07/07/2020

Hà Nội sẽ đề xuất giải pháp quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng

Tại Kỳ họp HĐND Thành phố Hà Nội khóa 15, sau phần thảo luận đóng góp ý kiến về các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội – Nguyễn Đức Chung đã phát biểu tiếp thu và làm rõ một số nội dung liên quan đến các ý kiến thảo luận tại hội trường.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu các nội dung chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Bí thư Thành ủy; các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô, của các vị đại biểu HĐND TP.

Về một số ý kiến cụ thể như vấn đề đầu tư xây dựng TAND TP và các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung cho biết, từ tháng 9-2016, TP đã bàn giao toàn bộ quy hoạch trụ sở các cơ quan tư pháp.

Thành phố đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng toàn bộ trụ sở Viện KSNS, TAND, CA các cấp. Đã khởi công xây dựng 12 trụ sở quận, huyện, riêng trụ sở TAND TP sẽ khởi công trong tháng 7-2020 với nguồn vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, TP đã giãn, hoãn 17.500 tỷ đồng, bằng 45% so với cả nước cho cộng đồng doanh nghiệp. TP cũng đã chuyển 1.020 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các hộ nghèo, hộ kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vay phát triển sản xuất, đồng thời rà soát, đề xuất giãn, hoãn tiền thuê, sử dụng đất cho các doanh nghiệp.

Về công tác xử lý nợ đọng thuế, theo Chủ tịch UBND Thành phố, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn TP đang nợ đọng thuế hơn 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó có khoảng 15 nghìn tỷ đồng doanh nghiệp có khả năng trả nợ, TP đã báo cáo đề xuất giảm, hoãn, cắt nợ cho các doanh nghiệp. Còn hơn 15.000 tỷ đồng các doanh nghiệp có nợ lâu năm, khó đòi, thành phố đưa ra kế hoạch, giải pháp 4 bước để thu hồi nợ đọng thuế, nếu các doanh nghiệp không nộp thành phố có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế và không cho các triển khai các dự án mới.

Trả lời ý kiến của đại biểu về việc có quyết tâm chính trị lớn và ưu tiên cho quy hoạch hai bên sông Hồng, giải quyết các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về các văn bản pháp luật của bộ, ngành, Trung ương để đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước, Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung cho biết: Chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội, đáng lẽ tại phiên họp HĐND TP vào đầu tháng 12-2017 Ban cán sự Đảng UBND TP giao Sở NN&PTNT và Viện Quy hoạch của Bộ NN & PTNT thực hiện quy hoạch phân lũ theo Quyết định 217 của Thủ tướng nhưng sau đó hoãn nội dung này.

Vấn đề quy hoạch hai bên sông Hồng vướng vào Luật Quy hoạch, trong đó, phải làm được quy hoạch phân lũ mới làm được quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng. Do đó, thẩm quyền hiện nay không thuộc UBND và HĐND TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - Nguyễn Đức Chung phát biểu tiếp thu các ý kiến tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội – Nguyễn Đức Chung phát biểu tiếp thu các ý kiến tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, sắp tới, Hà Nội có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, Hà Nội sẽ đề xuất giải pháp, trong đó, Bộ có thể ủy quyền cho TP Hà Nội tiếp tục thực hiện quy hoạch. TP cũng dự kiến quy hoạch đô thị sinh thái hai bên bờ sông Hồng, tạo 2 bờ đê tích hợp thành 2 con đường…

Ngoài ra, phải làm được quy hoạch phân lũ thì gần 900 nghìn người dân dọc khu vực nội đô từ các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Thường Tín, Phú Xuyên… mới có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng.

Nhận định về tình hình dịch bệnh cũng như những ảnh hưởng nặng nề của kinh tế thế giới, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu tiếp tục chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, nhân lực để bảo đảm chăm lo sức khỏe cho người dân, làm tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.

Mọi nguồn lực của thành phố được cân đối để bảo đảm chế độ chính sách về an sinh xã hội. Đồng thời, bảo đảm mọi điều kiện để công tác giáo dục đào tạo hoạt động bình thường, trong đó, đầu tư nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, đưa giáo dục về CNTT vào các trường phổ thông cơ sở, cơ cấu lại đào tạo lao động, nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn TP.

Đồng thời, thành phố cũng chuẩn bị mọi nguồn lực cho công tác phòng chống thiên tai, đẩy mạnh công tác bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Thành phố đưa ra một số nội dung nhằm bảo đảm nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế. Trong đó, coi trọng phát triển văn hóa, xem đây là “sức mạnh mềm” nhằm lan tỏa vị thế, giá trị nghìn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình” của Thủ đô ra thế giới. TP tiếp tục coi trọng CCHC, tiếp tục cắt giảm các TTHC, đẩy mạnh các dịch vụ công; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, khôi phục sản xuất, mở rộng thị trường nội địa, thị trường mới và các thị trường Việt Nam vừa ký kết hiệp định thương mại.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đồng thời xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể để triển khai các nội dung cam kết tại hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp điều hành tài chính để bảo đảm cân đối thu chi hợp lý.

Vân Hà/Pháp luật và Xã hội