08/06/2017

Hà Nội không cần “hy sinh” 1.300 cây xanh mà đường vẫn mở rộng

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Kiến trúc sư Trần Huy Ánh hiến kế để Hà Nội có thể vừa duy trì được 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, vừa tiếp tục thực hiện dự án mở rộng đường vành đai 3 như đã định, chỉ với một thay đổi.

Không cần chặt cây mà đường vẫn được mở rộng

Những ngày qua, dư luận Hà Nội và cả nước xôn xao trước số phận 1.300 cây xanh (trong đó có gần 1.000 cây xà cừ) trên đường Phạm Văn Đồng. Ban đầu, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất chặt hạ, di chuyển 1.300 cây này để phục vụ dự án mở rộng đường vành đai 3 (có cả xây đường trên cao).

Tuy nhiên, sau đó do dư luận phản ứng quá mạnh, cơ quan chức năng Hà Nội cho biết chỉ trong trường hợp bất khả kháng mới phải chặt hạ di chuyển số cây này. Nhưng theo nghiên cứu ban đầu của cá nhân, tôi cho rằng, Hà Nội không cần phải di chuyển hay chặt hạ số cây xanh quý giá này mà vẫn thực hiện được dự án của mình.

ha noi khong can “hy sinh” 1.300 cay xanh ma duong van mo rong hinh anh 1

Mặt cắt đường trên cao và hai hàng cây trên đường Phạm Văn Đồng. (Ảnh: VNN)

Đường vành đai 3 từ cầu Thanh Trì đến ga Nội Bài gần 30km, đường trên cao hiện có từ Linh Đàm Pháp Vân đến ngã tư Mai Dịch – Phạm Văn Đồng  hơn 10km nay nối tiếp từ ngã tư Mai Dịch – Phạm Văn Đồng lên cầu Thăng Long dài 5,5km với mặt đường 6 làn xe. Tổng kinh phí đầu tư cho 15km đường trên cao là hàng ngàn tỷ đồng.

Quan sát bản vẽ công bố trên báo chí, có thể nhận thấy việc làm đường trên cao hay dưới thấp tại tuyến đường này không ảnh hưởng tới hàng cây xà cừ hai bên đường. Nhìn trong bản vẽ thiết kế, mặt cắt đường trên cao nhỏ hơn khoảng cách 2 hàng cây đang có trên đường Phạm Văn Đồng nên hoàn toàn có thể giữ lại hai hàng cây này mà không bị ảnh hưởng gì.

Tại một số vị trí đặc biệt, có thể chỉnh tuyến để đường trên cao đi vào giữa 2 hàng cây. Nếu toàn bộ hồ sơ dự án công bố công khai theo Luật Quy hoạch Thủ đô, tôi sẽ có giải pháp chi tiết hơn.

Lo ngại cây xà cừ thân to, rễ nông, dễ gãy đổ có thể loại trừ vì cần thống kê có bao nhiêu cây trên đường này đã gãy đổ trong 30 năm qua?

Nếu cây đã đứng khỏe thì sẽ tiếp tục đứng vững vài chục năm nữa… đủ thời gian thay tỉa dần các cây xà cừ. Mặt khác, kết cấu vững chắc của đường trên cao sẽ hỗ trợ cây đứng vững hơn (nếu tính thêm tải trọng tác động).

ha noi khong can “hy sinh” 1.300 cay xanh ma duong van mo rong hinh anh 2

ha noi khong can “hy sinh” 1.300 cay xanh ma duong van mo rong hinh anh 3

Hơn chục cây số bên dưới đường trên cao vành đai 3 đang bỏ trống, chỉ đê trồng cỏ và rau xanh. Có nghĩa là hàng trăm ngàn m2 đường giao thông Hà Nội quý giá đang bị lãng phí.

Theo tôi, còn một vấn đề cũng rất quan trọng nữa Hà Nội cần nghiên cứu và tham khảo thêm. Cụ thể, theo khảo sát của CitySolution Group (nhóm chuyên gia độc lập trong nước và quốc tế về giải pháp đô thị), 15km đường trên cao vành đai 3 đang lãng phí toàn bộ diện tích rộng hàng trăm ngàn m2 mặt đường tầng 1.

