổ sung :

Kiến trúc, dù là kiến trúc vật chất hoặc phi vật chất, đều thông qua đó thể hiện sự hiện hữu của con người trong mối tương quan rằng con người là một phần của tự nhiên, chứ không phải đối tượng xếp trên, dưới hoặc ngang hàng. “ sự biến mất “ ở đây ta nên hiểu theo cách nào? Trong bài viết của bạn Hùng dường như chỉ mô tả được khía cạnh biến mất trong cảm nhận thị giác. Công trình Glass Pavilion của Taut có thể có những khía cạnh được coi là “ sự biến mất “ về thị giác hoặc kiểu hình, tuy nhiên nó vẫn hiện diện rõ ràng thông qua “dấu chân Carbon” (carbon foorprint ) mà nó để lại, hoặc là hiện diện trong khía cạnh kinh tế, công nghệ ..v.v..

Vậy thì “ kiến trúc hiện hữu “ và Object của Le Corbusier hay Mies van der Rohe có phải chỉ là sự hiện hữu về thị giác?

Ta cần xem xét rằng “ sự hiện hữu” trong kiến trúc của Corb hay Mies nó cũng không hẳn hoàn toàn là các biện pháp thị giác, với tư cách là những nhà triết học lỗi lạc – thì kiến trúc của họ còn là sự hiện hữu của những kiểu hình (organization ), của xã hội (social) và của kinh tế (economy)(1) . Rõ ràng sự “hiện diện” của con người nó không đơn thuần chỉ tồn tại trong yếu tố thị giác. Nó còn nằm trong một nhịp chảy chung mà ở trong đó thì con người hoàn toàn là một phần của thế giới tự nhiên. Bản tính của con người ( human nature ) cũng hoàn toàn thuộc về thế giới tự nhiên ( nature ). Cũng giống như một tổ mối, tổ kiến, tổ chim … khái niệm tàn phá tự nhiên của con người được xây dựng dựa trên mong muốn được trường tồn của Con người ,chứ không phải là Tự nhiên. Con người có thể tàn phá tất cả rồi chết đi, nhưng Tự nhiên thì không. Tất cả những gì Con Người tạo dựng, hiện hữu cho đến ngay này, sẽ bị Tự nhiên nuốt trọn và tái tạo chỉ ngay sau khi Con Người bị tiêu diệt toàn bộ. Nếu như coi Trái Đất có 1 năm tuổi thì Con Người mới tồn tại khoảng 10 giây mà thôi.

Corb, Mies hay Taut, họ không hề thực hành bằng những phương pháp phản nghịch nhau một cách trực diện , trái lại, có lẽ ta nên hiểu rằng họ cùng thực hành và đặt nền móng cho triết học hiện đại. Đối với đất nước Nhật Bản, ảnh hưởng của Taut cũng như Frank Loyd Wright đó là “ Tạo một cầu nối giữa Kiến trúc Hiện đại và kiến trúc truyền thống của Nhật Bản “ (Kuma,2013 )(2) . Như thế ta cũng phần nào thấy rằng triết lý của Taut đã tìm được mảnh đất tốt để gieo trồng và có những môn đệ giỏi. Tuy nhiên Kengo Kuma cũng từng nói “ Tái tạo hình ảnh của thiên nhiên từ Bê tông hay Thép, Kính không có nghĩa là kết nối con người với Tự nhiên “ (Kuma,2013).

Và cũng không thể nói rằng Nhật Bản chỉ chịu ảnh hưởng của những người như Taut và Wright. Trên thực tế thì KTS Nhật Bản vẫn chịu những ảnh hưởng lớn từ Corb, Mies, … Thông qua những phong trào như Metabomism mà thu hút tất cả những KTS tên tuổi nhất của Nhật Bản trong những năm 1960-1970. Và những người này, còn tiếp túc gây ảnh hưởng sâu sắc đến cách vận dụng kiến trúc của thế hệ KTS sau này như Kuma . Kuma đã từng nói ông cảm thấy rất gần gũi với Metabolist trong việc chia nhỏ các tỷ lệ .(Kuma,2013)

Trở lại với Corb và Mies, hai cái tên được nhắc đến nhiều trong bài viết của bạn Hung Nguyen – và những “ mánh khóe “ của họ.

