06/07/2018

Hà Nội trả lời chất vấn về quản lý nhà chung cư

Sáng ngày 6/7, tại kỳ họp thứ 6 của HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu đã chất vấn lãnh đạo Sở Xây Dựng và lãnh đạo các quận huyện về vấn đề quản lý chung cư với nhiều bất cập đang tồn tại.  

Việc quản lý nhà chung cư hiện còn nhiều bất cập. Ảnh: Internet

Chưa thống nhất về thu phí quản lý chung cư

Đại biểu Đoàn Việt Cường, huyện Mê Linh đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Xây dựng, tính đến hết năm 2017, trên địa bàn thành phố còn 270/688 chung cư thương mại chưa thành lập Ban quản trị, 131 chung cư chưa bàn giao hồ sơ, thành lập Ban quản trị, 235 chung cư chưa bàn giao quỹ bảo trì, gây nhiều bức xúc cho cư dân. “Đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng đưa ý kiến, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm quản lý nhà nước của sở, giải pháp và lộ trình để thực hiện là gì?”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đoàn Việt Cường, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho rằng, việc này thuộc về trách nhiệm của UBND quận, huyện. Còn Sở Xây dựng chịu trách nhiệm yêu cầu các chủ đầu tư bàn giao đầy đủ hồ sơ.

Đại biểu Trần Việt Anh, quận Ba Đình đặt câu hỏi cho Sở Xây dựng và Sở Tài chính về việc áp dụng mức thu phí vận hành chung cư, tái định cư giữa một số đơn vị của TP hiện nay rất khác nhau. Có nơi thu từ 2.300 – 4.500 đồng/m2; có nơi chỉ thu 30.000 đồng/nhà/tháng. Tại sao có mức thu khác nhau này và giải pháp cho vấn đề này thế nào.

Về vấn đề đại biểu Trịnh Việt Anh nêu, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Dục cho biết, hiện 2 công ty vận hành thu phí ở mức 30 nghìn đồng trong suốt 20 năm nay. Với chi phí nêu trên không đảm bảo nên phải dùng kinh phí khác. “Sở Xây dựng sẽ tiếp thu và sửa đổi một số điều chưa họp lý mà đại biểu nêu. Bên cạnh đó, trong Thông tư mới nhất, Sở Xây dựng cũng đề nghị Bộ Xây dựng hỗ trợ một phần kinh phí bảo trì từ nguồn thu được trong việc cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư tái định cư”, ông Dục nói.

Với những tòa chung cư không có quỹ bảo trì, Giám đốc Lê Văn Dục cho hay, buộc người dân phải đóng góp để có kinh phí duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng, không có giải pháp nào khác.

Bức xúc việc lập ban quản trị chung cư

Về câu hỏi nhiều nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị (BQT) xảy ra mâu thuẫn giữa Ban quản trị và cư dân, ví dụ như tại Victoria ở Hà Đông. Vậy trách nhiệm của quận ở việc kiểm tra, giám sát thế nào.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng cho hay, toàn quận Hà Đông có 70 toà nhà, cụm chung cư đã đi vào hoạt động; đã thành lập được 59 BQT, trong quý III sẽ thành lập tiếp BQT của 4 toà nhà nữa.

Trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư xảy ra khá nhiều mâu thuẫn, vướng mắc giữa chủ đầu tư với BQT, giữa BQT với người dân. Đặc biệt là trường hợp của chung cư Victoria, khu đô thị Văn Phú invest, chủ đầu tư đã bàn giao 100% quỹ bảo trì cho BQT. Tuy nhiên, cư dân cho rằng BQT không minh bạch trong quản lý tài chính; năng lực quản lý yếu kém. Do vậy, người dân đã tập hợp 775 chữ ký vào đơn kiến nghị thay thế BQT.

Ông Phụng thông tin thêm, UBND quận đã chỉ đạo phường và các phòng ban liên quan có 5 buổi làm việc với BQT và cư dân nhưng chưa giải quyết được vấn đề.

Về câu hỏi hiện nay trên địa bàn một số quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Cầu Giấy… còn nhiều nhà chung cư thuơng mại chưa thành lập được ban quản trị, chậm bàn giao hồ sơ, quỹ bảo trì 2…

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, trên địa bàn quận có 123 chung cư cao tầng đã thành lập 89 BQT, còn lại 31 chung cư chưa có BQT, trong đó có 13 ban quan trị của các chung cư thương mại, 18 ban quản trị của các chung cư tái định cư. Các chung cư chưa thành lập được BQT là do các chủ đầu tư vẫn đang trì hoãn. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà tái định cư không có quỹ bảo trì, đảm bảo tài chính duy tu nên cư dân không muốn thành lập BQT. Trong thời gian tới, quận sẽ phối hợp với các đơn vị để thành lập BQT.

Nhiều công trình chây ỳ khắc phục phòng cháy chữa cháy

Theo báo cáo của HĐND TP. Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố hiện có 688 chung cư thương mại (152.085 căn hộ) đã đưa vào sử dụng, nằm trên địa bàn 11 quận, 5 huyện. Hà Nội cũng có 168 tòa nhà tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng số 16.905 căn hộ.

Thời điểm giám sát, HĐND TP. Hà Nội phát hiện trên địa bàn thành phố vẫn còn 168 tòa chung cư thương mại và nhà cao tầng không đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC. Đặc biệt, trong đó có hàng loạt khách sạn, tòa nhà văn phòng ở trong các quận nội thành cũng lọt vào danh sách này.

Qua giám sát, HĐND TP đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thường xuyên kiểm tra, phát hiện kịp thời các vi phạm tại các tòa nhà chung cư; kiểm tra, xử lý kịp thời các chủ đầu tư vi phạm chưa hoàn thành nghiệm thu công trình đã đưa người dân vào ở trái quy định của pháp luật.

Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về vấn đề an toàn PCCC tại các nhà chung cư, Giám đốc Cảnh sát PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội cho biết, trong số 79 công trình nhà chung cư vi phạm về an toàn PCCC đã đưa dân vào ở, hiện còn có 24 công trình chưa khắc phục xong, đặc biệt có 5 công trình chây ỳ không chịu khắc phục…

Thiếu tướng Định cũng thông tin, hiện có 7 công trình dù chủ đầu tư có ý thức tìm giải pháp nhưng liên quan đến nhiều vấn đề thay đổi mục đích, công năng sử dụng, kết cấu xây dựng nên phải báo cáo cấp có thẩm quyền.

Về 168 chung cư tái định cư, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết chất lượng công trình nói chung là thấp và tồn tại nhiều hạn chế, bất cập trong công tác PCCC. Hiện TP đã giao các cơ quan liên quan khảo sát các hạng mục vi phạm để tìm giải pháp xử lý.

Báo Hải Quan