09/02/2021

Hướng tới đô thị xanh ven biển bền vững tại Việt Nam

Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, với trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Trong xu hướng liên kết kinh tế và hợp tác hiện nay, việc lựa chọn các đô thị ven biển để phát triển và liên kết kinh tế là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển. Trong bối cảnh đó, để tránh việc phát triển thiếu kiểm soát, sự sao chép từ các đô thị với nhau, những đặc trưng văn hóa hay khía cạnh bền vững văn hóa rất cần được quan tâm từ việc tổ chức không gian đô thị đến từng công trình kiến trúc… Đặc biệt cần có định hướng rõ ràng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định riêng cho nhà cao tầng ở ven biển nói riêng và kiến trúc các đô thị ven biển Việt Nam nói chung. Các công trình cao tầng phải đảm bảo xây dựng đúng theo quy hoạch, đảm bảo được đủ diện tích công cộng, đất cây xanh cho khu vực ven biển thể hiện được bản sắc đặc trưng văn hóa của từng khu vực ven biển. 

Thành phố biển Hạ Long

Thành phố biển Hạ Long

Bền vững văn hóa trong phát triển kiến trúc

Trong một nền khoa học và kỹ thuật phát triển cao, sôi sục với những tiềm năng mới của thời kỳ công nghiệp, các trào lưu kiến trúc cuối thế kỷ 20 tập trung quan tâm chủ yếu các vấn đề của ngôn ngữ biểu hiện, hình khối, kết cấu, công nghệ… Trong xu hướng này, tại các đô thị nở rộ các công trình kính thép, công nghệ cao theo phong cách chiết trung.

So với trước đây, nhu cầu của con người không chỉ còn là những vấn đề về chỗ ở hay sự tiện nghi trong sử dụng, một môi trường văn hóa phù hợp đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong một “thế giới phẳng” hiện nay.

Chính vì vậy nhiều KTS đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối “phong cách quốc tế” trong kiến trúc, tìm cách thể hiện được văn hóa địa phương và liên hệ các chức năng của kiến trúc với nhu cầu tự nhiên của con người.

Mối quan hệ biện chứng của cặp phạm trù hiện đại và bản sắc đã trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm không chỉ với kiến trúc mà còn liên quan đến sự tồn sinh của mỗi dân tộc. Muốn hiện đại thì phải phát triển. Phát triển mà không giữ bản sắc thì sẽ đánh mất mình, mất đi nhân tố của sự phát triển. Sự sinh tồn và phát triển của nhân loại cũng dựa vào sự sánh vai và cạnh tranh của những bản sắc.

Trong những năm gần đây, vấn đề nhận diện văn hóa trong kiến trúc đương đại đã có một vai trò nòng cốt để tạo nên sự riêng biệt và đặc tính địa phương trong một môi trường cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu. Nhiều quốc gia đã bắt đầu phải kiểm tra lại những sắc thái văn hóa riêng bằng cách nghiên cứu những giá trị và quy tắc truyền thống. Quá trình này đã có những tác động đến những sản phẩm của kiến trúc đương đại và làm nổ ra những cuộc tranh cãi gay gắt về những “cái riêng” của kiến trúc từng địa phương có thể tạo nên hơn là “sao lại” những chi tiết từ quá khứ.

Kiến trúc là tổng hòa của văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa ứng xử. Tìm hiểu và nhận thức được các yếu tố văn hóa đặc trưng này là cơ sở mấu chốt để phát huy những giá trị truyền thống trong kiến trúc hiện đại với những phương tiện và công cụ của thời đại. Bền vững văn hóa sẽ tạo nên những giá trị đặc trưng cho kiến trúc của đất nước so sánh với kiến trúc các nước khác trong khu vực và trên trường quốc tế. Tuy vậy tại nhiều quốc gia đang phát triển, sự bền vững văn hóa đang được duy trì một cách khó khăn và nhiều trường hợp cho thấy sự “pha tạp hổ lốn” nhiều hơn cá tính riêng.

Sự đa dạng văn hóa tại các vùng miền Việt Nam 2

Sự đa dạng văn hóa tại các vùng miền Việt Nam

Sự đa dạng văn hóa tại các vùng miền Việt Nam

Phát triển đô thị xanh ở Việt Nam cần quan tâm đến các yếu tố khí hậu, kinh tế, xã hội và bản sắc văn hóa địa phương

Khí hậu Việt Nam rất khắc nghiệt, mùa hè nắng nóng, bức xạ mặt trời lớn, đặc biệt ở phía Bắc có mùa đông lạnh với độ ẩm cao. Phát triển đô thị xanh ở Việt Nam phải chú ý tới các yếu tố khí hậu theo từng vùng miền địa phương khác nhau. Có thể kể đến một số vùng khí hậu đặc trưng như khí hậu vùng núi Đông Bắc, vùng núi Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ, vùng gió Lào miền Trung, vùng ngập lũ Nam Bộ… Khí hậu các địa phương Việt Nam hoàn toàn khác với khí hậu các nước Âu-Mỹ. Do vậy có thể thấy những công nghệ của các nước phát triển Âu-Mỹ là không hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Việt Nam. Nếu những giải pháp cho khí hậu Âu-Mỹ là sưởi ấm, thì tại Việt Nam là làm mát, hút ẩm và chống giá buốt… Ở một góc nhìn khác, điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập những sắc thái riêng với các thành tố xanh trong quy hoạch và xây dựng đô thị.

