08/06/2015

Hệ lụy từ những dự án resort bỏ hoang ven biển

Được cấp phép xây dựng nhiều năm trước, nhưng đến nay hàng loạt dự án resort, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp có số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng ở ven biển các huyện Phú Vang và Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế) vẫn trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai và để lại nhiều hệ lụy khiến người dân bức xúc…

Năm 2009, vịnh Lăng Cô (Phú Lộc) được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays Club) bình chọn là vịnh đẹp thế giới. Có thể nói, chính cảnh quan danh lam thắng cảnh này đã thu hút nhiều dự án xây dựng các khu resort, du lịch, nghỉ dưỡng đến với thị trấn Lăng Cô. Tuy nhiên, thực tế chỉ có một số dự án lớn được triển khai, còn lại nhiều dự án khác vẫn đang trong tình trạng… bỏ hoang.

Công trình khu đô thị, nghỉ dưỡng Vincostec-Huế ở xã biển Thuận An xây dựng lên rồi bỏ phế suốt nhiều năm qua

Công trình khu đô thị, nghỉ dưỡng Vincostec-Huế ở xã biển Thuận An xây dựng lên rồi bỏ phế suốt nhiều năm qua

Ví dụ như, dự án khu du lịch xanh Lăng Cô. Năm 2004, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cấp phép cho Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam làm chủ đầu tư dự án trên khu đất rộng 6,3ha; ước tính tổng kinh phí xây dựng gần 170 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án này đã bỏ hoang hơn 10 năm qua. Trong khi đó, dự án lại được cấp đất ở vị trí “đắc địa” khi nằm cạnh QL1A và gần bãi biển Lăng Cô.

Điều đáng nói, tại các cuộc họp cử tri, người dân đã có nhiều phản ánh khi đất dự án được cấp chồng lấn lên Nghĩa trang liệt sĩ của thị trấn. “Khi chúng tôi phản ánh vấn đề này, phía nhà đầu tư có chuyển cho thị trấn 200 triệu đồng nói là tiền đền bù xây dựng lại nghĩa trang mới, nhưng chúng tôi không đồng ý, buộc nhà đầu tư phải quy hoạch, xây dựng sang chỗ khác. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa thực hiện khiến bà con ở đây rất bức xúc”, ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Hồng, cán bộ địa chính thị trấn Lăng Cô xác định, hiện ở thị trấn Lăng Cô có gần 10 dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép nhưng bị “treo” suốt nhiều năm trời. Ngoài dự án khu du lịch xanh kể trên, ven biển Lăng Cô còn có 5 dự án khác của các công ty, như Đất Việt, Gia Minh Conic, Thương mại Việt… đang bỏ hoang, gây lãng phí đất đai.

Tương tự, xã Phú Thuận (Phú Vang) vừa giáp biển và giáp phá Tam Giang nên nhiều năm về trước được các chủ doanh nghiệp lựa chọn đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp; trong đó có dự án khu đô thị, nghỉ dưỡng Vincostec-Huế của Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam. Năm 2008, dự án này được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp phép trên diện tích 70ha, tổng kinh phí thực hiện 600 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 6-2011 hoàn thành.

Tuy nhiên đến nay, dự án chỉ mới tiến hành giải phóng mặt bằng, hoàn thiện một phần hạ tầng kỹ thuật ven phá và đường giao thông ven biển, với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng; xây dựng 10 hạng mục công trình với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Trong quá trình xây dựng, vì thiếu vốn nên các biệt thự đang xây dựng dang dở của dự án bị bỏ phế suốt hơn 5 năm qua.

Một dự án khác là khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ tắm biển Thuận An do Công ty TNHH Mạc Lê được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp phép năm 2012, mức đầu tư dự toán gần 300 tỷ đồng, nhưng đến nay dự án vẫn còn… trên giấy.

Ông Nguyễn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho hay: “Mới đây, xã đã làm văn bản kiến nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế sớm có phương án giải quyết đối với các dự án bỏ hoang; bởi lẽ, ngoài vấn đề lãng phí tài nguyên đất thì các dự án dọc bờ biển đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân…”.

Trước thực trạng nhiều dự án xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort trên địa bàn không được triển khai xây dựng, mới đây chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế đã ra quyết định thu hồi 8 dự án “treo” thuộc Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, gồm: Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô; khu du lịch bến thuyền và CLB thể thao dưới nước Lăng Cô; khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An; khu đô thị Việt Long- Chân Mây… (A.Khoa)

Theo CAND