30/06/2020

HoREA: 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ồ ạt xây chung cư mini phá vỡ quy hoạch

Đây là ý kiến của Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây.

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nhận thấy, trong hơn 10 năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, đã nở rộ tình trạng khoét lõm xây dựng “chung cư mini”, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, quận nội thành.

Trong đó, có những công trình nhà “chung cư mini” xây dựng trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

Hiệp hội đã nghiên cứu tình trạng phát triển tự phát “chung cư mini” và nhận thấy, tình trạng “nở rộ” chung cư mini vượt ngoài tầm kiểm soát có nguyên nhân đầu tiên, bắt nguồn từ những bất cập của các quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép, sai phép các “chung cư mini”, là do những hạn chế, bất cập trong công tác thực thi pháp luật của chính quyền, nhất là cấp cơ sở.

Hiệp hội thống nhất với nhận định của Bộ Xây dựng là hiện nay, tại các khu vực đô thị của một số địa phương, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, nên một số hộ gia đình, cá nhân đã tự ý thực hiện việc xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ, mà không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.

Bên cạnh đó, cũng đã có cán bộ chính quyền cấp cơ sở thoái hóa biến chất, tiếp tay, bao che cho các công trình chung cư mini trái phép.

Ngoài ra, còn do biên chế của chính quyền cấp cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng mỏng, nhất là tại các huyện có dân số lớn (thậm chí tương đương dân số một tỉnh nhỏ) và đang có tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân thứ ba là các đầu nậu và một số doanh nghiệp móc nối với hộ gia đình, cá nhân để thực hiện các công trình nhà chung cư mini trái phép.

Hiệp hội nhận thấy, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP không có bất kỳ quy phạm pháp luật nào cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế theo kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị. Việc phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân phải phải phù hợp với quy hoạch; có giấy phép xây dựng; phải bảo đảm yêu cầu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị.

Chỉ đến năm 2010, khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP, mới cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ tại các đô thị. Hiệp hội nhận thấy, quy định này không phù hợp và trái với Luật Nhà ở 2005.

Khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP còn là Dự thảo, Hiệp hội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã góp ý, đề nghị không cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”, được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị, với quan ngại sẽ làm phát sinh tình trạng xây dựng không phép, trái phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Nhưng các ý kiến này không được chấp thuận.

Cũng trong năm 2010, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã không chấp thuận một công trình nhà ở riêng lẻ kiểu nhà chung cư mini, tại đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, theo đề xuất của một Tập đoàn bất động sản hợp tác với một hộ gia đình.

Tuy nhiên, nội dung Điều 43 Nghị định 71/2010/NĐ-CP đã được “nâng cấp”, chuyển thành Điều 46 Luật Nhà ở 2014, cho phép hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.

Đây là cơ sở pháp luật để phát triển loại hình nhà chung cư mini trong thời gian qua và đã bị lợi dụng để xây dựng trái phép, sai phép nhà chung cư mini.

Luật Nhà ở 2014 khi còn là Dự thảo, Hiệp hội đã kiến nghị tại Khoản 7 Văn bản số 28/CV-HoREA ngày 12/09/2014, như sau: “7/- Về tiêu chuẩn và chất lượng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân (điều 46 Dự thảo): Khoản 4 điều 46 dự thảo Luật quy định: “4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên và tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, gồm có phòng ở riêng, khu bếp riêng, khu vệ sinh, tắm riêng; có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và đáp ứng các tiêu chuẩn về nhà chung cư theo quy định tại điều 100 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với từng căn hộ trong nhà ở đó.” Luật Nhà ở 2005 không có chế định này. Đến năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định 71/2010/NĐ-CP mới có quy định này. Chế định này ra đời làm gia tăng sự phát triển các chung cư nhỏ trong đô thị, do vậy cần được quy định chặt chẽ, trước hết là phải phù hợp quy hoạch phát triển đô thị, thiết kế đô thị, tác động đến môi trường, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội đô thị để tránh làm quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống xã hội hiện hữu của đô thị”.

Nhưng ý kiến của Hiệp hội năm 2014 đã không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Ngày 09/04/2019, Hiệp hội tiếp tục có Văn bản số 38/2019/CV-HoREA đề xuất sửa đổi một số điều của Luật Nhà ở. Tại Mục 5, Hiệp hội đã tiếp tục kiến nghị, như sau: “5/- Kiến nghị kiểm soát tình trạng phát triển nhà chung cư mini ở nội thành: Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở, quy định: “Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”, đã tạo cơ sở pháp lý để xảy ra tình trạng phát triển loại nhà “chung cư mini”, “chung cư hộp diêm” làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, làm cản trở công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở theo hướng dùng công cụ quy hoạch để hạn chế phát triển loại nhà ở đơn lẻ có nhiều phòng kiểu “chung cư mini”, “chung cư hộp diêm” này tại khu vực nội thành. Loại căn hộ mini này nên khuyến khích dùng để cho thuê”.

Do vậy, có thể nhận định, có một nguyên nhân do bất cập của các quy định pháp luật,  đã bật đèn xanh làm phát sinh tình trạng “nở rộ” nhiều công trình nhà ở riêng lẻ được thiết kế kiểu “chung cư mini”, có nhiều tầng, nhiều căn hộ mini tại các đô thị, các quận nội thành trong 10 năm qua (2010-2020).

Hiệp hội nhận thấy rất cần thiết bãi bỏ nội dung quy định: “Trường hợp được phép xây dựng nhà ở có từ hai tầng trở lên mà tại mỗi tầng được thiết kế, xây dựng từ hai căn hộ trở lên theo kiểu khép kín, có đủ tiêu chuẩn diện tích sàn xây dựng tối thiểu mỗi căn hộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung của nhà chung cư theo quy định của Luật này thì được Nhà nước công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong nhà ở đó”, tại Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở, vì đây là hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản, chứ không phải là hoạt động “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ không nhằm mục đích kinh doanh, thì không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, theo quy định tại Khoản 4 Điều 52 Luật Xây dựng (được sửa đổi tại Khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, có hiệu lực ngày 01/01/2021).

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở nhằm mục đích kinh doanh (để bán, cho thuê…), thì phải lập dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản (2.a) Điều 17 Luật Nhà ở (được sửa đổi tại Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, có hiệu lực ngày 01/01/2021).

Để kiểm soát tình trạng phát triển tự phát chung cư mini làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị và không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, Hiệp hội thống nhất với Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương phối hợp với ngành chức năng tăng cường phổ biến, tuyên truyền quy định của pháp luật và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ kiểu chung cư mini có nhiều tầng, nhiều căn hộ, có vi phạm các quy định pháp luật, như xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm không gian, hoặc không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hoặc xây dựng nhà ở không bảo đảm chất lượng… đi đôi với tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại nhà này.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương chủ động giải quyết vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, cấp Giấy phép xây dựng, thi công xây dựng, quản lý chất lượng công trình nhà ở trên địa bàn.

Đồng thời, với những nội dung cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, các địa phương cần tổng hợp, báo cáo về Bộ Xây dựng để xem xét sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 46 Luật Nhà ở 2014, như sau:

“Hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị phải thực hiện xây dựng, cải tạo nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhà ở.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng, cải tạo nhà ở riêng lẻ không nhằm mục đích kinh doanh, phải phù hợp với quy hoạchđược cấp có thẩm quyền phê duyệt; có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng và phải bảo đảm yêu cầu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị; thì không phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Lan Nhi/Nhịp sống kinh tế