Ở đây mình thấy bài viết còn gượng ép khi đem so sánh triết lý trừu tượng của Taut với triết lý đã được mô hình hóa của Corb. So sánh như vậy thì còn nhiều thiên kiến và có phần khập khiễng. Không giống với triết lý giàu chất thơ và mĩ học (aesthetic ) của Taut – người vẫn tôn thờ kiến trúc Gothic và chủ nghĩa biểu hiện trong thời gian này (3), thì Corb đưa ra những luận điểm khoa học và thành công trong việc khái quát chúng trong những mệnh đề ngắn gọn và súc tích. Ở đây ta sẽ không bao giờ nói ai đúng hay ai sai, mà ta nói rằng các hoạt động của họ làm phong phú thêm cho dòng chảy của Kiến trúc hiện đại. Trong tác phẩm luận nổi tiếng “ Inefabble Space” (4) ( Không gian không thể tả xiết ) , Corb đã nêu bật lên tính “ hiện hữu “ của ông như sau:

“ Sự sở hữu không gian là cử chỉ đầu tiên của mọi sự vật, hiện tượng, của con người và động vật, của thực vật và các đám mây, là biểu hiện cơ bản về cân bằng và thời gian (fundamental manifestation of equilibrium and duration) . Sự chiếm đóng của vũ trụ là bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại. Do đó nếu quan sát một cái cây, một ngọn núi nổi lên, hiện lên như ngày nay thì đó là vì chúng đã kiểm soát được sự chú ý và các hình thức thỏa mãn tính chất độc lập của nó ( Object), đó là vì chúng được xem là bị cô lập khỏi bối cảnh của chúng và có sự mở rộng ảnh hưởng ra xung quanh chúng. Đó là chiến thắng của tỷ lệ và tương quan trong mọi giải phẫu của các tác phẩm cũng như việc thực hiện các ý tưởng của nghệ sĩ chắc chắn dù có được kiểm soát một cách có chủ ý hay không.
….
Những thành tựu này luôn tồn tại và bắt nguồn từ trực giác, đó là chất xúc tác kỳ diệu của sự khôn ngoan có được, sự đồng hóa, thậm chí sự lãng quên, chúng ở trong một tác phẩm hoàn chỉnh và thành công với những ẩn ý, đó là ​​một thế giới trung bình thể hiện bản thân nó với tất cả những điều liên quan, nghĩa là: Sau đó, một chiều sâu vô tận mở ra, vượt ra ngoài các bức tường, vượt ra xa thực tại ngẫu nhiên, hoàn thành phép màu của không gian không thể tả xiết. “ ( Le Corbusier, 1929)

 

Corb đã miêu tả nó như là “ sự hoàn hảo của cảm xúc bằng chất dẻo “, đó là sự mô tả tốt nhất mà mình từng được nghe. Điều này bất kì KTS nào cũng từng gặp phải ở một số thời điểm trong đời. Ví dụ như mối quan hệ giữa sự hài hòa tổng thể về kiến trúc, những chuyển động của vật chất hữu hình và kí ức vô hình ? làm sao ta có thể mô tả được đầy đủ bằng từ ngữ và điều gì đã tạo nên nó? Nó là không thể tả nổi và sẽ không bao giờ được mô tả bằng lời.

Thông qua chỉ một tác phẩm luận này của Corb, khách quan mà nói, ta thấy rằng liệu Corb có phải là KTS chiến đấu hết mình và sử dụng “mánh khóe” trong việc tôn vinh các vật thể (Object) và hình thức, hình dạng (Form) không?

