07/12/2017

Hà Nội sẽ xây “siêu” đô thị vệ tinh Hòa Lạc

Quy hoạch chung đô thị Hoà Lạc tỉ lệ 1/10000 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua vào sáng 5/12/2017.


Ảnh minh họa

Đô thị khoa học công nghệ

Cách đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội khoảng 30km về phía Tây, đô thị Hòa Lạc có địa giới hành chính thuộc các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây; phía Bắc giáp trục Hồ Tây – Ba Vì (dự kiến); phía Đông giáp đê hữu sông Tích; phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình.

Đây là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái, tiết kiệm năng lượng. Chức năng chính của đô thị Hòa Lạc là Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao của cả nước; Trung tâm Đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề khác; Trung tâm y tế khám, chữa bệnh, điều dưỡng.

Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 17.274ha và quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 là khoảng 600 nghìn người. Đây là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, có vai trò đặc biệt trong chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội. Tổ chức không gian của “siêu” đô thị vệ tinh này được phân chia thành hai vùng đặc trưng gồm: “Vùng phát triển đô thị” và “Vùng vành đai xanh”.

Siêu đô thị với 75 dự án

Vùng phát triển đô thị gồm khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu Đại học quốc gia Hà Nội và khu đô thị mới, khu đô thị Phú Cát, được phân chia và xác định bởi tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh; khu vực phía Bắc Đại lộ Thăng Long bao gồm chủ yếu hai dự án đang được triển khai xây dựng theo quy hoạch là khu Công nghệ Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội.

Khu vực Đại học quốc gia Hà Nội diện tích khoảng 1140,42 ha; dân số: khoảng 63.000 người (trong đó có khoảng 60.000 sinh viên) gồm các trường đại học, THPT thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, trung tâm nghiên cứu khoa học, dân cư hiện có, khu tái định cư…

Khu vực khu công nghệ cao diện tích: khoảng 1346,99ha; Dân số: khoảng 100.000 người; gồm các trung tâm nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khu đô thị mới phục vụ nhu cầu của người lao động trong khu công nghệ cao, trung tâm công cộng, dịch vụ thương mại đô thị.

Khu vực đô thị diện tích: khoảng 3400,73 ha; Dân số: khoảng 242.000 người; gồm trung tâm đô thị, trung tâm y tế vùng, đất ở đô thị mới, đất ở sinh thái, công cộng đô thị, cây xanh, mặt nước, đất đơn vị ở, làng xóm đô thị hóa, lâm nghiệp kết hợp du lịch dã ngoại, đất do Bộ quốc phòng quản lý, đất đường giao thông đô thị…

Khu vực đô thị Phú Cát – Hòa Thạch diện tích: khoảng 970.2 ha; Dân số: khoảng 103.000 người; gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc (phần phía Nam Đại lộ Thăng Long, trước đây là khu công nghiệp Bắc Phú Cát), trung tâm y tế cấp vùng, khu đô thị mới phát triển mật độ cao phía Tây dọc quốc lộ 21 (hiện có), cây xanh, mặt nước…

Trong đó hạt nhân, động lực phát triển đô thị Hoà Lạc là Khu công nghệ cao Hoà Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội, kết nối đồng bộ các khu chức năng đô thị và nông thôn, xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, mạng lưới hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, chú trọng giao thông công cộng, giao thông thông minh và hướng tới đáp ứng các tiêu chí phát triển đô thị thông minh và khu đô thị sinh thái.

Trong vùng phát triển đô thị có tổng số 75 dự án đầu tư xây dựng do tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây trước đây phê duyệt như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc quy mô khoảng 1.600ha; Khu Đại học quốc gia Hà Nội quy mô khoảng 1.000 ha; Khu đô thị Đông Xuân – Tiến Xuân quy mô khoảng 1.250ha… (45 dự án phát triển đô thị, nhà ở sinh thái, 9 dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng, 6 dự án giáo dục đào tạo, 14 dự án công nghiệp và khai thác khoáng sản, 1 dự án của Bộ Quốc phòng).

Trong đó có 13 dự án đang triển khai xây dựng, 6 dự án đã phê duyệt quy hoạch, 8 dự án đã giao chủ đầu tư, 18 dự án đã có quyết định giao đất, 5 dự án đã giải phóng mặt bằng, 25 dự án đang nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

Vành đai xanh hạn chế phát triển nhà ở

Vùng vành đai xanh – Khu vực sân bay Hòa Lạc diện tích: khoảng 1.270,33ha; Dân số: khoảng 900 người; có chức năng: Sân bay Hòa Lạc, trước mắt tiếp tục sử dụng cho mục đích quốc phòng, tương lai cần có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và giải pháp sử dụng phù hợp để có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự, đáp ứng nhu cầu của đô thị. Cơ bản duy trì các cơ sở hiện có do Bộ Quốc phòng quản lý sử dụng, việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất sẽ do Bộ Quốc phòng xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khu vực này là vùng đệm xanh gắn với các khu du lịch như hồ Đồng Mô, làng văn hóa các dân tộc Việt Nam và Vườn quốc gia Ba Vì.

Khu vực nông thôn diện tích: khoảng 4891,73ha; Dân số: khoảng 65.000 người; sẽ phát triển theo mô hình nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phục vụ cho đô thị. Tạo vùng đệm rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các loại hoa màu khác.

Khu vực còn lại diện tích: khoảng 3431,71ha; Dân số: khoảng 26.100 người; Tiếp tục duy trì và bảo vệ rừng trồng, rừng đầu nguồn, rừng Quốc gia, kết hợp các dự án du lịch sinh thái. Hạn chế phát triển nhà ở, chuyển đổi các dự án phát triển đô thị theo hướng thấp tầng, tránh tối đa can thiệp địa hình tự nhiên.

VH