16/09/2020

Hà Nội: Công nghệ trông giữ xe 4.0 trở về… ‘không chấm không’ sau ba năm hoạt động

Hà Nội trong những năm qua đã đưa ra nhiều giải pháp quản lý, bố trí đỗ xe/giao thông tĩnh nhưng có vẻ bài toán này vẫn bế tắc. Ngay cả thử nghiệm mô hình trông giữ xe bằng ứng dụng iParking cũng đã thất bại sau hai năm triển khai…

Dừng iParking sau 3 năm thí điểm

Hà Nội tắc đường vì số lượng xe tăng nhanh trong khi đường sá “chạy” theo không kịp. Thành phố 7 triệu dân có 0,6 triệu ô tô và hơn 6 triệu xe máy. Diện tích đường chiếm 10%, nghĩa là còn thiếu 15% nữa, mà muốn bổ sung đủ thì cần đầu tư 100 nghìn tỷ đồng/năm (thực tế chỉ đáp ứng 10%-20%). Đường đã thiếu mà xe lại đỗ đầy đường nên càng choán chỗ đi…

Hệ thống gửi xe thông minh trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh tư liệu: Báo điện tử Đảng cộng sản

Hệ thống gửi xe thông minh trên phố Lý Thường Kiệt. Ảnh tư liệu: Báo điện tử Đảng cộng sản

Đơn cử, quận Hoàn Kiếm có hơn 200 nghìn xe máy và hơn 20 nghìn ô tô, có nghĩa cần 1 triệu m2 để đỗ đủ số xe này (>20% diện tích tự nhiên). Mặc dù có gần 100 hầm để xe dưới các tòa nhà, tận dụng  sân các công sở, vỉa hè, lòng đường, quanh bệnh viện, chợ… để cấp phép đỗ xe nhưng mới đáp ứng 15%, còn 85% còn lại đỗ tự phát trong quận. Có nghĩa, phần còn lại của 1 triệu m2 đất công bị chiếm dụng mà không thu được đồng nào, kèm theo nhiều trò khác gây thất thu.

Được biết, trong nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp để giải bài toán trên, Hà Nội đã tính dùng camera, mắt điện tử gắn dưới lòng đường kiểm soát. Tuy nhiên, cuối cùng đã chọn “IParking” kỳ vọng vào phép mầu của chữ “I” – viết tắt inteligent (thông minh) hay Information (công nghệ thông tin). Và tháng 5.2017, Hà Nội đã thí điểm 17 điểm trông giữ ôtô qua điện thoại di động trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Giải pháp trông giữ xe là xe đỗ, chủ xe trả tiền bằng điện thoại cài ứng dụng, tiền không trả cho người trông xe mà “chạy” thẳng vào ngân sách. Thật tài tình.

Nhưng thực tế thì lại khác, nhiều nơi người trông xe chỉ thích cầm tiền mặt hơn, trả tiền mặt thì đỗ nếu không từ chối vì lấy lý do hết chỗ. Người cần gửi xe đôi khi muốn được việc nên gật đầu. Cả hai bên chọn cái có lợi, trong khi iParking ra rìa.

Chuyện gì đến cũng phải đến vì Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa quyết định tạm dừng thí điểm mô hình trông giữ xe bằng ứng dụng iParking trên toàn thành phố. Như vậy sau ba năm thí điểm, từ công nghệ giữ xe 4.0 đã trở về hình thức thu phí sử dụng lòng đường tạm thời theo m2 bắt đầu từ 1.9. Hình thức thu phí này dự kiến áp dụng đến hết năm hoặc cho đến khi dự án iParking được thành phố phê duyệt để triển khai chính thức.

Cần nâng cao năng lực quản trị công sản

Hiện nay cả thế giới dùng bãi đỗ xe thu phí tự động, đi kèm hệ thống giám sát không gian bằng camera/mắt điện tử, cùng với quy trình quản lý, chế tài chặt chẽ: đỗ quá giờ, đỗ sai chỗ bị cẩu đi xa và phạt nặng… Thanh toán tự động chỉ là khâu rất nhỏ. Hà Nội đã phổ biến dùng điện thoại trả tiền trà chanh vỉa hè đến giầy dép, quần áo bình dân. Không giám sát không gian đỗ xe mà chỉ ứng dụng trả phí điện tử, dựa vào tự giác thì có phải “đánh trống bỏ dùi”?

Mô hình iParking dù là thí điểm nhưng còn nhiều bất cập là vậy, vì sao vẫn “qua mặt” được nhiều cơ quan ban ngành hữu quan các cấp cụ thể? Bởi việc ứng dụng một một loại hình dịch vụ mới, một sản phẩm công nghệ đặc thù thì  rất cần những đánh giá, thẩm định từ các chuyên gia, các cơ quan hữu quan các cấp. Những đánh giá, báo cáo ấy sẽ giúp cho ứng dụng này hoàn thiện hơn chứ không thể bỗng dưng áp dụng rồi thấy còn nhiều hạn chế lại bất ngờ ra thông báo dừng cung cấp dịch vụ.

Tại  Kyoto (Nhật Bản): Từng mét vuông đất công được tận dụng làm bãi đỗ xe. Đất tư để hoang bị đánh thuế nặng nên khai thác đỗ xe đa dạng. Các khâu quản lý được tự động hóa, nhân viên trông xe chỉ làm việc cảnh báo an toàn cho xe ra vào...