Việt Nam có 54 dân tộc, chính vì vậy bản sắc văn hóa địa phương rất đa dạng. Mỗi dân tộc đều có những phong tục tập quán, phương thức sản xuất canh tác, lối sống riêng… Việc lựa chọn những giải pháp phù hợp với truyền thống văn hóa, lối sống, tâm lý, nhu cầu và khả năng thực tế của cộng đồng dân cư là hết sức quan trọng trong việc tạo dựng môi trường kiến trúc đô thị. Phát triển đô thị xanh ở Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề bản sắc văn hóa địa phương tại mỗi vùng miền, cần đề ra các chiến lược, chính sách, các giải pháp quy hoạch, thiết kế xây dựng phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Yếu tố văn hóa cũng là cơ sở để đạt được sự chấp nhận của cư dân địa phương hướng tới các nhu cầu thiết thực của cộng đồng. Từ đó có thể áp dụng rộng rãi tránh được những nguy cơ phá vỡ các tập quán sinh hoạt truyền thống.

Đô thị xanh Việt Nam phải được xây dựng phù hợp với điều kiện của nền kinh tế đất nước. Việt Nam là quốc gia đang phát triển còn nghèo so với nhiều nước trong khu vực. Đô thị xanh tại Việt Nam nên phát huy sử dụng được các nguồn lực tại chỗ, hướng đến những giải pháp xây dựng đơn giản, phù hợp với trình độ xây dựng của địa phương, dễ bảo dưỡng đạt được mục tiêu giá thành hợp lý phù hợp với khả năng thu nhập của người dân.

Những ràng buộc về địa lý tự nhiên đã hình thành các hoàn cảnh riêng của từng địa phương, cần quan tâm đến điều kiện đặc thù này để áp dụng những giải pháp xanh, những công nghệ phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt cần quan tâm đến khu vực nông thôn nơi sinh sống của phần lớn dân cư và chứa đựng nhiều giá trị bản địa.

Dải đất ven biển Việt Nam từ Móng Cái đến Hà Tiên là sự đa dạng về lịch sử hình thành, phong phú về địa hình và môi trường, khí hậu tự nhiên, xã hội nên cũng tạo ra rất nhiều các khu vực có đặc trưng văn hóa khác biệt. Mỗi nơi một vẻ, nơi rộng – nơi hẹp, nơi bằng phẳng – nơi lại sát núi, nơi thì ít gió bão – nơi lại đón gió bão… Với điều kiện tự nhiên không hoàn toàn đồng nhất như vậy con người tại đây đã có những cách thích ứng riêng để tạo nên văn hóa sống riêng biệt của từng khu vực. Phát triển các đô thị ven biển với góc nhìn bền vững văn hóa cần quan tâm đến khía cạnh này.

Thành phố biển Nha Trang

Thành phố biển Nha Trang

Hướng tới những đô thị xanh ven biển bền vững tại Việt Nam

Là quốc gia ven biển, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, với trên 50% dân số sống ở 28 tỉnh, thành phố ven biển. Việt Nam có nhiều tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, như: giao thông vận tải biển; khai thác và chế biến khoáng sản; khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển… đặc biệt các đô thị ven biển có thể coi là những cực phát triền kinh tế biển. Trong xu hướng liên kết kinh tế và hợp tác hiện nay, việc lựa chọn các đô thị ven biển để phát triển và liên kết kinh tế là yêu cầu bắt buộc đối với các địa phương có biển, điều đó sẽ giúp các tỉnh, vùng tiết kiện được nguồn lực về tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ… của địa phương. Hơn nữa, cần phải tập trung nguồn lực cho các đô thị ven biển, nhằm tạo sự đột phá mạnh và sức lan tỏa rộng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong bối cảnh đó những đặc trưng văn hóa hay khía cạnh bền vững văn hóa rất cần được quan tâm từ việc tổ chức không gian đô thị đến từng công trình kiến trúc… tránh việc phát triển thiếu kiểm soát, sao chép từ các đô thị với nhau.

