20/02/2019

Hệ sinh thái nhân văn trong kiến trúc đô thị

Chúng ta đang sống trong sự hào nhoáng mà trống rỗng của các đô thị mất dần bản sắc.

Đô thị thông minh không nên được hiểu đơn giản là đô thị được hỗ trợ bằng các công cụ 4.0 mà cần hiểu là đô thị được điều hành và vận hành bởi những bộ óc thông minh.

Với quan điểm này, vấn đề phần nhiều nằm ở “nhận thức” của những thành phần tham gia vận hành đô thị, bao gồm cả bốn phía: Chính quyền thành phố, nhà đầu tư, nhà chuyên môn và cộng đồng dân cư đô thị. Tương lai của đô thị nằm ngay trong chính quan điểm ứng xử của mỗi thành phần này.

Kiến trúc đô thị TP.HCM là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại

Kiến trúc đô thị TP.HCM là sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại

Chúng ta đang hướng tới một “thành phố đáng sống”, nhưng thực tế lại đang đẩy con người ngày càng xa nhau. Chúng ta đang sống trong sự hào nhoáng mà trống rỗng của các đô thị mất dần bản sắc. Một đô thị ngày càng vắng bóng di sản; một “đô thị sông nước” nhưng lại chưa khai thác được yếu tố mặt nước cho công cộng; một đô thị phát triển dựa nhiều vào sao chép các hình mẫu xa lạ mà không còn tính bản địa, không ứng xử trong điều kiện khí hậu của ta; một đô thị đang tự phủ định dần giá trị của mình; một đô thị không có linh hồn!

Thách thức giữa bảo tồn và phát triển

Người ta đang lo sợ bảo tồn và phát triển là mâu thuẫn, là đối kháng, đó là một cách hiểu chưa đầy đủ, thiếu bản chất. Thực tế từ các trường hợp của những đô thị đang thành công trên thế giới, bảo tồn còn giúp cho phát triển được tốt hơn, bền vững hơn. Đối kháng chỉ xảy ra khi những bên đối kháng không biết kết hợp, hỗ trợ nhau mà chỉ khăng khăng, bảo thủ và cản trở nhau.

Có hai cách nghĩ chưa đúng. Một cho rằng phải giữ bằng được cái cũ, không cho chuyển đổi – kìm hãm phát triển, một số khác hiểu theo nghĩa “phát triển” thì phải “đập đi, xây mới”- làm mất bản sắc đô thị. Trong khi đó, phần còn lại (chủ yếu là cộng đồng dân cư đô thị) thờ ơ với di sản do chủ quan, không chịu tìm hiểu. Mà với thái độ như vậy chắc chắn họ sẽ đứng ngoài cuộc để chờ xem các cuộc bức tử di sản tiếp tục tái diễn, để rồi ngậm ngùi và lãng quên…

Thành phố có bản sắc mới là thành phố hấp dẫn nhà đầu tư. Thực tế cho thấy, các đô thị cổ trên thế giới làm bảo tồn không phải vì họ nhiều tiền nên mới dám nghĩ đến nghệ thuật, mới “chịu chơi”, mà họ bảo tồn vì họ là những người có tư duy tài chính quá tốt. Họ biết cách chăm sóc di sản chính vì bản thân họ. Phải hiểu di sản chính là quà tặng của quá khứ cho nền kinh tế đô thị hôm nay. Có một nghiên cứu chỉ ra rằng: có tới hơn 70% các khu phố lân cận, áp sát khu vực di sản, lịch sửa có giá trị bất động sản cao hơn hẳn các khu vực khác.

Làm thế nào để giữ cân bằng giữa bảo tồn và phát triển?

Thứ nhất, phải khẳng định một lần nữa ba giá trị của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh là đô thị có hình thái tự nhiên – đô thị sông nước; đô thị của sự đa dạng văn hóa và đô thị có cấu trúc kiểu đô thị phương Tây. Chúng ta cần làm đặc sắc thêm ba yếu tố trên, cần bảo tồn và phát huy các di sản của người Pháp, người Hoa, làm nổi bật yếu tố sông nước… Đấy mới là mô hình phù hợp và bền vững cho đô thị này.

Hình thái tự nhiên – đô thị sông nước: Hệ thống kênh rạch và sông nước của Sài Gòn – Chợ Lớn chiếm giữ một vị trí đặc biệt, nó cũng chính là yếu tố đã định hướng cho những phát triển có tính hình thái học của thành phố. Thiên nhiên nơi đây vốn tạo cho mảnh đất này một hệ thống kênh rạch và sông nước khá chằng chịt và cái mà người ta có thể làm được khi khởi đầu cũng như khi phát triển đó là nương theo hình thể đã được thiên nhiên “vẽ” ra từ trước… Trong phát triển hôm nay và tương lai, nếu chúng ta biết đề cao giá trị này, khai thác các cảnh quan mặt nước.

