15/11/2014

Hỗ trợ không quá 3 năm đào tạo Tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ

Liên Bộ Tài chính- Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐThướng dẫn chế độ tài chính thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020”.

Trong quy định về quản lý tài chính đối với phương thức đào tạo toàn thời gian ở trong nước, Thông tư nêu rõ, cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh (NCS) của Đề án 911 được chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo.
NCS của Đề án 911 có trách nhiệm đóng đầy đủ học phí cho cơ sở đào tạo theo định kỳ hàng tháng (tối đa không quá 10 tháng/năm); trường hợp NCS tự nguyện, cơ sở đào tạo có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học.

giaoduc
Trong trường hợp tổ chức theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo thực hiện quy đổi để thu học phí theo tín chỉ nhưng tổng số học phí thu theo tín chỉ của cả khóa học không được vượt quá mức học phí quy định cho khóa học nếu thu theo năm học.
Các cơ sở đào tạo có trách nhiệm thực hiện Quy chế công khai mức thu học phí của cả khóa học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và gửi vào Kho bạc Nhà nước số thu học phí theo quy định.
Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án 911 tính trên số NCS thực tế nhập học trong khuôn khổ chỉ tiêu đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao và mức chi đối với từng chuyên ngành đào tạo.
Cụ thể, đối với nhóm ngành y dược là 16 triệu đồng/NCS/năm; đối với nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, nông, lâm, thủy sản, thể dục thể thao, nghệ thuật là 14 triệu đồng/NCS/năm; đối với nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, khách sạn, du lịch và nhóm ngành khác (nằm ngoài các nhóm ngành trên) là 10 triệu đồng/NCS/năm.
Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 năm/NCS.
Ngoài mức kinh phí nêu trên, để khuyến khích nâng cao chất lượng đào tạo, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm 1 khoản kinh phí tương tự để các cơ sở đào tạo hỗ trợ trực tiếp cho các NCS đang học có kết quả học tập được đăng bài báo khoa học trong nước hoặc quốc tế; đi khảo sát trong nước, thực hành, thí nghiệm phục vụ đề tài nghiên cứu hoặc tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài.

Ngoài nguồn hỗ trợ từ NSNN, các cơ sở đào tạo có thể huy động thêm từ các nguồn đóng góp, huy động hợp pháp khác từ người học, cơ quan cử NCS đi học theo nguyên tắc đồng thuận.
NCS phải có trách nhiệm hoàn thành chương trình đào tạo đã đăng ký và quay trở về cơ sở đào tạo cử đi học sau khi tốt nghiệp để làm thủ tục tiếp nhận lại.
Nếu không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc không chấp hành theo sự phân công của tổ chức, cơ quan cử đi đào tạo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, NCS phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5-11-2013.