17/12/2019

Kè Hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn: Thận trọng để sang trọng

Được biết thành phố Hà Nội chuẩn bị triển khai Dự án kè Hồ Gươm bằng phương pháp ghép các khối hộp bê tông cốt thép đúc sẵn, chúng tôi đã tham gia ý kiến: mong muốn các bên liên quan cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, năng đông, sáng tạo hơn trong các dự án chỉnh trang đô thị. Đặc biệt, với khu vực Hồ Gươm thì ứng xử cần “sang trọng và tinh tế”.

Sau khi nghiên cứu  tài liệu dự án, chúng tôi đã nhận thấy đơn vị tư vấn và xây lắp đã có những cố gắng lớn nhằm hoàn thành các mục tiêu của Dự án, tuy vậy cần lưu ý các điểm sau nhằm đảm bảo các công trình chỉnh trang nâng cấp hạ tầng cho Hồ Gươm một cách thận trọng:

1. Xác định “Ranh giới phạm vi bảo vệ di sản”. Ngày 9.12.2013, Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định 2383/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây đã là tin vui lớn với nhiều người dân Hà Nội và các cơ quan, ban, ngành, bởi sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và chính sách văn hóa đối với một không gian văn hóa, lịch sử nơi trung tâm Thủ đô; vừa có ý nghĩa quan trọng về văn hóa, cảnh quan, vừa mang giá trị tinh thần đặc biệt với nhiều thế hệ người Hà Nội.

Theo VNE, nhiều tháng qua, hơn 600 m lối đi quanh Hồ Gươm bị hư hỏng. Trong đó, hàng chục mét bờ kè ven đường Lê Thái Tổ bị đứt gãy, gạch đá lát nằm ngổn ngang. Gần phố Hàng Khay, một số đoạn kè bị sụt xuống tạo thành hố sâu và được gia cố tạm bằng tấm gỗ ép. Ở khu vực đối diện nhà hàng Thủy Tạ, một mảng bê tông lớn cũng bị sụt trôi xuống hồ. Đầu tháng 8, quận Hoàn Kiếm lắp đặt hơn 200 m hàng rào, đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại bờ kè, đường đi dạo quanh Hồ Gươm bị lún sụt. Trong ảnh: Biển cảnh báo nguy hiểm ở bờ Hồ Gươm. Ảnh: Tất Định/Vnexpress

Theo VNE, nhiều tháng qua, hơn 600 m lối đi quanh Hồ Gươm bị hư hỏng. Trong đó, hàng chục mét bờ kè ven đường Lê Thái Tổ bị đứt gãy, gạch đá lát nằm ngổn ngang. Gần phố Hàng Khay, một số đoạn kè bị sụt xuống tạo thành hố sâu và được gia cố tạm bằng tấm gỗ ép. Ở khu vực đối diện nhà hàng Thủy Tạ, một mảng bê tông lớn cũng bị sụt trôi xuống hồ. Đầu tháng 8, quận Hoàn Kiếm lắp đặt hơn 200 m hàng rào, đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại bờ kè, đường đi dạo quanh Hồ Gươm bị lún sụt. Trong ảnh: Biển cảnh báo nguy hiểm ở bờ Hồ Gươm. Ảnh: Tất Định/Vnexpress

Trong hồ sơ trình bày không có mục tài liệu “Ranh giới phạm vi bảo vệ di sản”. Do dự án thực hiện trong vòng một của Di sản, nên các đơn vị thực hiện cần lập dự án gửi Bộ VHTT&DL xin ý kiến thoả thuận trước khi triển khai.

Hồ sơ xác định ranh giới các khu vực 1,2,3 để bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt sẽ là cơ sở thiết kế thi công, giám sát các hoạt động của dự án. Việc thực hiện dự án sẽ là mẫu hình của Hà Nội Hiện đại – Văn Hiến – Văn Minh.

2. Xác định chính xác nguyên gây sụt lún: Tài liệu Dự án cho biết nguyên nhân gây sụt lún do đất chân kè sói mòn, rễ cây, thay đổi mực nước hồ, chất liệu tấm kè cũ nát…

Nếu chỉ ra lý do có vậy là  còn sơ sài, chủ quan. Cần khảo sát đánh giá một cách toàn diện, bao gồm tần sất/cường độ, theo dõi diễn biến theo thời gian đầy đủ để tìm hiểu chính xác nguyên nhân. Đây là việc làm cần thiết vì xác định chính xác nguyên nhân mới có giải pháp phù hợp.

Bởi, có những nguyên nhân do ảnh hưởng của các  công trình xây dựng quy mô lớn, móng sâu làm thay đổi cấu trúc địa chất sẽ ảnh hưởng lâu dài mà việc sụt lún kè ven hồ chỉ là hiện tượng bề mặt, diễn biến có thể lâu dài, phức tạp. Nếu không xác định chính xác thì giải pháp này mới dừng lại ở mức độ đối phó/tình thế mà không bền vững  và là tiền lệ xấu cho quản lý an toàn hạ tầng đô thị của khu vực (nhất là quanh Hồ Hoàn Kiếm đã và sẽ xuất hiện nhiều công trình ngầm quy mô lớn/phức tạp).

Mặt khác khi xác định chính xác còn làm rõ nguyên nhân của các tổ chức, cá nhân gây hư hỏng hạ tầng kỹ thuật đô thị… thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định pháp luật.

