22/07/2015

Kiểm soát chặt chẽ hơn các dự án đầu tư vốn ngân sách

Sau nửa năm đi vào thực tiễn, mặc dù ban hành các văn bản dưới luật còn chậm song đa số các cơ quan quản lý nhà nước ngành xây dựng địa phương đều ghi nhận Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 mang lại nhiều hiệu quả tích cực.


Ông Nguyễn Quốc Vinh – Giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang.

Ông Nguyễn Quốc Vinh – Giám đốc Sở Xây dựng Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi cùng phóng viên báo Xây dựng.

PV: Thưa ông, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 được Quốc hội thông qua tháng 6/2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, ngành xây dựng Tuyên Quang đã làm những gì để Luật Xây dựng mới đi vào thực tế cuộc sống?

Ông Nguyễn Quốc Vinh: Để triển khai thực hiện Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014, ngay từ cuối năm 2014, Sở Xây dựng Tuyên Quang đã chủ động, phối hợp với Cục Quản lý hoạt động xây dựng – Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện với thành phần tham dự là đại điện các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, đại diện các chủ đầu tư, các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Mục đích của việc tổ chức hội nghị nhằm phổ biến, quán triệt những quy định mới của Luật Xây dựng, đồng thời nhằm tập huấn, nâng cao nhận thức, trình độ am hiểu pháp luật về xây dựng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng để đảm bảo việc triển khai đầu tư xây dựng các công trình theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

PV: Nhiều chuyên gia nhận định Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 đã đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước nhằm khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng công trình xây dựng, qua nửa năm triển khai ở Tuyên Quang, ông có đánh giá như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Vinh: Luật Xây dựng năm 2014 nhiều nội dung đổi mới căn bản, là hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đồng bộ, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước để kiểm soát chặt chẽ các nguồn lực của Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Mặc dù mới chỉ qua một thời ngắn triển khai thực hiện nhưng có thể khẳng định, Luật Xây dựng năm 2014 sẽ mang lại hiệu quả tích cực vì tất cả các công trình xây dựng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn ở tất cả giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu. Trong đó, đặc biệt đối với các dự án có sử dụng vốn nhà nước phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm soát chặt chẽ ở các khâu thẩm định thiết kế, dự toán và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, qua đó nâng cao được chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

PV: Cụ thể hơn, với Tuyên Quang, ông nhận thấy hiệu quả đặc biệt ở những mặt nào?

Ông Nguyễn Quốc Vinh: Có thể nói, một trong những thay đổi quan trọng của Luật Xây dựng năm 2014 là quản lý chặt chẽ hơn việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng cách đổi mới mô hình quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa; áp dụng các mô hình ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên nghiệp theo chuyên ngành hoặc theo khu vực để quản lý các dự án có sử dụng vốn nhà nước.

Tuy nhiên do việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành dưới Luật còn chậm, ngày 18/6/2015 vừa qua Chính phủ mới ban hành Nghị định số 59/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 05/8/2015), trong đó quy định về tổ chức và hoạt động của các ban QLDA. Quý 1/2015, Sở Xây dựng đã tham mưu với UBND tỉnh xem xét, thành lập các ban QLDA chuyên ngành, ban quản lý khu vực theo quy định.

PV: Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 quy định thẩm quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng là cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp. Quy định này góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn tỉnh Tuyên Quang như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Vinh: Quy định thẩm định quyền thẩm định dự án đầu tư xây dựng góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn tại tỉnh Tuyên Quang từ việc kiểm soát, quản lý chất lượng và chi phí xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng, thông qua việc thẩm định dự án, thẩm định thiết kế và dự toán, cấp giấy phép xây dựng, quản lý năng lực hành nghề xây dựng, kiểm tra nghiệm thu công trình trước khi đưa vào khai thác sử dụng. Từ đó nâng cao được chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; đồng thời nâng cao trách nhiệm quản lý của các chủ đầu tư công trình, đơn giản hóa thủ tục hóa hành chính, đẩy nhanh thời gian thẩm định…

PV: Luật Xây dựng sửa đổi mới đi vào thực hiện chắc chắn còn nhiều khó khăn khi triển khai và áp dụng trong thực tiễn. Với Tuyên Quang, đã có những trở ngại gì trong quá trình thực hiện, thưa ông?

Trong quá trình triển khai thực hiện Luật Xây dựng cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc:

Thứ nhất, nhiều quy định trong Luật chưa được cụ thể, nhưng việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và của Bộ Xây dựng còn chậm.

Thứ hai, việc quy định thẩm quyền thẩm định dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước là cơ quan chuyên môn về xây dựng; còn đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ được thẩm định thiết kế cơ sở dự án; phần thiết kế công nghệ và và các nội dung khác của dự án thì lại giao cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định, trong khi Luật chưa quy định cụ thể cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư là cơ quan nào, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, không có sự phối hợp của các cơ quan quản lý chuyên ngành và kéo dài thời gian thẩm định.

Theo Xây dựng