15/12/2018

Khắc phục bất cập trong Nghị định 20 về chống chuyển giá

Ngày 24/02/2017 Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có hiệu lực từ ngày 01/5/2017. Tuy nhiên, sau 19 tháng thực hiện, Nghị định 20/2017/NĐ-CP bộc lộ một số bất cập đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Nghị định 20 được cho là dấu mốc quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về giao dịch liên kết, đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các chuẩn mực quốc tế về gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống trốn thuế. Nghị định có mục tiêu chính là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI, tuy nhiên trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Xuất phát từ thực tiễn, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học: Nghị định 20/2017/NĐCP – Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ. Hội thảo là diễn đàn quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra những góc nhìn phản biện đa chiều, những định hướng và giải pháp cho việc tháo gỡ những bất cập của Nghị định 20 nói riêng, cũng như tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, kiến tạo cho doanh nghiệp.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20 quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao của doanh nghiệp”. Quy định này không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014; mâu thuẫn với các quy định trong Luật Thuế hiện hành và có nhiều vấn đề không phù hợp với thực tế, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS cũng như có sự cân nhắc đến thực tế phát triển và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, trước hết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị cần tạm dừng áp dụng để thay đổi hoặc diễn đạt lại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 cho rõ ràng hơn để chỉ hiểu theo một cách thay vì theo nhiều cách, gây hỗn loạn và hoang mang thậm chí có thể làm triệt tiêu động lực phát triển doanh nghiệp.

Mặt khác, việc đưa ra cơ sở khống chế mức trần chi phí lãi vay có thể sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Đặc biệt, đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế, ông Nam cho biết thêm.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng: Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết, tuy nhiên, cơ sở pháp lý và nội dung đang được quy định tại Nghị định số 20 còn những điểm chưa hợp lý. Đơn cử, quy định “tổng chi phí lãi vay” “không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần…” không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có “giao dịch liên kết”. Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu; trong khi năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên phải vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác.

Về thực chất, Nghị định 20 chủ yếu nhằm mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, khác với các giao dịch liên kết đa quốc gia, về mối quan hệ giao dịch liên kết ở trong nước giữa các doanh nghiệp với nhau, thì về cơ bản chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam. Do vậy, nếu các cơ quan thuế bắt bẻ các doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp tổng số thuế phải nộp tại Việt Nam giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không giảm đi hoặc giảm một cách không đáng kể là quá máy móc, không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico

Còn dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Nghị định 20 là bước tiến của Việt Nam trong việc áp dụng chuẩn mực, thông lệ quốc tế cũng như thể hiện trách nhiệm quốc gia trong mục tiêu góp phần chống lại xói mòn cơ sở và chuyển lợi nhuận trên phạm vi toàn cầu; góp phần cải thiện môi trường cạnh tranh; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Nghị định 20 vẫn gây ra nhiều băn khoăn về lộ trình thực hiện, cơ sở đưa ra ngưỡng lãi vay 20% và đối tượng áp dụng…

Do đó, ông Lực cho rằng, phía cơ quan quản lý cần sớm có báo cáo đánh giá kết quả triển khai, rà soát những vấn đề thực tiễn phát sinh trong thực tế, từ đó sớm đưa ra những cơ chế chính sách điều chỉnh phù hợp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo tính thực tế, khả thi hơn mà vẫn đạt mục đích đề ra. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu các thông lệ quốc tế về chống chuyển giá BEPS để có định hướng kế hoạch hoạt động kinh doanh phù hợp.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng đưa ra các giải pháp: Cơ quan chức năng cần làm rõ chi phí lãi chỉ áp dụng đối với giao dịch liên kết hay tất cả các khoản vay; Nâng tỉ lệ chi phí lãi trên EBITDA từ 20% lên ngưỡng cao nhất theo khuyến nghị của OECD là 30% (đây có thể là ngưỡng phù hợp hơn cả); xem xét đặc thù một số ngành sử dụng vốn vay lớn như bất động sản, điện lực, CSHT… khi tính toán chỉ số chi phí lãi/EBITDA (có thể được loại bỏ dần chi phí lãi vay từ bên thứ 3) hoặc ở mức ngưỡng khác; xem xét nghiên cứu bổ sung thêm hình thức áp dụng chỉ số chi phí lãi vay bên thứ 3/EBITDAở các tập đoàn.

Về xem xét bổ sung quy định về lộ trình áp dụng, ông Lực cho rằng, cơ quan quản lý nên đưa ra một lịch trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp có thời gian tái cấu trúc tài chính tuân thủ theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp có chỉ số chi phí lãi trên EBITDA trên 50% cần thực hiện giảm tỉ lệ mỗi năm 10% (nhưng không quá 3 năm) để đạt được tỉ lệ quy định 30% theo lộ trình nhất định kể từ khi NĐ 20 sửa đổi có hiệu lực chính thức. Mặt khác, thông tư hướng dẫn thực hiện cần ban hành sớm hơn, kịp thời hơn, ít nhất là trước khi Nghị định có hiệu lực từ 2-3 tháng.

Trước những bất cập của Nghị định về chuyển giá, ông Nguyễn Trần Nam đã đưa ra các kiến nghị: Đầu tiên là bỏ Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20; Thứ hai là hoãn, lùi thời hạn thực hiện, hoặc quy định giao dịch liên kết chỉ tính cho giao dịch xuyên biên giới. Hiệp hội Bất động sản Viêt Nam sẽ phân tích các số liệu đã có rồi đi đến kiến nghị, dự thảo văn bản, xin ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh và gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Thường vụ Quốc hội…

PV