Có lẽ là không, vấn đề của Corb đó là tương quan ( Proportion) trong đó nêu bật lên sự sở hữu và hiện diện của mọi đối tượng trong tự nhiên, bằng chứng về sự hiện hữu đó và sự hiện diện đó có tác động ra sao đối với những sự hiện hữu khác.(5) Nói một cách hình tượng thì một cái cây cũng như một công trình, cái cây có thể chìm sâu vào một rừng cây, nhưng cũng có thể nổi bật trên nền một dãy núi. Nghe thì có vẻ như phi tự nhiên nhưng, khác với Taut, sự tự nhiên thuần khiết nhất mà Corb làm và dẫn giải đó không phải là “ biến mất “ trong tự nhiên, mà là “trở thành một với tự nhiên”.

Một thân cây có thể biến mất giữa một rừng cây nhưng lại nổi bật trên nền dãy núi xanh thẫm. Đó là bởi chúng vừa kiểm soát được sự chú ý và các hình thức để thỏa mãn tính độc lập của nó (Object). Vẻ đẹp mà chúng có được vừa là sự cô lập khỏi bối cảnh và sự mở rộng ảnh hưởng của chúng ra xung quanh.
Tham khảo về công trình Allmannajuvet-Zinc-Mine-Museum của Peter Zumthor. Trong đó phần công trình được làm bằng gỗ và bê tông được tách ra khỏi bối cảnh bởi hệ pilotis phía dưới. Sự ” hiện hữu ” của công trình rõ ràng vừa khiến nó có vẻ đẹp trong sự cô lập nhưng cũng hòa làm một với tự nhiên ( ở đây được xem như là vách núi phía sau và bầu trời phía trên )

Tất các các khái niệm về sự liên quan (Relationship ) chỉ được đặt ra, và cũng trớ trêu thay luôn vào đúng cái lúc mà ta thực hiện việc tách rời sự vật hiện tượng ra khỏi tương quan của chúng ( Proportion ). Vì vậy chúng ta cũng cần cân nhắc xem liệu việc quan tâm đến mối liên quan như Taut đã có thật là phương pháp luận thấu đáo hay không khi chính nó đã là phản đề của nó.

Hãy nhìn vào một trong những thiết kế đầu tay này của Corb : Một bức tường ngoài trời với ô mở để dường như có thể thu lại được cảnh tượng hung vĩ trên mặt hồ … . Vật thể hay phi vật thể? “ hữu hình “ hay “ biến mất” . Rất nhiều KTS tôn sùng chất thơ đã dành cả đời đắm mình trong ảo tưởng huyền hoặc và chẳng bao giờ vượt qua nổi bức tường bên hồ này.

Ngay cả Wright, một KTS theo dòng kiến trúc sư chất thơ (poetic ) cũng đã nhấn mạnh rằng : “ có ranh giới hay không giữa trong và ngoài? Thay vì nói về “tính sinh học” (organic) , chúng ta có lẽ nên nói “ tính tự nhiên “ của kiến trúc (natural building) , hoặc giả là chúng ta nói “ tính hài hòa “ ( integral building) . (Wright, 1919). (6)

Như vậy, khái niệm về “sự biến mất “ và Anti-Object trong kiến trúc , nghe thì có vẻ rất tự nhiên, rất thức thời, nhưng một lần nữa nó lại chính là phản đề của nó. Bởi mọi sự vật hiện tượng là tự nhiên nhất khi nó hiện diện và hiện hữu , choán chỗ trong không gian và thời gian giữa muôn vàn sự hiện diện khác ( ở đây không chỉ nói về yếu tố thị giác) .

Khái niệm về sự hài hòa (intergral) được sử dụng thay vì sự biến mất. Nói cách khác, hoạt động sống của con người cũng là một điều gì đó vô cùng tự nhiên, bản tính tham lam, ích kỉ và cả tình yêu của con người – cũng không có gì nằm ngoài tự nhiên.(7) Đôi khi ta càng tỏ ra trân trọng tự nhiên bao nhiêu thì ta càng đẩy ta xa ra khỏi những giá trị tự nhiên nhất của mình.

