12/07/2016

Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng xanh

Tới năm 2030 sẽ có 50% đô thị lớn và vừa đạt tiêu chuẩn đô thị xanh. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra trong dự thảo Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng về tăng trưởng xanh (KHHĐ TTX) đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. KHHĐ TTX đang được Bộ Xây dựng soạn thảo với sự phối hợp, hỗ trợ của các chuyên gia thuộc Dự án “Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng” – Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam. Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo lấy các ý kiến tham vấn cho dự thảo KHHĐ.


Mỗi năm giảm phát thải nhà kính từ 1,5 – 2%

Theo Bộ Xây dựng, KHHĐ TTX ngành Xây dựng nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ và mục tiêu của ngành Xây dựng được nêu trong Chiến lược Quốc gia về TTX (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012) và KHHĐ Quốc gia về TTX giai đoạn 2014 – 2020 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014). Dự thảo đưa ra những mục tiêu cụ thể cho các lĩnh vực công nghiệp sản xuất VLXD; quy hoạch đô thị và đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị; nhà ở đô thị; cơ chế chính sách để thực hiện kế hoạch.

Theo đó, về công nghiệp sản xuất VLXD, KHHĐ xác định mục tiêu điều chỉnh quy hoạch và ứng dụng công nghiệp sạch để đến năm 2020 giảm phát thải nhà kính, gây hiệu ứng nhà kính từ 8 – 10% so với năm 2010. Đến năm 2030, mỗi năm giảm phát thải nhà kính từ 1,5 – 2%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1 – 1,5%; giá trị sản phẩm công nghiệp xanh trong GDP chiếm 42 – 45%; tỷ lệ cơ sở sản xuất VLXD đạt tiêu chuẩn môi trường là 80%.

Về quy hoạch đô thị và đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị, KHHĐ đặt mục tiêu điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị theo hướng phát triển bền vững; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo đảm tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định là 60%. Tỷ lệ tương ứng đối với đô thị loại IV và V là 40%. Tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý phải đạt tiêu chuẩn theo quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050). Đặc biệt, KHHĐ đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh.

Về nhà ở đô thị, KHHĐ hướng đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể cải tạo chung cư cũ trong đô thị, kết hợp xây dựng các không gian nhằm nâng cao chất lượng nhà ở, đảm bảo an toàn cho người sống trong các chung cư và phát triển cảnh quan môi trường xung quanh, theo hướng TTX…

Về cơ chế chính sách, KHHĐ nêu rõ các mục tiêu: Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất và áp dụng VLXD xanh; quản lý việc sử dụng năng luợng trong các tòa nhà thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, định mực kinh tế – kỹ thuật về xây dựng xanh, đô thị xanh, công trình xanh, vật liệu xanh.

Theo dự thảo, kinh phí thực hiện KHHĐ được huy động từ ngân sách Nhà nước Trung ương và địa phương, nguồn lực của DN và các tổ chức quốc tế. Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan thực hiện KHHĐ, là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để triển khai KHHĐ. Hàng năm, Vụ có trách nhiệm tổng hợp tình hình thực hiện, báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ban điều phối TTX và Bộ KH&ĐT; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện KHHĐ.

Căn cứ KHHĐ, các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Sở Xây dựng các tỉnh, TP, các DN xây dựng và sản xuất VLXD xây dựng KHHĐ của mình và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp có liên quan nhằm thực hiện KHHĐ. Dự thảo KHHĐ đồng thời chỉ rõ các nhiệm vụ triển khai KHHĐ…

Sẽ ban hành KHHĐ TTX ngành Xây dựng trong năm 2016

Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng khung chính sách đô thị hóa xanh và KHHĐ, Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Trần Quốc Thái cho rằng có 2 chỉ tiêu cơ bản là giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP và giảm cường độ phát thải khí nhà kính (KNK) trong những ngành sản xuất chính so với năm 2010 với 2 kịch bản có và không có hỗ trợ quốc tế.

Ông Thái cũng chỉ ra 5 lĩnh vực triển vọng hợp tác, gồm xây dựng khung chiến lược và lộ trình phát triển đô thị TTX; xác định các chỉ số giám sát và thực hiện xây dựng đô thị TTX; chuẩn bị hướng dẫn và các bài học kinh nghiệm thực tế thành công nhất về đô thị TTX; đào tạo và nâng cao năng lực; ưu tiên đầu tư dự án phát triển đô thị sinh thái, bình đẳng…

Đề cập đến mục tiêu giảm nhẹ phát thải CO2 trong lĩnh vực sản xuất VLXD, Viện trưởng Viện VLXD Lương Đức Long chỉ ra các mục tiêu cụ thể cần phấn đấu. Theo đó, trong ngành sản xuất xi măng, vôi công nghiệp và gốm sứ…, đến năm 2020, suất phát sinh CO2 giảm 5% so với năm 2015 và đến năm 2030, suất phát sinh CO2 giảm 15% so với năm 2015.

Đại diện Cục Hạ tầng Kỹ thuật, bà Trần Kiều Anh cũng đề xuất kế hoạch hành động TTX trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn và cấp thoát nước, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ giảm phát thải KNK từ chất thải rắn; ưu tiên công nghệ xử lý chất thải rắn theo thứ tự: Xử lý sinh học, công nghệ đốt, chôn lấp…

Đại diện đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo KHHĐ TTX ngành Xây dựng, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Công Thịnh cho biết: Vụ ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại diện các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến cho dự thảo KHHĐ, trong đó bao gồm cả những ý kiến đóng góp làm thế nào để cụ thể hóa chiến lược vào thực tiễn hành động cũng như ý kiến cần có tiêu chí đánh giá, đo lường cụ thể hoạt động trong từng giai đoạn… Vụ mong muốn nhận được nhiều ý kiến thiết thực hơn nữa để Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo KHHĐ TTX và sớm ban hành trong thời gian tới.

Hòa Bình/Báo Xây dựng