22/09/2016

Hình thái không gian ảo trong nội thất cửa hàng thời trang

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – “Ảo giác mang lại những điều kỳ diệu trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật liên quan tới nghệ thuật thị giác (Visual arts) như: Hội họa, kiến trúc, điện ảnh, điêu khắc… hình thành một loại nghệ thuật mới – nghệ thuật ảo giác (Psychedelic Art) thông qua hiệu ứng ảo giác. Cửa hàng thời trang có thuộc tính trưng bày, càng trưng bày đẹp, càng ấn tượng thì càng thu hút khách hàng đến với không gian nội thất, đến với sản phẩm và mục tiêu chính đó là bán được nhiều hàng hóa mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp”.

1

Cửa hàng thời trang Emperor Moth, Moscow, Nga

Trong thiết kế nội thất hiện đại các nhà thiết kế nội thất đã vận dụng một cách tài tính các hình thái của không gian nội thất tạo nên không gian mang nhiều trạng thái khác nhau đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng cũng như thẩm mỹ của con người. Các hình thái không gian đóng, mở, kết cấu, phi kết cấu… hấp dẫn với môi trường sống, làm việc, vui chơi … vô cùng phong phú. Kích thích óc tưởng tượng cũng như tạo lập không gian ấn tượng các nhà thiết kế đưa con người vào một không gian khó lường nhất đó là hình thái không gian ảo (illusion space). Theo tâm lý học “ảo giác (illusion) là tri giác không đúng, phản ánh sai các sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan”. Bộ não bị đánh lừa khi sự vật hiện tượng không mang lại đầy đủ các điều kiện để tri giác, trong trường hợp khác khi có đầy đủ các điều kiện thực tế xác định, nhưng tri giác vẫn không cho ta hình ảnh đúng về sự vật hiện tượng đã gây ra hiện tượng ảo giác. Ảo giác xẩy ra ở tất cả mọi người bình thường và có ở tất cả các loại tri giác: Ảo giác vận động, ảo giác thời gian, ảo giác không gian. Ảo giác có thể xảy ra ở bất kỳ giác quan nào thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, thị giác. Nhưng hứng thú nhất vẫn là ảo giác thị giác (Optical Illusions) hay là ảo ảnh quang học, được nghiên cứu nhiều nhất và hiểu rõ nhất. Ảo giác thị giác xẩy ra ở giác quan thị giác, giác quan được coi là chiếm ưu thế nhất trong năm giác quan của con người.

Cửa hàng giầy Camper, Lyon, Pháp

Cửa hàng giầy Camper, Lyon, Pháp

Ảo giác mang lại những điều kỳ diệu trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật liên quan tới nghệ thuật thị giác (Visual arts) như: Hội họa, kiến trúc, điện ảnh, điêu khắc… hình thành một loại nghệ thuật mới – nghệ thuật ảo giác (Psychedelic Art) thông qua hiệu ứng ảo giác. Cửa hàng thời trang có thuộc tính trưng bày, càng trưng bày đẹp, càng ấn tượng thì càng thu hút khách hàng đến với không gian nội thất, đến với sản phẩm và mục tiêu chính đó là bán được nhiều hàng hóa mang lại lợi nhuận cho các doanh nghiệp.
Bên cách các phương pháp vật lý để sửa đổi các giới hạn không gian, các nhà thiết kế thêm các chi tiết trang trí khiến tri giác bị đánh lạc hướng dẫn tới nhận định sai về kích thước, về chiều hướng, về không gian, không gian được sửa đổi theo đúng dụng ý của nhà thiết kế. Kích thước không gian quá cao nhà thiết kế hạ trần, thêm các chi tiết trần thả hay dùng các đường kẻ ngang trong hình thức trang trí giúp không gian thuận mắt hơn. Đối với không gian quá hẹp thường được thiết kế với tông mầu sáng, do thiếu sự tương phản giữa vật và hình nền ranh giới giữa chúng được xóa nhòa không gian rộng hơn. Một không gian cửa hàng thời trang có thể được mở rộng hơn, sâu hơn, cao hơn, thấp hơn, thu hẹp hơn… sẽ dễ dàng hơn nhờ hạn chế thị giác, mắt ta hiểu sai thực tế do những chi phối bởi các vật thể trang trí khác.
Cảm giác thừa nhận những sắc độ giảm dần, độ to của vật thể giảm dần hay khối lượng giảm là do chiều thứ ba của không gian, áp dụng điều đó các nhà thiết kế đã vẽ thêm vào không gian những đường nét màu sắc làm thay đổi không gian. Thương hiệu giầy Tây Ban Nha – Camper mở một cửa hàng nhỏ tại Lion- Pháp, kiến trúc sư Rianne Makkink và nhà thiết kế Jurgen Bey vẽ thêm các nét màu đỏ trên tất cả các bức tường, sàn nhà và cả trần như bản vẽ thiết kế cầu thang biến không gian cửa hàng nhỏ bé trở nên vô tận. Những hình vẽ trên tường đưa ra một ảo giác về chiều sâu, làm cho không gian tương đối nhỏ có cảm giác lớn hơn nhiều so với thực tế. Các nét vẽ mầu đỏ đơn giản trên sàn acrylic trắng, các bức tưởng – trần trắng đơn giản lại phát huy tối đa tác dụng, nhà thiết kế muốn không gian thật tối giản với ba mầu đen, trắng, đỏ.
Hiệu ứng đặc biệt nhất của hiện tượng ảo giác đó là không hiểu được ý nghĩa về hình ảnh mà mình cần tri giác do sự phản xạ làm biến đổi hình ảnh thật. Các nhà thiết kế đã lắp thêm hệ thống gương trong không gian, không gian chuyển theo hướng thần bí, thâm trầm, dao động, ánh sáng lạ, biến đổi khó lường, tạo ra một không gian có tính siêu hiện thực.