Đô thị của sự đa dạng văn hóa: Trải qua hàng trăm năm biến động thăng trầm của lịch sử, có rất nhiều luồng văn hóa hội tụ tại Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh khiến thành phố này có một bộ mặt văn hoá đa dạng và nhiều sắc thái. Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, “vùng đất lành chim đậu” là nơi hội thụ dân cư của cả nước và nhiều sắc dân trên thế giới đã tiếp nhận, chắt lọc, hấp thụ tinh hoa văn hoá nhân loại từ Đông sang Tây. Tất cả những dòng chảy văn hoá đó đã hoà nhập cùng nhau, bổ túc cho nhau tạo nên hiện tượng “Mái nhà chung văn hoá” với những đường nét mang tính toàn cầu: Việt – Hoa – Anh – Ấn – Nga – Hàn – Mỹ – Pháp – Nhật… Đây là nét độc đáo có một không hai của thành phố năng động, sầm uất này.

Hình thái nhân tạo – đô thị kiểu phương Tây thể hiện cả trong quy hoạch, cả trong phong cách kiến trúc.

Quy hoạch kiểu Phương Tây: Các đường phố liên kết với nhau trong mạng lưới ô vuông; lưới ô vuông đó lại song song với các cạnh của Thành Qui & Phụng, theo hướng Đông Bắc – Tây Nam và Tây Bắc – Đông Nam. Cấu trúc đường phố theo hình ô cờ.

Kiến trúc ảnh hưởng kiểu phương Tây: Những công trình kiến trúc theo phong cách cổ điển và hiện đại phương Tây đóng vai trò rất đáng kể trong việc tạo nên một hệ thống di sản kiến trúc đặc sắc ở Sài Gòn – Chợ Lớn cả về số lượng và chất lượng. Đó là một tất yếu lịch sử và có lợi cho việc phát triển kiến trúc ở Sài Gòn – Chợ Lớn nói riêng, ở Việt Nam nói chung.

Kiến trúc phong cách Đông Dương: Một đặc trưng thường thấy trong kiến trúc các xứ thuộc địa là sự thiếu rõ ràng về phong cách nếu xét theo quan điểm chính thống. Rất nhiều công trình xây dựng tại Sài Gòn – Chợ Lớn không theo một phong cách kiến trúc chủ đạo nào mà là một sự hội tụ của nhiều phong cách kiến trúc đa dạng từ Đông sang Tây. Kiến trúc Phong cách Đông Dương là một ví dụ quan trọng nhất cho những biểu hiện đặc sắc này.

Kiến trúc Hiện đại Nhiệt đới hóa: Xuất hiện trong giai đoạn 1960 – 1975, là một trong những xu hướng kiến trúc có phong thái chững chạc nhất và đã góp phần tạo nên một diện mạo đặc trưng cho các đô thị miền Nam Việt Nam mà sau 1975 được mệnh danh là “Kiến trúc Sài Gòn” với chất liệu bê tông cốt thép, tường tô đá rửa, hệ lam che nắng đa dạng nhưng chân thực và hiệu quả. Bài học kinh nghiệm quan trọng nhất của kiến trúc giai đoạn này vẫn còn ý nghĩa to lớn bởi sự “nhiệt đới hóa” – một cách thức “bản địa hóa” theo cách diễn đạt thời nay.

Thứ hai, đô thị phải được phát triển cân bằng và hài hòa. Hài hòa giữa con người – môi trường tự nhiên – môi trường kiến trúc, tất cả trong một hệ sinh thái nhân văn, vì con người. Hài hòa giữa các giá trị nhân văn – giá trị lịch sử – giá trị nơi chốn, tất cả tạo thành bản sắc riêng không trộn lẫn của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh

Tính nhân văn: Thông thường dự án kiến trúc hay được thực hiện cho người giàu, khi làm xong nó ít đóng góp được cho cộng đồng xung quanh. Chúng ta cần thực hiện các thiết kê dành cho cả cộng đồng, giúp cộng đồng thay đổi nhận thức.

Tính lịch sử: Các công trình cũ là di sản sẽ được bảo tồn, những những công trình cận di sản thường bị bỏ quên cho đến khi bị xuống cấp hoàn toàn thì thay mới. Nhưng bản thân nó là lịch sử, nó có giá trị lịch sử vì trong nó ẩn chưa bao nét đẹp văn hóa của ngưới dân đô thị xưa. Hiện nay, đâu đó trong thành phố vẫn có những kiến trúc sư, những nhà thiết kế đang trân trọng giữ gìn bản sắc và từng bước làm sống dậy các không gian xưa cũ trong đô thị.

Thứ ba, lựa chọn các bài học phù hợp để áp dụng. Chọn mô hình nào để áp dụng cho thành phố 320 năm tuổi? Khi hiểu rõ 3 giá trị tạo nên bản sắc của thành phố, ta sẽ không sao chép mô hình nào mà tự đề xuất mô hình phù hợp với đặc thù của đô thị này, nhưng mô hình phù hợp nhất vẫn là giữ gìn giá trị và bản sắc đô thị vì mất bản sắc sẽ kèm theo sự suy yếu về kinh tế và văn hóa đô thị. Giữ di sản và phát triển nó thành giá trị mới trong cuộc sống đương đại hôm nay, là tiền đề để tạo hệ sinh thái nhân văn trong kiến trúc đô thị.

TS. Nguyễn Hạnh Nguyên (Trưởng Bộ môn lý luận và Lịch sử, Khoa Kiến túc Nội thất, Đại học Kiến trúc TP.HCM)/THELEADER.VN