17/01/2016

Hội thảo “Kiến trúc nhà ở – Từ Budapest tới Hà Nội”

Sáng  11/1/2016, tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế phối hợp với Khoa Sau Đại học đồng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kiến trúc nhà ở – Từ Budapest tới Hà Nội” (Housing Architecture – From Budapest to Hanoi). Hội thảo dưới sự bảo trợ của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kỹ thuật & Kinh tế Budapest (Hungary).Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
htktno4

Toàn cảnh Hội thảo “Kiến trúc nhà ở – Từ Budapest tới Hà Nội”

Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) có PGS.TS.KTS.  Lê Quân – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS.KTS. Nguyễn Tố Lăng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện Khoa Sau Đại học, Khoa Kiến trúc, Khoa Nội thất và Mỹ thuật công nghiệp, Khoa Quy hoạch, Khoa Kỹ thuật Hạ tầng & Môi trường đô thị, Khoa Quản lý đô thị, Phòng Đào tạo, Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế cùng đại diện một số chuyên gia trong nước và nước ngoài hiện đang là giảng viên chương trình Cao học Pháp ngữ và Kiến trúc cảnh quan Pháp ngữ tại HAU.

Về phía trường Đại học Kỹ thuật & Kinh tế Budapest (BME) có PGS.TS. Márton NAGY – Bộ môn Thiết kế nhà ở, Khoa Kiến trúc; PGS.TS. Levente SZABÓ – Bộ môn Thiết kế công trình công cộng, Khoa Kiến trúc; PGS.TS Árpád SZABÓ – Bộ môn Thiết kế và Quy hoạch Đô thị , Khoa Kiến trúc; PGS.TS. Zsolt VASÁROS – Bộ môn Thiết kế công trình nông nghiệp và công nghiệp cùng các nghiên cứu sinh của Trường.

Trong diễn văn khai mạc Hội thảo, PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Trường Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest là một trong những trung tâm nghiên cứu về khoa học và đào tạo quan trọng bậc nhất ở Trung Âu với truyền thống hơn 200 năm đào tạo chuyên ngành kỹ thuật. Trường đã đào tạo ra nhiều nhà khoa học ưu tú, trong đó có những người đã được nhận giải Nobel danh giá Thế giới…

Trong chuyến thăm và làm việc tại trường Đại học Kỹ thuật & Kinh tế Budapest – Hungary cuối tháng 11/2015 vừa qua của lãnh đạo và một số cán bộ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hai bên đã bàn họp và thẳng thắn đưa ra được các vấn đề cũng như mong muốn phát triển các chương trình liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa hai trường liên quan đến lĩnh vực kiến trúc xây dựng. Kết quả của chuyến làm việc là sự đồng thuận hợp tác bằng biên bản ghi nhớ giữa hai trường trong các lĩnh vực trao đổi sinh viên,nghiên cứu khoa học, đào tạo và trao đổi thông tin thuộc chuyên ngành Kiến trúc… Tại buổi hội thảo lần này, Trường Đại học Kỹ thuật & Kinh tế Budapest và Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ có những bài tham luận và trao đổi từ các KTS kinh nghiệm về vấn đề Kiến trúc nhà ở tập thể tại thành phố Budapest – Hungary và kiến trúc nhà ở xã hội tại thành phố Hà Nội – Việt Nam…”

Thay mặt lãnh đạo HAU, Hiệu trưởng Lê Quân bày tỏ hy vọng rằng thông qua Hội thảo, hai trường sẽ có thêm sự gắn kết và hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, con người cũng như các công trình kiến trúc, tạo tiền đề cho sự hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực sau này.

Sau khai mạc, các đại biểu đã được nghe TS.Márton NAGY và TS.Levente SZABÓ, giới thiệu về khoa Kiến trúc và Khoa Sau đại học – Trường Đại học Kỹ thuật & Kinh tế Budapest cũng như “Tổng quan về lịch sử và văn hóa Hungary” của TS. Zsolt VASÁROS; “Budapest – Môi trường văn hóa và môi trường xây dựng. Đặc trưng, cấu trúc và hình thái đô thị” của Dr. Árpád SZABÓ…

Các tham luận như “Nhà ở xã hội Hà Nội – Định hướng và giải pháp” của TS. Khuất Tân Hưng; Nhà ở tập thể Ujpest, trường hợp nghiên cứu” – TS.Dóra MÁTHÉ, Tátrai Ádám, Weiszkopf András; “Nhà ở tập thể Gazgyar, trường hợp nghiên cứu” – Judit Skaliczki, Judit Soltesz, Peter Szabo; Nhà ở tập thể –  Tương lai của di sản nhà ở Hà Nội” của KTS. Đặng Tố Anh cũng được trình bày tại Hội thảo.

Hội thảo “Kiến trúc nhà ở – Từ Budapest tới Hà Nội” là một trong những dấu mốc quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và Trường Đại học Kỹ thuật & Kinh tế Budapest (Hungary); góp phần thúc đẩy hơn nữa trong công tác học tập, nghiên cứu và triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu để đưa khoa học hiện đại vào đời sống.