14/05/2019

Hà Nội xén công viên làm bãi đỗ xe: Lợi cho ai?

Bãi đỗ xe để phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm của người giàu thì sao có thể nói làm bãi đỗ xe vì người dân được?

Hàng trăm hộ dân khu đô thị mới Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng cư dân các tòa nhà quanh công viên Cầu Giấy đồng loạt treo băng rôn đỏ phản đối chủ trương lấy đất công viên Cầu Giấy làm trung tâm thương mại, tiệc cưới kiêm bãi đỗ xe ngầm. UBND phường Dịch Vọng phải tổ chức đối thoại. Trong số 22 đại diện cư dân phát biểu có tới 21 ý kiến phản đối và kiên quyết yêu cầu quận phải rút lại chủ trương, không lấy đất công viên giao cho nhà đầu tư. Trong suốt hơn 3 giờ đối thoại, lãnh đạo quận phải hứa sẽ giải quyết vụ việc trong tuần tới đồng thời có báo cáo lên cấp cao hơn.

Một góc công viên Cầu Giấy. Ảnh: Dân trí

Một góc công viên Cầu Giấy. Ảnh: Dân trí

Không chỉ có Công viên Cầu Giấy, Hà Nội cũng đã có chủ trương làm bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Thống Nhất, Công viên Thủ Lệ. Điều này khiến các chuyên gia lo lắng.

Vì sao người dân bức xúc?

Đặt câu hỏi vì sao dư luận lại bức xúc như vậy, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng, đó là do chủ trương chưa thống nhất, quy hoạch có vấn đề, chính sách nhập nhèm, không vì lợi ích chung.

Theo ông Kiêm, dường như đang có một trào lưu lấy đất công viên giao đất cho nhà đầu tư để làm bãi đỗ xe ngầm, xây trung tâm thương mại, khai thác các dịch vụ kinh doanh. Hiện tượng trên là do cả chính quyền địa phương và nhà đầu tư đều muốn tận dụng không gian sạch, đền bù ít, đầu tư thấp nhưng lợi nhuận thu về thì rất lớn.

Chính do tâm lý này nên có cứ có đất trống, đất công viên là các nhà đầu tư lại nhăm nhe muốn nhảy vào. Đây là vấn đề cần phải xem xét lại.

“Người dân không phản đối chủ trương làm bãi đỗ xe ngầm nhưng tính toán trong tổng thể quy hoạch chung, phải phù hợp với môi trường, điều kiện sống và phải hướng tới lợi ích lâu dài, lợi ích chung.

Họ phản đối vì cách làm khuất tất, nhập nhèm, vì không gian xanh bị chiếm dụng giao cho tư nhân, đất công biến thành sở hữu tư nhân, hàng quán mọc lên, công viên bị cho thuê, kinh doanh lộm nhộm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới không gian sống, tới môi trường của người dân quanh khu vực công viên”, ông Kiêm nói.

Phân tích cụ thể hơn về dự án Công viên Cầu Giấy, ông Kiêm chỉ rõ, sự bức xúc, phản đối của người dân còn liên quan tới tính công khai, minh bạch về mặt chủ trương của chính quyền địa phương.

Cụ thể, theo người dân phản ánh xung quanh khu vực công viên Cầu Giấy có 3 khu đất quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe đang bỏ hoang, chưa được triển khai. Đó là khu đất đối diện, cách cổng chính Công viên Cầu Giấy 50 m, sau tòa nhà N04B1; khu đất thuộc ô đất D6 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, cách Công viên Cầu Giấy 200 m; khu đất nằm đối diện dãy biệt thự N10, cách Công viên Cầu Giấy 100 m. Vì vậy, cần xem xét tính hợp lý về đề xuất của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Tây Hồ. Vậy lý do gì quận lại cứ muốn lấy đất công viên để giao cho nhà đầu tư? Nên nhớ, các tòa nhà xung quanh dự án trên đều đã có bãi xe dưới tầng hầm để phục vụ cư dân theo quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, mật độ xây dựng, cơ sở hạ tầng khu vực xung quanh dự án tại quận Cầu Giấy hiện cũng không phải thấp.Nếu làm thêm bãi đỗ xe, trung tâm thương mại ngầm rất có thể sẽ gia tăng thêm mật độ phương tiện đi lại, tạo áp lực cho hạ tầng giao thông khu vực này. Như vậy, bãi đỗ xe thay vì phục vụ người dân quanh khu vực Cầu Giấy lại trở thành nơi phục vụ người dân tới vui chơi, mua sắm tại trung tâm thương mại.

“Người dân sẽ đặt câu hỏi, chủ trương làm bãi đỗ xe ngầm thực chất đang vì lợi ích của ai? Chủ trương vì người dân hay để phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm của người giới nhà giàu?

Bên cạnh đó, họ cũng sẽ hỏi, chủ trương trên có khuất tất, có tiêu cực gì không? Vì sao một nhà đầu tư đi đến đâu cũng bị phản đối nhưng lại được chào đón ở công viên Cầu Giấy?”, ông Kiêm đặt câu hỏi.

Phải giữ nguyên hiện trạng

Một vấn đề nữa cũng được vị chuyên gia đề cập đó là chủ trương tăng không gian xanh đang được Hà Nội phát động. Theo đó, nếu làm bãi đỗ xe trong công viên rất có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới không gian tĩnh, đi ngược với chủ trương chung của thành phố.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, về nguyên tắc khi xây dựng, khai thác các công trình ngầm trong công viên, không gian cây xanh trên mặt đất phải được giữ nguyên. Tuy nhiên, theo nhiều bài học thực tế, sau khi các dự án ngầm được hoàn thành, không gian tĩnh bên trên cũng bị chiếm dụng hoặc bị biến đổi, phá nát quy hoạch chung của Thủ đô, gây ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, tạo bức xúc cho người dân.

“Hầu hết không gian xanh trên mặt đất tại các công trình ngầm đều không còn được giữ nguyên vẹn, cây xanh bị chặt bỏ, thay thế bằng những cây nhỏ, ít bóng mát. Như vậy rất không ổn.

Công viên không những là không gian tĩnh, mà còn là lá phổi để điều tiết khí hậu môi trường, cung cấp hàm lượng oxy cho khu vực và tổng thể đô thị. Vì thế, lấy đất công viên để làm các công trình ngầm phải tính toán rất thận trọng, không nên vội vàng quyết định.

Trong trường hợp người dân không đồng tình thì chính quyền địa phương phải lắng nghe, phải tôn trọng quyết định, lợi ích của người dân. Trong trường hợp chính quyền địa phương kiên quyết thực hiện dự án mà bỏ qua lợi ích của người dân thì chính quyền địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước người dân và xã hội”, ông Kiêm cảnh báo.

Lam Nguyễn/Báo Đất Việt