Cửa hàng thời trang Dion Lee, Melbourne, Australia

Cửa hàng thời trang Dion Lee, Melbourne, Australia

Thiết kế với cấu trúc thẳng tắp nổi bật không gian đầy tính gợi mở, trêu chọc, kích thích đó là không gian nội thất của hãng thời trang Dion Lee đặt tại Men – Bơn, Úc. Nhà thiết kế của Kelvin Ho ứng dụng cuộc chơi hình học và phản xạ, trong không gian nhà thiết kế sử dụng rất nhiều tấm gương cỡ lớn tạo ra sự vô hạn của phản xạ, khiến khách hàng như tham gia trò chơi ảo giác với chiều sâu vô tận của không gian. Thông qua thông điệp của ngôn ngữ vật liệu hiện đại tường gạch, sàn bê tông, độ bóng kim loại của chrome, gương và dải ánh sáng của đèn LED, một không gian với chiều sâu vô tận là tiếng thở của một không gian trải nghiệm mới.
Trong không gian công ten nơ (pop up) cửa hàng Zuo Corp tại Vác-sa-va, Ba Lan chỉ vỏn vẹn 27 mét vuông gồm ba chức năng: cửa hàng, kho và phòng thử đồ. Không gian cửa hàng bé nhỏ 4.5 x 4.5 m chiều cao 2.5m, các nhà thiết kế do hai công ty Super Super và Inside / Outside ví nó như “Alice ở sứ sở kỳ diệu”. Các nhà thiết kế nới rộng không gian bằng cách lắp các tấm gương trên các bức tường, sàn nhà được phủ lớp sơn đen. Tất cả các cạnh của bức tường nội thất được làm nổi bật với sọc của đèn LED. Đây là nguồn ánh sáng duy nhất kết hợp với các tấm gương nhấn mạnh ảo giác về không gian vô biên. Không gian với hai mầu đen của sàn, trắng của đèn LED và hệ thống giá càng khiến không gian sâu thăm thẳm để giới thiệu cho người xem đến một thế giới khác khi bước vào bên trong đầy bất ngờ, một sứ sở thần tiên.

Cửa hàng thời trang Zuo Corp, Warsaw, Ba Lan

Cửa hàng thời trang Zuo Corp, Warsaw, Ba Lan

Cửa hàng thời trang Emperor Moth tại Mát-xcơ-va, Nga là một ví dụ tuyệt vời khi nói tới không gian ảo, không gian trong cửa hàng là hội tụ của nhiều cảm xúc của nghệ thuật Nga. Khối hình hình học khỏe khoắn của chủ nghĩa cấu trúc của Nga, đặc biệt mầu sắc sống động như những quả trứng phục sinh hòa quyện hoàn hảo toàn bộ không gian giữa hiện tại và hoài niệm. Sàn nhà lấy cảm hứng từ bầu trời – biển cả – không khí, những chiếc móc treo đồ là con rối Pinocchio… có lẽ cả không gian là một vũ trụ bao la hồi tưởng về các vị hoàng đế Nga. Rất nhiều các tấm gương trên trần tạo phản xạ không gian – ánh sáng va đập liên tục, một không gian ảo trìu tượng. Khi nhìn qua cửa sổ trưng bầy khách hàng sẽ thấy sự hiếu kỳ, không gian sẽ mê hoặc người qua lại và truyền cảm hứng cho họ.
Mặc dù ảo giác bóp méo sự thật nhưng các hiện tượng của ảo giác luôn được chia sẻ truyền cho nhau xem đầy phấn kích như các hiệu ứng quang học, các bức tranh 3D trên đường phố, trong nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh… Không gian ảo trong nội thất cũng vậy, nó hấp dẫn người trải nghiệm trong không gian, kích thích óc sáng tạo của người thiết kế. Với tạo hình không gian này có lúc phải hy sinh tính ứng dụng, mà thiên về tính nghệ thuật với trò chơi thị giác. Không gian ảo thỏa mãn trí tưởng tượng của con người về một thế giới huyền ảo, mộng mơ, hấp dẫn và lôi cuốn, không gian vừa như nghệ thuật sắp đặt với trò chơi của thị giác. Hơn thế là thể hiện không gian siêu hình, siêu thực, giúp con người thoát khỏi xã hội bộn bề đến với trạng thái tâm lý mơ ảo, huyễn hoặc kỳ bí./.

Vũ Thu Hoài
Khoa Trang trí Nội ngoại thất, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 200 – 2016