Cùng xem qua Sepertin Pavilion của Sou Fujimoto và so sánh giữa sự “ biến mất” và “ hiện hữu” của kiến trúc .

Sou Fujimoto rõ ràng được biết đến như một KTS tiêu biểu cho sự thực hành cái được gọi là “ biến mất” nhưng tất cả các luận điểm của Sou đều được tìm thấy trong The Modular(8) hay Inefable Space của Le Corbusier – mà đây là những lí luận về sự “ hiện hữu”. Mình vẫn còn nhớ năm 2013 khi đi xem triển lãm của Sou tại Geneva, có trưng bày nhiều mô hình. Sau màn thuyết trình khá trừu tượng về “sự biến mất” thì cử tọa hỏi rằng việc tháo rời các khối lượng lớn thành các phần tử nhỏ thì nó gần gũi với phong trào chuyển hóa ( Metabolism ) hơn là “Sự biến mất” và ở đây sự phát triển duy nhất của Sou chỉ là loại bỏ di tích công nghiệp cuối cùng của Metabolist – đó là các viên nang kí sinh, còn bản chất thì vẫn hoàn toàn là Metabolism(9). Sou khi đó khá ngỡ ngàng trước câu hỏi này có lẽ vì không ngờ cử tọa lại am hiểu đến như vậy về Metabolism và sau đó thì ông không đưa ra được câu trả lời đúng trọng tâm. Câu hỏi đó giống như một vết gợn trong màn giới thiệu giàu chất “thơ” của Sou Fujimoto.

Ảnh: Từ trái qua – hàng trên : Sepertine Pavilion @Sou Fujimoto , Capsule Tower @Kisho Kurokawa. Hàng dưới : Takahara Beauty Pavilion tại Expo 1972

Những cuộc thảo luận về kiến trúc – một hoạt động mở và khách quan.

Nói thêm về Taut, bạn Hung Nguyen nói về Taut như một KTS đơn độc trong hành trình giàu chất thơ của mình. Thực sự không hoàn toàn như vậy. Thứ nhất, Glass Pavilion là công trình đầu tiên đưa tên tuổi của Taut ra trường quốc tế và được biết đến là một trong những biểu hiện sớm nhất của art- deco (10).Cho nên cá nhân mình nghĩ Glass House không hề đẩy Taut và bất cứ thảm cảnh nào, đặc biệt là ở khía cạnh nhiếp ảnh kiến trúc. Thứ 2, cũng giống như nhiều KTS khác, Taut cũng có những tham vọng rất mực tự nhiên trong việc truyền bá ảnh hưởng của riêng mình cũng như về truyền thông. Thể hiện trong bức thư ngỏ của ông viết cho nhóm Crytal Chain với khởi đầu “ Chào các bạn hữu, ngày nay gần như chả có gì để xây dựng cả …. “(11) và sau đó đặt ra một loạt quy tắc cho nhóm về sự bí mật của nhóm, tính ẩn danh, và việc trục xuất ra khỏi nhóm nếu phản bội (!?) ( Bruno Taut, 1919) . Bức thư được đề tựa “ lời chào thân ái nhất từ Kính và màu sắc “ và kí tên Glas. Bức thư thể hiện tham vọng đầy kiểu hãnh của Taut và sự quan tâm hết sức rõ ràng cho một đối tượng vật chất cụ thể : vật liệu Kính .

