24/05/2018

“Khó kết luận có bong bóng bất động sản hay không”

“Nói có bong bóng bất động sản hay không, tôi cho rằng rất khó kết luận ở thời điểm này ở vì phải tiến hành rà soát, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau từ số lượng giao dịch, biến động giá cả từng phân khúc, mức đầu tư…”

Quan điểm trên được Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh đưa ra khi ông trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng, chiều 23/5.

Đáng chú ý, theo ông Ninh, hiện Chính phủ cũng đang giao Bộ Xây dựng nghiên cứu vấn đề này và sẽ báo cáo vào cuối quý 2 hoặc quý 3/2018 nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, không để tình trạng bong bóng xảy ra.

Thông tin về tình hình thị trường bất động sản 4 tháng đầu năm, Cục trưởng Ninh cho hay, nhìn chung thị trường bất động sản cả nước vẫn duy trì mức độ phát triển ổn định. Thị trường bất động sản trong tháng 4/2018 có biến động nhẹ, lượng giao dịch giảm so với tháng 3, giá cả ít biến động so với tháng liền kề.

Qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và sàn giao dịch cho thấy, tại Hà Nội trong tháng 4/2018 có khoảng 1.250 giao dịch thành công, giảm khoảng 3,8% so với tháng trước đó. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, có hơn 5.200 giao dịch thành công.

Trong khi đó tại TPHCM,  trong tháng 4/2018 có khoảng 1.450 giao dịch thành công, giảm khoảng 6,5% so với tháng 3. Tính chung 4 tháng đầu năm có khoảng 6.000 giao dịch thành công.

Trao đổi về những biến động cục bộ của thị trường đất nền vừa qua, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản cho hay, thời gian qua thị trường bất động sản tuy không có biến động nhiều, nhưng tại các khu vực ven đô thị lớn, đặc biệt tại một số đặc khu kinh tế việc buôn bán, chuyển nhượng đất nền diễn ra phức tạp.

Trước thực tế này, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương nắm bắt tình hình và kịp thời báo cáo. Thủ tướng chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo và giao cho 3 địa phương là Quảng Ninh, Khánh Hòa và Kiên Giang có giải pháp kiên quyết ngăn chặn tình trạng mua bán đất, xây dựng trái phép diễn ra tại những khu vực này, không để những đối tượng xấu lợi dụng tình hình làm ảnh hưởng tới trật tự, an toàn của thị trường bất động sản.

Về những nghi ngại có hay không bong bóng bất động sản, ông Ninh tái khẳng định “rất khó xác định, và sẽ có báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất”.

Trước đó, một số chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về tình trạng bong bóng bất động sản.

Theo Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Kim Chung, hiện đã có 8/10 dấu hiệu của bong bóng bất động sản.

Theo ông Chung, các dấu hiệu như: giao dịch, giá cả, số lượng các công trình khởi công, địa bàn triển khai tăng, chủ thể tham gia thị trường, quy mô, giá trị dự án, nguồn tiền vào các dự án bất động sản, đều đang tăng, cho thấy nguy cơ về một đợt khủng hoảng.

“Chỉ còn 2 dấu hiệu nữa là thị trường sẽ chạm ảnh hưởng vào khủng hoảng 2008-2009 là đầu tư công và nguồn vốn xây dựng nhà đất cũng tăng. Tuy nhiên,  hai nguồn này đang kéo ngược thị trường bất động sản nên vẫn có thể chưa xảy ra tình huống xấu”, ông Chung nói.

Cũng theo chuyên gia này, kinh nghiệm cho thấy thị trường bất động sản có chu kỳ cứ 10 năm lại quay vòng: phục hồi – tăng trưởng – suy thoái – khủng hoảng.

Tuy nhiên,  GS Đặng Hùng Võ trong một diễn đàn về bất động sản mới đây lại tỏ ra lạc quan khi cho rằng chưa có dấu hiệu của bong bóng bất động sản. Theo ông, bong bóng bất động sản phải được thể hiện bằng dấu hiệu sốt đất trên toàn thị trường, diện rộng, với thời gian liên tục. Khi tăng với tốc độ theo ngày, theo tuần trong thời gian ngắn, đường giá đất sẽ tạo thành đường cong đột biến. Nhìn chung thị trường có thể thấy giá nhà ở thậm chí còn đang giảm.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận thị trường chung đang ở giai đoạn hồi phục và có sự phát triển tốt, ổn định.

Theo ông, thị trường nào cũng luôn có biến động lên xuống và bất động sản không nằm ngoài quy luật đó. Có thể ở giai đoạn này, thị trường có chiều hướng giảm nhẹ so với trước song không đến mức lao dốc, giảm sâu nghiêm trọng hoặc đóng băng nên không thể coi là khủng hoảng.

Nguyên Hà/Vneconomy