3. Làm nhẹ kết cấu blok bê tông cốt thép khối hộp: Sau khi định vị, khối hộp (block) rỗng này chèn đất (có thể là cả phế thải trong quá trình thi công). Như vậy tổng trọng lượng kè cũng như khối tích đã tăng hơn và choán khối tích nước lòng hồ. Giải pháp khắc phục là:

a. Khối Block bê tông cần đục nhiều lỗ rỗng mặt tiếp xúc với đất (phía trong) và nước (phía ngoài) để nước có thể lưu thông ngay trong lòng block: như vậy khối tích nước sẽ không bị giảm và không bị ngăn cứng lưu thông đất ngậm  nước ven hồ, đáy hồ và lòng hồ.

b. Thay đất phế thải, đất cát đặc chèn vào lòng block bằng đất xốp, giá thể (xơ xừa , trấu …) để giảm trọng lượng block bê tông cốt thép, tăng không gian sinh thái để phát triển hệ sinh vật thủy sinh, tảo, san hô, và thủy tức và các cây bám rễ tạo thảm xanh trên bề mặt nghiêng của kè.

Hình 1: Làm nhẹ kết cấu và tạo lỗ rỗng cho nước lưu thông, tạo môi trường  sinh thái cho thảm cỏ, các loài thủy sinh phát triển (đề xuất của KTS Trần Huy Ánh)

Hình 1: Làm nhẹ kết cấu và tạo lỗ rỗng cho nước lưu thông, tạo môi trường sinh thái cho thảm cỏ, các loài thủy sinh phát triển (đề xuất của KTS Trần Huy Ánh)

Hình 2: Phối cảnh khối hộp bê tông tạo môi trường sinh thái (đề xuất của KTS Trần Huy Ánh)

Hình 2: Phối cảnh khối hộp bê tông tạo môi trường sinh thái (đề xuất của KTS Trần Huy Ánh)

Hình 3: Giải pháp thi công giữ nguyên nhưng khối hộp bê tông cốt thép nhưng cần đục lỗ khối hộp, thay đất phế thải bằng giá thể trộn đất mùn giàu dinh dưỡng nhồi vào rột rỗng của khối hộp NTCS  (đề xuất của KTS Trần Huy Ánh)

Hình 3: Giải pháp thi công giữ nguyên nhưng khối hộp bê tông cốt thép nhưng cần đục lỗ khối hộp, thay đất phế thải bằng giá thể trộn đất mùn giàu dinh dưỡng nhồi vào rột rỗng của khối hộp NTCS (đề xuất của KTS Trần Huy Ánh)

4. Tham vấn chuyên gia đa ngành: Đây là công trình can thiệp trực tiếp tới di sản nên cần tham vấn các chuyên gia văn hóa, lịch sử, sinh học, địa chất, thủy văn… Các chuyên gia cần tham vấn là những người có uy tín, đã từng đóng góp các ý kiến có giá trị và công tâm, ý kiến của họ làm giàu có thêm kho tàng trí tuệ Thủ đô.

Chú ý cần lựa chọn  sáng suốt, không mời đại diện các tổ chức/cá nhân không có chuyên môn, kinh nghiệm, chuyên sâu… bởi có thể họ sẽ đưa ra các ý kiến chủ quan, cảm tính dễ dãi/không căn cứ vào cơ sở khoa học và thực tiễn dẫn đến gây khó khăn cho cơ hội tập hợp trí tuệ của cộng đồng, làm giảm niềm tin vào lẽ phải, chân lý khoa học.

Trường hợp này đã xảy ra tại ga C9 khi công bố các ý kiến một số cựu quan chức vốn rất hạn chế về chuyên môn cũng như trách nhiệm xã hội gây thiệt hại cho lợi ích chung, mặc dù các ý kiến này đã bị các cơ quan quản lý loại bỏ nhưng làm nhiễu loạn dư luận.

5. Dự án đầu tư bằng ngân sách cần theo quy trình nghiêm túc, được giám sát minh bạch: Theo tài liệu, Dự án thuộc nhóm A, loại công trình hạ tầng kỹ thuật, cấp III… Không có thông tin về tổng đầu tư và nguồn.

Theo cá nhân tôi nhận thấy Dự án có nhiều điểm mới nhưng cũng ở mức độ thông thường, không có công đoạn thi công hay công nghệ gì quá đặc biệt. Do vậy đầu tư bằng ngân sách thì làm rõ dự án đã thông qua đấu thầu, thi tuyển theo quy định hay chưa? Các quy trình nghiệm thu/giám sát giá thành, chất lượng sẽ được tổ chức như thế nào?

Và dự án có vị trí ngay giữa Thủ Đô nên các quy trình thực hiện càng phải minh bạch, càng phải nghiêm túc. Các thông tin trao đổi được truyền thông rộng rãi. Các ý kiến đóng góp được phản hồi nhanh chóng thì sẽ  tạo nên một không khí đồng thuận; toàn xã hội chung tay vì Thủ đô giàu đẹp, văn minh.

Hồ Gươm được gia tăng chất lượng đô thị cảnh quan một cách sang trọng và thận trọng… sẽ quảng bá hình ảnh rất hiệu quả cho đơn vị thiết kế thi công cũng như nâng cao vị thế của quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội.

Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ BCH  Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Thành viên Hội đồng khoa học TC KTVN – Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)/Người đô thị