25/09/2020

Hoàn thiện quy hoạch để phát triển các khu đô thị

Thách thức hiện nay trong việc phát triển đô thị ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là tốc độ dịch chuyển dân cư, đô thị hóa nhanh, việc mở rộng ra các khu vực lân cận thiếu kiểm soát.

Tại hội thảo “Sức bật từ các đại đô thị” do Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức ngày 24/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Lê Quốc Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, Bộ Xây dựng cho rằng thách thức hiện nay trong việc phát triển đô thị ở Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là tốc độ dịch chuyển dân cư, đô thị hóa nhanh, việc mở rộng ra các khu vực lân cận thiếu kiểm soát.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Thế Toàn)

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Thế Toàn)

Hệ thống giao thông Vùng Thành phố Hồ Chí Minh thiếu đồng bộ, chưa hiện đại, thiếu liên kết. Đô thị hóa chưa thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó có vấn đề ngập lụt.

Điều này dẫn tới hệ lụy mất dần đất nông nghiệp do đầu cơ, mất cân bằng phát triển giữa khu vực trung tâm và vùng ven, hạ tầng không đồng bộ, thiếu việc làm…

Chính vì thế, từ năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2076/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch Vùng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050, với việc xác định Vùng Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang) là vùng đô thị lớn, động lực phát triển kinh tế hàng đầu của cả nước, đầu mối giao thương quốc tế…; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân, trung tâm tri thức sáng tạo.

thao-luan-mo-1203

Góp ý định hướng phát triển đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sỹ Lê Quốc Hùng cho rằng quy hoạch thành phố có thể tính đến việc duy trì không gian mở dọc các sông lớn để giảm nguy cơ ngập lụt và duy trì “hành lang” xanh, giảm mật độ xây dựng bên trong đô thị đồng thời duy trì mật độ xây dựng phù hợp các vùng ngoại vi; trong đó, khuyến khích phát triển vùng ngoại vi lên phía Bắc và phía Đông là những phần đất cao, giảm thiểu ngập lụt.

Đề cập đến vấn đề đất đai, theo Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển Quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy hoạch sử dụng đất phải đi vào thực tế, đáp ứng nhu cầu sử dụng, khả năng chi trả của doanh nghiệp và phải được hình thành một cách tự nhiên. Cần phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo quan điểm của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, quy hoạch đô thị Thành phố Hồ Chí Minh có thể tính đến việc quy hoạch và phân bổ hợp lý sử dụng đất, giữa đất đô thị và đất khu công nghiệp, đất nông nghiệp theo các trung tâm như trung tâm kinh doanh, thương mại, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, văn phòng, đất nhà ở tập thể, nhà ở xã hội, đất biệt thự đơn lập, khu sản xuất kinh doanh công nghiệp và dịch vụ, đất trồng rau, hoa màu ngắn ngày và đất trồng cây hàng năm, lâu năm.

Tại các đô thị của Thành phố có thể tính đến việc phát triển các ngành mũi nhọn là tài chính, kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, giải trí, mạng lưới giáo dục và y tế chất lượng cao, quy hoạch không gian ngầm.

Nói về quy hoạch giao thông, bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho biết, tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Vùng Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố đều chậm so với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt.

Đơn cử, tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ và cao tốc, hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng, các đô thị vệ tinh phát triển chậm do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến vùng lõi thành phố trở thành đô thị nén với mức độ ngày càng cao.

Trong khi đó, hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn đầu tư chậm, chưa hình thành hệ thống hoàn chỉnh, giao thông nội thành chủ yếu vẫn dồn lên hệ thống đường bộ trong khi loại hình này không thể đảm nhận vận tải hành khách khối lượng lớn.

Vì thế, theo bà Lã Hồng Hạnh, để đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế, xây dựng các khu đô đô thị lớn cần sớm đầu tư hệ thống đường vành đai, tuyến cao tốc, đường sắt đô thị với cơ chế huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất khi đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết hợp với phát triển đô thị.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng quy hoạch các đô thị phải gắn liền với việc xây dựng mạng lưới đô thị. Đơn cử, xung quanh các đô thị trung tâm như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… là việc hình thành các thành phố lân cận.

Thời gian qua đã chứng kiến việc hình thành nhiều khu đô thị hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh như Vingroup, Phú Mỹ Hưng, Him Lam, Đại Phúc… vẫn còn nhiều dự án chậm hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và tiện ích nên không hút được người dân, thậm chí có những khu dân cư quy mô lên tới hàng chục, hàng trăm hecta nhưng vẫn nhếch nhác. Một trong những nguyên nhân là vướng đền bù giải phóng mặt bằng, dễ dẫn tới khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

“Vì thế, để phát triển các đô thị lớn cần tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng. Từ đó, tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch đồng thời đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối giữa khu vực trung tâm với khu vực ngoài trung tâm để đô thị Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững,” ông Lê Hoàng Châu nêu quan điểm./.

Trần Xuân Tình/TTXVN(Vietnam+)