26/06/2018

Hà Nội thành lập Hội đồng thẩm định sau khi thống kê sai sót 148 biệt thự cũ

UBND Thành phố Hà Nội vừa tiếp tục quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá và phân loại biệt thự cũ thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954.

Ngôi nhà số 8 Tăng Bạt Hổ được xây từ năm 1920/Ảnh: VnExpress

Ngôi nhà số 8 Tăng Bạt Hổ được xây từ năm 1920/Ảnh: VnExpress

Theo đó, Hội đồng thẩm định của Thành phố có tới 17 cá nhân đại diện cho các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn. Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội sẽ làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.

Trước đó, đầu năm 2017 UBND TP Hà Nội cũng đã có Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định thành phố thực hiện việc rà soát, điều chỉnh danh mục biệt thự cũ. Đồng thời cũng phân công ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng này.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 5 HĐND của Thành phố Hà Nội (diễn ra vào tháng 7/2017), với 95/95 đại biểu  HĐND TP tán thành, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh danh mục biệt thự ban hành kèm theo Nghị quyết số 18, ngày 10/12/2008 và Nghị quyết số 24, ngày 4/12/2013 của HĐND TP Trong đó thống nhất rút 148 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý do sai sót thống kê.

Cụ thể, với danh mục 970 biệt thự trong Nghị quyết số 18 UBND TP đã đề nghị: đưa 20 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình nhà ở có kiến trúc; đưa 2 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là nhà phố; đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục vì thống kê hai lần; điều chỉnh 22 biệt thự thành 29 biệt thự (tăng 7 biệt thự do trước đây có 2 biệt thự song lập riêng biệt nhưng lại ghép vào một số nhà); điều chỉnh địa chỉ của 51 biệt thự; xác định 123 biệt thự đã phá dỡ và hiện là đất trống hoặc đã cải tạo xây dựng lại thành nhà cao tầng…

Tuy nhiên, trong báo cáo bổ sung sau thẩm tra, UBND TP Hà Nội tiếp tục đề nghị HĐND TP đưa 24 biệt thự chưa có hồ sơ chứng minh đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép phá dỡ, chấp thuận dự án hoặc cấp phép xây dựng ra khỏi danh mục biệt thự trong Nghị quyết số 18 và quản lý theo quy hoạch với các biệt thự không có giấy phép xây dựng và các ô đất trống sau khi biệt thự bị phá.

Như vậy, danh mục biệt thự kèm theo Nghị quyết 18 sau khi điều chỉnh là 829 biệt thự.

Với danh mục 225 biệt thự tại Nghị quyết số 24, UBND TP đề xuất đưa 3 biệt thự ra khỏi danh mục và xác định là công trình nhà ở có kiến trúc; điều chỉnh từ 9 biệt thự còn 5 do trước đây một biệt thự mang hai biển số nhà đã thống kê thành 2 biệt thự; điều chỉnh địa chỉ của 11 biệt thự. Sau khi điều chỉnh, danh mục này còn lại 218 biệt thự.

Như vậy, tổng số biệt thự được rút ra khỏi 2 danh mục Nghị quyết 18 và Nghị quyết 24 là 148 biệt thự.

Theo Ban Đô thị Hà Nội lý do phải điều chỉnh 2 danh mục biệt thự trên là qua rà soát cơ quan này đã phát hiện nhiều sai sót như: quá trình tổng hợp ban đầu danh mục đưa vào Đề án quản lý có nhiều trường hợp nhầm địa chỉ (do đường phố cải tạo lại, do nằm ở các góc phố hoặc thông nhau ở hai phố); là nhà phố, công trình có giá trị kiến trúc khác không phải là biệt thự; hay việc để sót biệt thự nằm trong các khuôn viên rộng.

Bên cạnh đó, trong công tác quản lý cơ quan chức năng để xảy ra nhiều sai phạm, buông lỏng dẫn đến biệt thự bị phá dỡ, xây dựng mới; thậm chí rất nhiều biệt thự được chính quyền cấp phép phá dỡ xây dựng mới không báo cáo lại Chính phủ, HĐND TP theo Đề án quản lý.

Minh Quang/Viettimes