Toàn bộ diện tích mặt đường này đang bỏ trống, chỉ để… trồng cỏ và rau xanh. Có thể phục vụ tốt cho việc cải thiện bữa ăn một số người dân, nhưng với giao thông thì vô tác dụng và quá lãng phí.

Với diện tích mặt đường quý như vàng này, chúng ta hoàn toàn có thể bố trí 2-4 làn xe chạy suốt 15km. Như vậy, về tổng thể đường sẽ tăng làn xe buýt, tăng làn xe cơ giới chạy chậm (<30km), làn xe đạp và vỉa hè, hành lang an toàn dành cho người đi bộ tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng trên tuyến đường này.

ha noi khong can “hy sinh” 1.300 cay xanh ma duong van mo rong hinh anh 4

ha noi khong can “hy sinh” 1.300 cay xanh ma duong van mo rong hinh anh 5

Tại thủ đô Manila (Philippines), bên dưới đường trên cao làm chỗ đỗ xe, lối đi bộ vượt qua đường cao tốc. Còn tại TP.Quảng Châu (Trung Quốc), có 2 làn xe buýt  bên dưới đường trên cao.

Theo kế hoạch, tháng 6.2017 Hà Nội sẽ công bố 6 sáng kiến vào chung kết “Ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nếu chưa có ý tưởng nào khả thi, đem lại kết quả thiết thực hơn đóng góp này thì tác giả hy vọng Ban tổ chức đặc cách ghi nhận.

Đừng đổ tội cho xà cừ, tội nghiệp!

Cũng có ý kiến cho rằng cần phải chặt hạ cây xà cừ vì đây là loại rễ nông, hay bị mục và dễ đổ trong mưa bão, gây nguy hiểm khi mở rộng đường. Nếu vậy, tôi cũng phải nói thêm một chút.

Nhà tôi trên phố Bà Triệu đã lâu. Hơn nửa thế kỷ qua tôi chứng kiến 3 lần cây xà cừ trước cửa nhà đổ trong mưa bão. Lần đầu tiên năm 1966, nửa đêm mưa gió, cây đổ vào nhà làm sạt một góc mái ngói tầng 2. Sau đó, cửa sổ tầng 2 mặt phố phải làm lại.

Lần thứ 2 vào năm 1989. Tôi chứng kiến đất dưới gốc cây bị mưa dầm nhũn ra, rồi từ từ đổ ra lòng đường.

Lần thứ 3 vào rạng sáng 5.9.2013, một cành cây đổ quệt qua ban công nhà tôi, may không ai việc gì. Rõ ràng riêng với nhà tôi, cây xà cừ “tội rất to”.

Thế nhưng, mấy ngày nắng nóng kỷ lục vừa qua ở Hà Nội, tôi mới thấy mình nghĩ có phần oan cho xà cừ. Thậm chí, tôi còn thấy mấy ngàn cây xà cừ ở Hà Nội, trong đó có nhiều cây trên đường Bà Triệu nhà tôi, có công rất lớn chống lại cái nóng kinh người.

Nhìn tán cây xum xuê của nó trên nền trời Hà Nội những ngày đó mới thấy nó quý giá nhường nào. Nghĩ công bằng, cây này rất khỏe, tán dày, lớn nhanh và lớn mạnh mà không cần ai chăm sóc. Rễ nó vốn cắm sâu nhưng đất dưới chân đào bới liên miên tơi xốp nên chỗ nào có dưỡng chất, có nước là nó trườn tới.

Cây nào cũng vậy thôi, muốn cây trồng trong phố bám chắc, người ta phải tạo khung dầm bê tông để rễ bám quanh (kinh nghiệm trồng cây trong TP của Đức do TS Phó Đức Tùng giới thiệu).

Vậy chả cứ xà cừ mà tất cả các loại cây trồng trong phố bị cong queo, ốm yếu, rễ nông… cái tội ấy cũng tại con người ta lười biếng suy nghĩ và hành động nên đối xử với cây bạc bẽo, thờ ơ mà nên vậy.

KTS Trần Huy Ánh