Hoặc giả như bài luận Của Taut với tựa đề “ Down with seriousism “, ở đoạn cuối, như thường lệ là một loạt các khẩu hiệu : “ Muôn năm ! tất cả cho sự trong suốt ( transparent) , sự minh bạch (clear) ! Sự trong trẻo muôn năm ! Pha lê muôn năm ! Hoohreyyy cho chất lỏng, cho sự duyên dáng, cho góc cạnh, cho ánh sáng … Cho kiến trúc trường tồn.” ( Bruno Taut, 1920). Rất giàu chất thơ và tính mỹ học và thậm chí thấp thoáng cả những suy tư rất rõ về vật thể (Object) và hình dạng (Form) . Mình thì không có ý kiến gì về những điều cao siêu này, tuy nhiên kiến trúc nó cũng là một trường học mở, nơi mà mọi người có quyền phản biện. Thậm chí chính Taut, nhiều năm sau đã coi những biểu hiện sớm có của mình là “ triệu chứng của một căn bệnh “ (12). Và người ta đã không thể còn tìm thấy được những dấu vết đó trong đề xuất “ Thành phố vương miện “ ( City Crown) của ông sau này, dù về hình dáng (Form) thì nó là sự nâng cấp của Glass Pavilion, nhưng về bản chất, nó là một mô hình cổ súy cho sự hiện diện của chủ nghĩa xã hội – đáng tiếc là không thành công.

Bản vẽ và thực hành của Taut trong thời gian tham gia Crystal Chain. Nổi bật là hình bên trái với thiết kế núi pha lê được đẽo gọt góc cạnh với mái vòm kính.

Không lâu sau, Mies trả lời trong 1 bài hung biện kiểu mẫu năm 1923 với chất giọng trầm lắng mê hoặc lòng người : “Tôi từ chối tất cả tính duy mĩ, tất cả các học thuyết và tất cả hình dạng (13) . Kiến Trúc? Đó là thai nghén của không gian giữa cuộc sống , sự thay đổi, của kỉ niệm và biến thể “ . (Mies, 1923) Đó chính là sự hiện diện ở giữa các sự hiện diện khác, sự thông suốt và không cần nhờ vào khả năng biểu đạt của vật liệu.

Và lập luận đanh thép của Hannes Meyer vào năm 1928: “ Kiến trúc và công trình kiến trúc ? các thực thể kiến trúc trên đời này đều là sản phẩm của các nguyên do sau : chức năng, thời gian , kinh tế “.(14)

“ thực thể kiến trúc là một quá trình vận động sinh học, không phải là quá trình mỹ học . Hãy thử tưởng tượng xem, làm sao để thiết kế cho một ngôi làng ? cho cây cối và cho nhà cửa ?Thành phần (composition) hay chức năng (function) ? bằng Nghệ thuật hay là bằng chính Cuộc sống ? “. ( Meyer, 1928)

Cá nhân mình thì hiểu như thế này, ví dụ như một con đê , nó là sản phẩm của mỹ học, chất thơ ? hay là sản phẩm của hoạt động tự nhiên ? nó là một vật thể (Object) tách biệt với môi trường hay là một minh chứng cho sự hài hòa giữa “con người tự nhiên” và tự nhiên, nó “hiện hữu” hay “ biến mất”? , nó là hoạt động kiến trúc hay không phải hoạt động kiến trúc ?

Nếu ta mãi mãi coi con người đứng tách ra khỏi tự nhiên, thì ta sẽ không có được câu trả lời. Một đập thủy điện là hiện hữu hay “ biến mất “ ? choán chỗ hay là hòa tan? Tất cả sẽ có câu trả lời khi ta coi con người và những hoạt động của chúng ta hiện hữu và không nằm ngoài tự nhiên. .

Tất nhiên, những phát biểu đanh thép cả trong ngôn từ lẫn thực hành của Mies và Meyer, có thể khiến cho sự thơ ngây và tính duy mĩ bị mất chỗ đứng trong Kiến trúc. Tuy nhiên triết học là vậy, nó rộng mở cho ta các cách suy nghĩ khác nhau về cùng một bản chất, và ta đều có thể học hỏi từ tất cả các ý kiến đó, chứ không phải là chọn một cách mà ta thích rồi bỏ qua những cách khác.