Các đô thị biển đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chung nhưng cũng mới chỉ giải quyết được vấn đề tổ chức mặt bằng tổng thể, phân khu chức năng, các hướng phát triển… mà chưa đề xuất được không gian kiến trúc, đặc biệt là trên các mặt tiền tuyến ven biển, các quy định về tầng cao trung bình và các chỉ tiêu chủ yếu của đô thị hướng biển. Các dự báo về quy mô dân số và dự kiến phân bổ dân số cho từng khu vực chưa hợp lý, chưa đủ cơ sở làm tiền đề cho việc nghiên cứu các vấn đề phát triển đô thị liên quan.

Quy hoạch chi tiết chạy đua theo phong trào khai thác chia lô, chiếm lĩnh toàn bộ không gian đô thị. Tổ chức môi trường ở còn ỷ lại các khu vực tự nhiên mà quên đi việc cải thiện môi trường, không gian tại các khu đô thị. Những vành đai huyết mạch ven biển chưa có cơ hội kết nối sâu trong đất liền nên chưa phát huy hết các yếu tố gợi mở của biển. Và, thực tế hiện nay có rất nhiều ý kiến tranh cãi về cách phát triển của đô thị này. Đô thị xanh ven biển cần tiếp cận nhiều hơn dưới góc độ địa lý văn hóa, nghiên cứu khảo sát văn hóa trong mối tương quan với các điều kiện về địa lý, môi trường tự nhiên. Từ đấy nhận diện ra đặc trưng văn hóa của mỗi khu vực thông qua mối quan hệ giữa môi trường sống với các yếu tố về kinh tế, chính trị, xã hội. Nói cách khác là thông qua thái độ ứng xử của con người với môi trường tự nhiên để xác định những đặc trưng văn hóa của khu vực đó.

Cơn sốt “bất động sản du lịch” đã tạo được cơ hội tốt cho việc phát triển quy hoạch – kiến trúc các đô thị ven biển Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời cũng nảy sinh những vấn đề gây tranh cãi về những lợi thế và bất cập của việc xây dựng nhà cao tầng ven biển. Trong các đô thị hiện đại không thể thiếu hình ảnh của các tòa nhà cao tầng, có lẽ đô thị biển cũng vậy. Có thể nói các tòa nhà cao tầng có tác động tích cực về môi trường đô thị như là tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm lưu lượng giao thông và lượng khí thải carbon dioxide… Nhà cao tầng ven biển có những lợi thế về tạo dựng cảnh quan hiện đại, về quảng bá thương hiệu và hưởng lợi từ các tài nguyên thiên nhiên như nắng gió tầm nhìn, không khí trong lành… Chúng luôn được các nhà đầu tư du lịch cũng như các nhà quy hoạch kiến trúc tận dụng.
Một ví dụ thành công của nhà cao tầng ven biển là Marina Bay Sands ở Singapore, nhưng Singapore lại là một trường hợp đất chật, bãi biển không đẹp hoàn toàn toàn khác so với các đô thị biển Việt Nam. Singapore đã từng bỏ tiền mua cát ở biển miền Trung Việt Nam đổ cho những bãi biển của họ.

Bên cạnh lợi thế luôn là những bất cập, trước hết nhà cao tầng thích hợp với các đô thị nén nhiều hơn so với đô thị biển, bởi đô thị biển thường là không gian nghỉ dưỡng du lịch với nhiều yếu tố thiên nhiên thoáng đãng, mật độ xây dựng thấp hơn. Vì vậy khi đưa một khối tích công trình lớn như các nhà cao tầng vào khung cảnh đô thị biển sẽ gây tác động mạnh tới cảnh quan đô thị, ảnh hưởng đến phân bố mật độ đô thị và thông gió đô thị.

Việc xây dựng một ngôi nhà cao tầng trong một khu vực đô thị sẽ là một biến động lớn về mật độ xây dựng. Do đó số lượng và sự phân bố nhà cao tầng trong quy hoạch phát triển đô thị cần hết sức cẩn trọng nếu không sẽ dẫn đến sự quá tải hạ tầng đô thị và phá vỡ trạng thái cân bằng gây ra nhiều bất ổn về môi trường, kinh tế và xã hội. Với chiều cao và diện mặt đứng lớn, nhà cao tầng sẽ che chắn ánh mặt trời tạo ra nhiều vùng bóng đổ, làm thay đổi chuyển động không khí tác động đến các vùng tiểu khí hậu đô thị. Những “dãy tường cao ốc” ven biển sẽ che hết gió mát, nắng và gây ra ô nhiễm “tầm nhìn biển” của phần đô thị biển phía sau. Cũng rất cần chú ý những đặc trưng của nhà cao tầng ven biển để có giải pháp quy hoạch – kiến trúc thích hợp.

