22/10/2018

Hà Nội thay áo mới cho 79 tuyến phố cổ

UBND quận Hoàn Kiếm đang hoàn thiện đồ án chỉnh trang, thiết kế lại các tuyến phố trong phố cổ, sẽ có 79 tuyến phố và 83 ô phố trong phố cổ Hà Nội được tiến hành chỉnh trang thiết kế lại để phù hợp với công năng sử dụng và tạo thêm không gian công cộng.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long cho biết, Khu phố cổ hiện được khoanh vùng lại trên diện tích 105 ha, bao gồm địa giới hành chính của 10 phường (Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Lý Thái Tổ) thuộc quận Hoàn Kiếm.

Khu vực Phố cổ Hà Nội sẽ được chỉnh trang lại (Ảnh: Internet)

Khu vực Phố cổ Hà Nội sẽ được chỉnh trang lại (Ảnh: Internet)

Trên cơ sở Quyết định số 6398/2013/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội ban hành quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ được xác định: phía Bắc giáp phố Phan Đình Phùng và Hàng Đậu, phía Đông giáp phố Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải, phía Tây giáp phố Phùng Hưng; phía Nam giáp các phố Hàng Thùng, Cầu Gỗ, Hàng Gai, Hàng Bông.

Bên cạnh đó, có 2 khu vực liền kề và hỗ trợ chức năng, gồm: Khu vực liền kề có diện tích 7,2ha tính ranh giới từ trong khu Phố Cổ đến hết thửa đất lớp ngoài của các tuyến đường bao quanh khu Phố Cổ; Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng đô thị bao gồm 2 phường ngoài đê là Phúc Tân và Chương Dương.

Theo đồ án quận Hoàn Kiếm đang hoàn thiện, 79 tuyến phố và 83 ô phố trong phố cổ Hà Nội sẽ được tiến hành chỉnh trang thiết kế lại. Về thiết kế kiến trúc các công trình tiêu biểu trong phố cổ sẽ được thực hiện theo 5 loại hình: kiến trúc Việt Nam truyền thống, kiến trúc phong cách Trung Hoa, kiến trúc theo kiểu Địa Trung Hải châu Âu, kiến trúc theo phong cách Anpo châu Âu và Kiến trúc theo phong cách Art-Deco châu Âu.

Quá trình chỉnh trang, thiết kế lại kiến trúc phố cổ sẽ được phân ra làm 2 khu vực bảo tồn, cải tạo nâng cấp (tôn tạo cấp I trong khu vực lõi và tôn tạo cấp II ở các tuyến phố liền kề khu vực lõi). Trong khu vực lõi sẽ không xây dựng tầng hầm để không làm ảnh hưởng đến di tích và các công trình có giá trị. Mở rộng không gian cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất các sản phẩm truyền thống và không gian cho các hoạt động văn hóa, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, tạo điều kiện cho việc khai thác các hoạt động dịch vụ – du lịch, đáp ứng nhu cầu sống và kinh doanh của người dân tại khu vực.

Tại khu vực lõi sẽ khuyến khích người dân hình thành phố chuyên doanh các sản phẩm truyền thống. Đối với các khu vực liền kề cho phép xây dựng các công trình công cộng đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng. Đồng thời, bổ sung, hỗ trợ các chức năng đầu mối giao thông, điểm giao thông tĩnh, khai thác không gian ngầm công cộng trong các khu vực giao thông cơ giới. Các tuyến phố cũng được bổ sung thêm các tiện nghi, tiện ích công cộng và hệ thống cây xanh.

Hàng năm, TP. Hà Nội đón khoảng 5 – 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó có trên 70% tập trung tại khu phố cổ và trong số khoảng 15 – 16 triệu lượt khách trong nước, phần lớn du khách cũng đến phố cổ để tham quan, mua sắm. Xuất phát từ lợi thế về du lịch, những năm qua, hoạt động thương mại – dịch vụ giữ vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của quận Hoàn Kiếm.

Thanh Nga/Đầu tư Bất động sản