Trong các công trình của Mies, “Tự nhiên” không chỉ đơn thuần là cây cối, đất trời, “Tự nhiên” nó còn xuất hiện trong tỷ lệ hiện hữu của con người đặt trong những mối tương quan một cách tự nhiên.

Đối với 5 điểm của Le Corbusier

Trở lại với Le Corbusier, người KTS rất mực đẹp trai và khôn ngoan. Mình xin phép nhấn mạnh rằng hệ thống 5 điểm của Corb là sự khái quát hóa, và là công cụ để ông thực hiện cuộc cách mạng của mình. Công cụ thì phải đơn giản để sử dụng, công cụ mà phức tạp và trừu tượng thì không ai dùng được cả (15). Sự đơn giản của công cụ không có nghĩa là hệ tư tưởng tạo nên nó là nghèo nàn, trái lại, công cụ càng đơn giản thì có nghĩa là hệ tư tưởng càng vững chắc và sâu sắc.

Trong bài viết của bạn Hung Nguyen , có nói đến việc sử dụng cột chống để nhấc cả công trình lên khỏi mặt đất ở Villa Savoye , ở đây mình xin nêu ra thêm 1 yếu tố nữa để giúp chúng ta nhìn nhận khách quan hơn , đó là yếu tố “ cửa sổ băng ngang “ trong hệ thống 5 điểm của Corb. Yếu tố này là khái quát hóa nhất cho khái niệm hài hòa “ intergral building” khi mà ông đã đặt vị trí của tất cả mọi thứ vào một chỉnh thể đơn giản, dễ hình dung. Cửa sổ băng ngang ? không giống với sự cuồng mộ của Taut dành cho kính ( khi đó đang là vật liệu mới và đặt ra nhiều thách thức) , cửa sổ băng ngang là một tuyên ngôn về tầm nhìn, về tỷ lệ của con người, về sự hiện diện của tự nhiên và con người một cách tự nhiên.

Trước Le Corbusier, đã không có bất cứ thứ gì như vậy cả. Ngày nay khi nói về cửa sổ băng ngang, nhiều người có một cảm nhận mơ hồ về sự giải phóng của không gian và thấy nó thật hiển nhiên. Tuy nhiên cần nhớ rằng, trước Corb, đã không có một ai có thể khái quát nó đến như vậy, nó thực sự điên rồ hơn tất cả những “ dự án điên rồ “ của Archigram hay Superstudio sau này bởi vì nó không kể về một câu chuyện nào cả, trái lại, nó tạo nên một thứ ngôn ngữ mới, một thế giới mới để rồi những kẻ được cho là “ điên rồ “ kia thỏa sức mà ngâm nga và ca hát bằng cái ngôn ngữ đó . Sự điên rồ và vĩ đại không nằm trong sự phức tạp, nó ẩn mình trong sự giản đơn . (16)

Cá nhân mình, dành sự tôn kín cho chủ nghĩa duy tâm của Le Corbusier và niềm tin mãnh liệt của ông vào khả năng kiến trúc có thể giải quyết nhiều vấn đề cho con người. Những tiên đề của ông, học thuyết cứng rắn của chủ nghĩa hiện đại, có thể nó không phải là giải pháp, tuy nhiên gốc rễ của những nỗ lực này đến từ niềm đam mê của ông để chia sẻ kinh nghiệm về “ không gian không thể tả xiết “ , đó chính là nỗ lực để hiểu rõ bản chất tự nhiên của con người và tự nhiên. Và đó cũng là điều khiến ông trở thành một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại. Với tâm hồn của một nhà thơ, một nhà triết học, Corb đã tìm đến những công cụ cứng rắn và ông đã xây dựng nên cả một thời đại nhờ vào nó – chứ không phải là dựa trên những ảo tưởng mơ hồ.

