05/12/2018

Hà Nội muốn Nhà Hát lớn nhất thủ đô: Phục vụ ai?

Xây nhà hát hoành tráng, tiền vé chiếm 1/2 tháng lương của một công nhân thì người dân nào vào được nhà hát để xem?

Nhìn từ bài học Thủ Thiêm

Vẫn liên quan tới lời kêu gọi đầu tư xây dựng nhà hát Hoa Sen có công suất khoảng 2.000 người của Hà Nội, ông Nguyễn Anh Sơn – nguyên ĐBQH Khóa XIII (Nam Định) cũng bày tỏ nhiều băn khoăn, lo ngại.

ha-noi-muon-nha-hat-lon-nhat-thu-do-phuc-vu-ai_5726493

Phối cảnh dự án nhà hát Hoa Sen được giới thiệu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội giữa năm 2016. Ảnh: VnE

Dẫn lại câu chuyện xây nhà hát opera Thủ Thiêm (TP.HCM) gây tranh cãi thời gian qua, ông Sơn cho rằng, người dân hiện rất dị ứng với các từ như nhà hát, hoặc các công trình nghìn tỷ hoành tráng, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước chưa thật sự phù hợp như hiện nay.

Theo ông Sơn, khi những bức xúc của người dân còn chưa lắng xuống thì nên hạn chế những đề xuất kiểu tương tự để tạo thiện cảm, tranh thủ sự ủng hộ của người dân.

Trở lại câu chuyện của Hà Nội, ông Sơn đặt câu hỏi: Dự án từng được đưa ra kêu gọi đầu tư nhưng cuối tháng 5/2018, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất dừng triển khai dự án Nhà hát Hoa Sen do nhà đầu tư không có nhu cầu đầu tư nữa, vậy, vì sao bây giờ lại đưa ra kêu gọi đầu tư?

Tự phân tích, nguyên ĐBQH Nguyễn Anh Sơn cho rằng, với quy mô dự án dự kiến trên 4 ha có quy mô 6 tầng, cao 54m được thiết kế như bông sen nổi trên mặt nước, đặc biệt trong khuôn viên nhà hát còn bố trí cả khu văn phòng, sân trượt băng, khu vui chơi giải trí… thì đây sẽ là một khu phức hợp giải trí có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư rất cao.

Tuy nhiên, khi nhìn vào tổng thể phát triển của các nhà hát hiện nay Hà Nội đang có thi khả năng hút các buổi biểu diễn là rất khó.

“Hàng loạt các nhà hát lớn với hội trường rộng mênh mông như Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, hay Nhà hát của đoàn nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Âu Cơ… một năm cũng chỉ được vài ba đoàn nghệ thuật thuê biểu diễn.

Hầu hết các sự kiện diễn ra tại các nhà hát đều là cho thuê tổ chức tổng kết năm, liên hoan văn nghệ nhỏ lẻ hoặc tổ chức đám cưới, cho thuê bán cafe…

Hầu hết không nhà hát nào sống được chỉ dựa vào hoạt động theo đúng công năng của một cung văn hóa biểu diễn nghệ thuật đúng nghĩa.

Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng không cao, trong khi số lượng các nhà hát mọc lên lại quá nhiều. Bây giờ mà tiếp tục tính chuyện xây nhà hát nghìn tỷ bằng tiền ngân sách là câu chuyện rất “nhạy cảm” nhưng muốn huy động được vốn xã hội thì cũng không đơn giản chút nào”, nguyên ĐBQH khóa XIII của đoàn Nam Định nhận định.

Hàng nghìn tỷ đầu tư để phục vụ ai?

Cũng trong cảnh bị “ế” nhưng tình hình của Nhà hát lớn Hà Nội lại khác. Ông Sơn cho biết, ông từng được nghe về việc Nhà hát lớn do quá ít chỗ nên buộc phải tăng giá vé cao hơn gấp vài ba lần những địa điểm khác, vì lý do này, nhiều đoàn biểu diễn dù rất muốn biểu diễn ở đây nhưng đều “né” để giảm giá vé.

Cuối cùng, vì muốn tăng vé để bù thu thì Nhà hát lớn lại lâm cảnh “ế” ẩm. Vậy câu chuyện của Nhà hát Hoa Sen trong tương lai sẽ là kịch bản của những nhà hát nào?

“Nếu Nhà hát Hoa Sen được đầu tư quy mô, bài bản, với tổng vốn lớn như vậy mà không có khách nhà đầu tư sẽ lỗ, không ai muốn đầu tư cả.

Vậy Hà Nội tìm kiếm đầu tư thì những điều kiện trao đổi với nhà đầu tư khi thực hiện dự án này là gì?

Người dân không đồng ý mang đất đi đổi, cũng không cho phép sử dụng ngân sách để làm dự án này đâu, vì thế Hà Nội phải hết sức cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Hà Nội muốn làm gì cũng phải hướng tới mục tiêu để đành cho người dân thụ hưởng. Cụ thể ở đây là những người dân bình dân chứ không phải xây lên công trình nghìn tỷ, thu phí hàng triệu đồng chỉ để phục các đại gia, người có tiền.

Tôi cứ hình dung như Nhà hát lớn Hà Nội, vé mỗi buổi biểu diễn bán ra từ 700.000 – 800.000, thậm chí lên tới cả triệu đồng, chiếm 1/3 số lương của một cán bộ công chức bình thường, bằng 1/2 lương của một người công nhân thì người dân nào sẽ vào được đây để nghe hát? Nhà hát Hoa Sen sẽ thu vé ở mức nào? Và phục vụ ai? “, ông Sơn trăn trở.

Cũng theo ông Sơn, thời gian qua tại một số địa phương đang tồn tại khá nhiều tư tưởng muốn có cái to, cái lớn, phải có công trình xứng tầm thế giới để tạo điểm nhấn cho địa phương…

Tuy nhiên, ông cho rằng, tạo cái to, cái lớn, cái đắt tiền mà không phù hợp với thực tế thì chỉ như món trang sức đắt tiền, tạo sự hào nhoáng bên ngoài chứ không có giá trị phát triển.

“Tôi lo ngại nhất là cứ sau mỗi dự án lại có sự lẩn khuất của những yếu tố lợi ích, ngân sách, tiền của, tài sản của đất nước của người dân lại bị xâu xé, chia nhau.

Vì thế, nếu kêu gọi được nhà đầu tư đầu tư bằng 100% nguồn vốn tư nhân thì mới làm. Cùng với đó, cũng tạo cơ chế cho nhà đầu tư tham gia đầu tư thì cũng chịu trách nhiệm quản lý, vận hành công trình luôn.

Dựa trên tính toán tổng vốn bỏ ra, nhà nước sẽ định thời gian giao cho nhà đầu tư quản lý trong khoảng 30 năm hay 50 năm để giúp nhà đầu tư thu hồi vốn. Khi hết thời gian thỏa thuận nhà đầu tư có thể thuê hoặc giao lại công trình cho nhà nước quản lý”, ông Sơn đề xuất.

Thái Bình/Báo Đất Việt