26/12/2016

Hải Phòng tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung

Ngày 23/12, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND TP Hải Phòng, Sở Xây dựng TP Hải Phòng và Cty Thanh Phúc đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung tại Hải Phòng”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường sản xuất và sản xuất gạch không nung (GKN) tại Việt Nam, nhằm giới thiệu kết quả thực hiện dự án trình diễn sản xuất GKN và công nghệ chế tạo máy sản xuất GKN.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng ông Nguyễn Xuân Bình,…


Quy trình sản xuất gạch không nung tại Hải Phòng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết: Dự án sử dụng và sản xuất GKN tại Việt Nam có mục tiêu tổng quát là giảm lượng phát thải khí nhà kính hàng năm. Mục tiêu của dự án phù hợp với Quỹ Môi trường chiến lược toàn cầu về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển của Việt Nam về an ninh năng lượng. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ giúp bảo vệ môi trường sống.

Dự án Tăng cường sản xuất và sản xuất GKN tại Việt Nam được triển khai từ năm 2015 và đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, dự án đã phối hợp với Bộ Xây dựng khảo sát, điều tra, đánh giá cơ chế chính sách về phát triển GKN, trên cơ sở đó xây dựng dự thảo, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách loại vật liệu an toàn với môi trường trong thời gian tới.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo.

Với sự hỗ trợ của dự án, Bộ Xây dựng đã soạn thảo, sửa đổi Nghị định 124 về quản lý vật liệu xây dựng và được Chính phủ ban hành Nghị định 24a sửa đổi ngày 22/4/2016.

Dự án cũng đã xây dựng các chương trình đào tạo về công nghệ sản xuất và sử dụng GKN trong các năm 2016 và 2017. Riêng trong năm 2016, dự án đã thực hiện đào tạo được 350 học viên đến từ 24 tỉnh, TP trên cả nước.

Dự án cũng đã lựa chọn thực hiện thành công 3 dự án trình diễn sản xuất GKN bằng công nghệ rung ép tại tỉnh Thái Nguyên, TP Đà Nẵng và TP Hải Phòng. Sản phẩm GKN của các dự án trình diễn đã được sử dụng rộng rãi tại các công trình.

Để đạt được mục tiêu phát triển Chương trình vật liệu xây không nung 567 của Chính phủ là tăng thị phần của vật liệu không nung lên 40% đến năm 2020, cả nước cần đầu tư mới khoảng 200-250 dây chuyền thiết bị GKN. Trong khi đó, hiện nay, các nhà chế tạo thiết bị GKN trong nước đang chiếm một thị phần nhỏ trong việc cung cấp thiết bị GKN. Vì vậy, việc hỗ trợ các nhà chế tạo trong nước vươn lên sản xuất được nhiều thiết bị tiên tiến và hiện đại là một chính sách được chính phủ quan tâm và khuyến khích.

Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của Bộ Xây dựng, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam và Sở Xây dựng TP Hải Phòng, Ban quản lý dự án Tăng cường sản xuất và sản xuất GKN tại Việt Nam đã thực hiện dự án trình diễn tại Cty Thanh Phúc nhằm mục tiêu quảng bá công nghê sản xuất GKN với dây chuyền thiết bị do chính Cty Thanh Phúc chế tạo.


Toàn cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trình bày các báo cáo về kết quả triển khai Chương trình 567; hoàn thiện chính sách thúc đẩy sản xuất và sử dụng GKN; tình hình sản xuất sử dụng vật liệu xây và kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) trên địa bàn TP Hải Phòng; giới thiệu các dự án trình diễn công nghệ sản xuất GKN và công nghệ chế tạo máy sản xuất GKN; Ứng dụng VLXKN trong xây dựng – Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu.

Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), ông Nguyễn Đình Hậu cho biết thêm: “Hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức xây dựng tài liệu hướng dẫn các quy trình trong quá trình sản xuất VLXKN cũng như đang phối hợp với Bộ Xây dựng để rà soát toàn bộ hệ thống về VLXKN. Hy vọng trong thời gian tới, dự án này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các Bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, doanh nghiệp để cùng có sự nghiên cứu, tạo ra các vật liệu mới tiên tiến”.

Ông Nguyễn Đình Hậu cũng hy vọng các nhà đầu tư cũng như các nhà xây dựng sẽ đồng hành cùng với nhau để có chung tiếng nói và khẳng định được rằng GKN đúng chất lượng hoàn toàn có đủ điều kiện để ứng dụng trong xây dựng các công trình lớn của đất nước.

Hà Đào/Báo Xây dựng