Ai cũng có một kiến trúc sư để mà ngưỡng mộ và cảm thấy gần gũi với bản thân mình. Ở trường hợp của mình, đó là Kisho Kurokawa, nguyên nhân thì là do ông này sớm có hành trình gian nan và éo le, thêm vào đó còn là vẻ đẹp trai trời phú. Tuy nhiên ta biết đấy, yêu thích và ngưỡng mộ họ là một chuyện, nhưng ta cũng cần khách quan và trân trọng những Kiến trúc sư khác trong một cái nhìn công tâm và trân trọng.

“ Kiến trúc biến mất “ lên ngôi? Mình không đồng tình với ý kiến này. Kiến trúc, như là một môn nghệ thuật, nó có chỗ đứng của nó. Nói như Dominique : “ chúng ta không sáng tạo ra, không làm ra, chúng ta chỉ nhận ra” (17). “ Sự hiện diện “ và “ sự biến mất “ nó có thể là những cách diễn đạt khác nhau cho cùng một bản chất, dù nghe thì có vẻ là ngược nhau. Hãy cùng học từ trong mỗi một cách đặt vấn đề và từ cả trong những “ mánh khóe” của nó .

Một ví dụ khác từ phía mình, đồ án Serra da Estrela do mình đề xuất năm 2017. Với nhận xét từ KTS Alvaro Siza: ““Một cách tư duy hoàn chỉnh chỉ một mực dựa trên những lập luận về tính tương phản và khả năng tạo ra tính bền vững dựa trên mong muốn để cho công trình hoàn toàn trở thành một phần của bối cảnh, liên kết bối cảnh và trở nên duy nhất tại bối cảnh “. Cá nhân mình không đặt nặng vấn đề Object hay Anti Object. Đối với mình, tương quan (Proportion) và sự dẫn giải (Consequence) là điều mình quan tâm hơn. “Hiện hữu ” hay ” Biến mất” thì tùy mọi người xét đoán.

Le Quang – architect

Notes & References ( Tài liệu tham khảo và trích dẫn ):

(1)Weber, M.(1925) Max Weber on Law in Economy and Society, ( Translation from Max Weber, Wirtschaft und Gesellschaft, 2nd ed. (1925) by Edward Shils and Max Rheinstein 1976), Newyork: Simon and Schuster
(2)Kengo Kuma (2013) “Anti Object” , Architectural Asscociation London
(3) “Visionäre der Moderne : Paul Scheerbart, Bruno Taut, Paul Goesch = Modern visionaries“ Berlin Galleries 2016.
(4)Le Corbusier (1929) “Ineffabble Space” . DPA
(5) “Le Corbusier : an analysis of form” (1996), NewYork
(6) Frank Lloyd Wright (1943) “In the Nature of Materials: Phylosophy” , Art & Architecture California .
(7) Frank Lloyd Wright (1943) “ The living city”, Newyork.
(8)Le Corbusier (1948) “Le Modulor” . DPA
(9) Kisho Kurokawa (1994) “The philosophy of symbiosis”, London
(10)“Visionäre der Moderne : Paul Scheerbart, Bruno Taut, Paul Goesch = Modern visionaries “ Berlin Galleries 2016
(11) “Architectural Fantasies by Bruno Taut and his Circle” . ed by Iain Boyd Whyte (1935)
(12) Anne Beim , “Bruno_the_infinitive_dream_of_translucency”. University of Pennsylvania . (1996)
(13) Mies van de Rohe (1923) , “Working theses” , Paris.
(14) Hanes Mayer (1928), “Building” , Paris
(15)Weber, M.(1925) Max Weber on Law in Economy and Society, ( Translation from Max Weber, Wirtschaft und Gesellschaft, 2nd ed. (1925) by Edward Shils and Max Rheinstein 1976), Newyork: Simon and Schuster
(16)Charles Baudelaire , “The Painter of Modern life” . (1863). translated and edited by Jonathan Mayne , Phaidon Press.
17.(17) von Uwe Fleckner (1996) “Jean-Auguste-Dominique Ingres – das Türkische Bad : ein Klassizist auf dem Weg zur Moderne” . Frankfurt .