23/07/2020

Hội thảo phát triển bền vững ngành xi măng Việt Nam

Ngày 21/7/2020 tại Hà Nội, Hiệp hội Xi măng Việt Nam phối hợp với Công ty Thyssenkrupp Industrial Solutions (Việt Nam) tổ chức hội thảo phát triển bền vững ngành xi măng Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay Việt Nam có 84 dây chuyển sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế đạt 101 triệu tấn/năm. Năng lực sản xuất của ngành xi măng Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều dây chuyền công nghệ hiện đại, công suất lớn, ngành xi măng còn không ít dây chuyền sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, hiệu quả cạnh tranh thấp, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng môi trường.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo

Đứng trước yêu cầu phát triển bền vững ngành xi măng Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng xây dựng chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, với quan điểm trọng tâm là: Phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng; áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Cùng với đó, gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu xây dựng trên thị trường trong nước và quốc tế; phát huy và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất vật liệu xây dựng.

Riêng đối với xi măng, chỉ đầu tư mới nhà máy sản xuất clanhke xi măng có công suất từ 5.000 tấn/ngày trở lên, gắn với vùng nguyên liệu và đầu tư đồng thời hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường. Khuyến khích các nhà máy xi măng hiện có công nghệ, thiết bị lạc hậu, công suất thấp, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh hoan nghênh Công ty Thyssenkrupp Industrial Solutions và Hiệp hội Xi măng Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo phát triển bền vững ngành xi măng Việt Nam, đồng thời mong muốn các đại biểu tham dự hội thảo tích cực trao đổi, thảo luận, tìm hiểu đầy đủ thông tin, tăng cường hợp tác, chuyển giao và áp dụng công nghệ sản xuất xi măng tiên tiến của Công ty Thyssenkrupp Industrial Solutions và của Cộng hòa Liên bang Đức nhằm phát triển bền vững ngành xi măng Việt Nam.

Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Weert Börner phát biểu tại hội thảo

Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Weert Börner phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Weert Börner đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong những năm qua, đồng thời cho biết, các giải pháp công nghệ tiên tiến được trình bày tại hội thảo sẽ rất bổ ích đối với các doanh nghiệp xi măng Việt Nam trong quá trình đổi mới, hoàn thiện công nghệ và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Tại hội thảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thyssenkrupp phụ trách thị trường xi măng Châu Á Thái Bình Dương tại Hà Nội (Thyssenkrupp đã chuyển trụ sở chính từ Singapore về Hà Nội) trình bày Báo cáo khái quát tầm nhìn của Thyssenkrupp với mục tiêu biến xi măng Việt Nam từ “xám” chuyển sang “xanh”. Bên cạnh đó, 10 tham luận đề cập những giải pháp mới nhất, tiên tiến nhất, được các diễn giả trình bày cụ thể, chi tiết về công nghệ, thiết bị, quy trình vận hành và các kết quả thu được.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Weert Börner đánh giá cao quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong những năm qua, đồng thời cho biết, các giải pháp công nghệ tiên tiến được trình bày tại hội thảo sẽ rất bổ ích đối với các doanh nghiệp xi măng Việt Nam trong quá trình đổi mới, hoàn thiện công nghệ và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Tại hội thảo, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thyssenkrupp phụ trách thị trường xi măng Châu Á Thái Bình Dương tại Hà Nội (Thyssenkrupp đã chuyển trụ sở chính từ Singapore về Hà Nội) trình bày Báo cáo khái quát tầm nhìn của Thyssenkrupp với mục tiêu biến xi măng Việt Nam từ “xám” chuyển sang “xanh”. Bên cạnh đó, 10 tham luận đề cập những giải pháp mới nhất, tiên tiến nhất, được các diễn giả trình bày cụ thể, chi tiết về công nghệ, thiết bị, quy trình vận hành và các kết quả thu được.

Toàn cảnh hội thảo

Trần Đình Hà/moc.gov.vn