Như vậy rõ ràng là khi sử dụng kiến trúc cao tầng ven biển cần chú ý tới những điều kiện và yêu cầu khác với kiến trúc cao tầng thông thường, trước hết ở khâu quy hoạch và kiến trúc, tiếp theo là những vấn đề về kỹ thuật, về môi trường và biến đổi khí hậu, về vật liệu xây dựng và kỹ thuật thi công trong điều kiện xâm thực biển… rất cần có các nghiên cứu chuyên sâu để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này. Cần rà soát điều chỉnh các dự án ven biển có yếu tố cao tầng về tỷ trọng, mật độ, kích thước của nhà cao tầng, cần chú ý khai thác các lợi thế tự nhiên của biển địa phương, tạo được các đô thị du lịch biển có bản sắc riêng, không nên chạy đua theo các kỷ lục và không cần lấy nhà cao tầng để làm biểu tượng địa phương. Quy mô và phong cách kiến trúc cao tầng rất cần hài hòa với tầm vóc và bản sắc của từng đô thị biển khác nhau, và chỉ nên dùng trong trường hợp cần thiết tạo điểm nhấn đô thị. Làm sao để mỗi một công trình cao tầng ven biển đều là một cỗ máy hiệu quả năng lượng và có hình thức kiến trúc đóng góp cho đặc trưng riêng của từng đô thị.

Tăng trưởng xanh đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trong giai đoạn hiện nay nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, xu thế này được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Chiến lược tăng trưởng xanh là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các chính sách liên quan đến kinh tế xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh đã trở thành đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp không khói (smokeless industry) là tên gọi khác của ngành du lịch đã và đang có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu: đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP, giá trị xuất khẩu từ du lịch đạt hơn 20 tỷ USD và chính thức trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Với lợi thế bờ biển dài nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đặc sắc… loại hình đô thị du lịch nghỉ mát và sinh thái là phù hợp và đặc trưng trong hệ thống đô thị biển Việt Nam Phát triển các đô thị ven biển có sự quan tâm đến bền vững văn hóa giúp tạo nên đặc trưng văn hóa riêng biệt sẽ là một sức hút hấp dẫn đối với khách du lịch khi đến các thành phố biển Việt Nam.

Biến đổi khí hậu có những tác động mạnh mẽ đối với đô thị ven biển. Cần có các biện pháp phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu như đưa ra các dự báo sớm về mực nước biển dâng hay thiên tai… với độ chính xác cao. Kinh nghiệm của cha ông với những bài học về văn hóa ứng xử với thiên nhiên sẽ vô cùng hữu ích trong việc đưa ra các giải pháp.

Marina Bay Sands (Singapore) - ví dụ thành công của nhà cao tầng ven biển

Marina Bay Sands (Singapore) – ví dụ thành công của nhà cao tầng ven biển

Kết luận

Công cuộc xanh hóa các đô thị biển hoàn toàn mang tính khả thi. Cần xác lập quan niệm, tiêu chí tương thích, nhất là mô hình chuyển đổi một đô thị biển đơn thuần sang đô thị xanh ven biển một cách tổng thể trên nền tảng của những thế mạnh tự nhiên đặc trưng riêng của từng khu vực.

Phát triển kinh tế biển trong đó có du lịch nghỉ dưỡng là con đường tất yếu của Việt Nam, tuy nhiên rất cần hài hòa và đồng bộ giữa phát triển thị trường bất động sản với phát triển đô thị, không nên đầu tư quá ồ ạt mà cần khai thác và giữ gìn các tiềm năng du lịch của địa phương, sử dụng một cách hợp lý và thông minh nhất tài nguyên du lịch tự nhiên đã được thế giới đánh giá cao.

Không gian kiến trúc cảnh quan đô thị chịu nhiều tác động lớn nhất khi xây dựng các công trình cao tầng ven biển. Các công trình cao tầng ven biển là điểm nhấn của đô thị, tạo sức hút mạnh mẽ đối với du lịch địa phương. Quá trình phát triển nhà cao tầng cần chú trọng phát triền hạ tầng đồng bộ kèm theo, chú trọng giữ gìn bản sắc đặc trưng của môi trường tự nhiên của địa phương. Việc xây dựng nhà cao tầng ven biển là một xu thế của nền kinh tế du lịch biển, tuy nhiên cần được áp dụng một cách thận trọng. Cách sử dụng kiến trúc cao tầng ở các đô thị biển cần hướng đến tối ưu hóa cảnh quan, không gian và nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút khách du lịch.

Cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định riêng cho nhà cao tầng ở ven biển nói riêng và kiến trúc các đô thị ven biển Việt Nam nói chung. Các công trình cao tầng phải đảm bảo xây dựng đúng theo quy hoạch, đảm bảo được đủ diện tích công cộng, đất cây xanh cho khu vực ven biển thể hiện được bản sắc đặc trưng văn hóa của từng khu vực ven biển./.

PGS.TS.KTS Hoàng Mạnh Nguyên- Đại học kiến trúc Hà Nội