Tại Kyoto (Nhật Bản): Từng mét vuông đất công được tận dụng làm bãi đỗ xe. Đất tư để hoang bị đánh thuế nặng nên khai thác đỗ xe đa dạng. Các khâu quản lý được tự động hóa, nhân viên trông xe chỉ làm việc cảnh báo an toàn cho xe ra vào…

Việc dừng cung cấp dịch vụ, chưa nói đến những thiệt hại tài chính, điều dễ thấy là đã gây ra gián đoạn trong việc sử dụng dịch vụ của người dân. Điều đó còn làm giảm niềm tin vào việc ứng dụng công nghệ trong việc phục vụ những tiện ích nơi đô thị, mà tiếc nhất là biết bao cơ hội ứng dụng công nghệ tiên tiến, sáng tạo trong hai năm qua không có cơ hội triển khai vì bị dự án iParking này “chiếm chỗ”. Nó đẩy lùi tiến bộ trong khi khoa học công nghệ toàn cấu tiến hóa từng ngày.

Nguy cơ này vẫn rất tiềm tàng tại Hà Nội và nhiều địa phương khi không thiếu những đề xuất mang nhãn “thông minh” mua sắm thiết bị đắt tiền, công nghệ không kiểm chứng, kèm theo giấc mơ có thể biến mô hình quản trị còn nhiều vấn đề tiến thẳng tới 4.0 chỉ sau một đêm. Điều đó, như chúng tôi đã từng đề cập, là sẽ làm cho túi tiền ngân sách thêm vơi.

Vậy có cách nào để Hà Nội tránh những sai lầm có thể lặp lại?

Giải bài toán bế tắc trong bố trí bãi đỗ xe Hà Nội

Phải chăng có sự  nhầm lẫn  trong xác định nhiệm vụ bố trí bãi đỗ xe ô là cung cấp dịch vụ sang phúc lợi xã hội? Chắc không thành phố nào đủ giàu để thỏa mãn nhu cầu đỗ xe cá nhân nên phúc lợi đỗ xe sẽ còn bế tắc. Toàn thế giới đã coi cung cấp chỗ đỗ xe là dịch vụ, tất cả nơi đỗ hình thành và quản lý tài sản như bất động sản: bao gồm mua đất, xây dựng, vận hành khai thác, thuế khóa…

Việt Nam không  gọi được vốn xã hội đầu tư nơi đỗ xe là do chính sách đỗ xe còn mù mờ, quy định thu phí quá thấp không bao giờ đủ hoàn vốn đầu tư. Nhà đầu tư sợ nhất là xây xong bãi đỗ xe nhưng các xe vẫn đỗ tràn lan vỉa hè lòng đường, đất công… chủ xe chỉ cần thỏa thuận miệng với tổ chức, cá nhân đang quản lý đất công để hạ giá dịch vụ đỗi xe vô tội vạ. Đầu tư 1 tỷ đồng/chỗ đỗ xe lại đi cạnh tranh với đầu tư 1 hộp sơn vài nghìn đồng để vẽ chỗ đỗ trên lòng đường vỉa hè đất công thì cầm chắc phần thua và  không bao giờ có ngành kinh doanh dịch vụ đỗ xe thực chất.

Tại  San Francisco (Mỹ): Bên cạnh cột thu phí đỗ xe tự động, một chiếc xe đạp trợ lực điện chở hàng và trẻ em được đỗ miễn phí trên vỉa hè. Bãi đỗ xe tự động hoàn toàn, không một bóng người quản lý. Chỉ vài dòng thông báo: ô tô và xe máy không dám đỗ vào giờ các xe vệ sinh  hoạt động.

Tại San Francisco (Mỹ): Bên cạnh cột thu phí đỗ xe tự động, một chiếc xe đạp trợ lực điện chở hàng và trẻ em được đỗ miễn phí trên vỉa hè. Bãi đỗ xe tự động hoàn toàn, không một bóng người quản lý. Chỉ vài dòng thông báo: ô tô và xe máy không dám đỗ vào giờ các xe vệ sinh hoạt động.

Giám sát đỗ xe đồng thời với không gian và thời gian, cần tự động hóa, kèm theo các chế tài mạnh mẽ: kéo xe/phạt nặng… tất cả quy trình này do bên có lợi ích trực tiếp vận hành/giám sát. Lợi ích cung cấp dịch vụ đỗ xe phải gắn liền với  việc xóa bỏ nạn đỗ xe bừa bãi. Quản trị công sản hiệu quả thì cần quy trình khai thác/thu phí tất cả các không gian công sản: vỉa hè, lòng đường, bãi trống công sở, trường học, bệnh viện… thật chặt chẽ. Nhưng ở đây không thể không nói thực trạng 20 năm nay, nhà nước đầu tư hàng trăm ngàn tỷ, mấy chục vạn nhân lực mà việc số hóa quản lý Giấy chứng nhận đất tư còn chưa xong, nói gì tới đất công?

Quản lý công sản bằng công cụ thô sơ, không đủ năng lực sinh ra lợi ích  tương xứng, do vậy cần một mô hình quản trị mới: nơi tiến bộ công nghệ quản lý gắn bó chặt chẽ với lợi ích tiền bạc. Ví dụ, ngay tại quận Hoàn Kiếm, giả sử  thu phí 10 nghìn/m2/ngày, thì 1 triệu m2 thì mỗi năm thu hơn 3.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng thu ngân sách toàn quận năm cao nhất (2019). Số tiền có thể có hấp lực mạnh mẽ toàn xã hôi đầu tư  hàng trăm ngàn tỷ đồng để  tạo ra hàng triệu mét vuông đỗ xe ngầm/nổi, đi cùng muôn vàn sáng kiến quản trị hiện đại, hiệu quả thay thế những quy hoạch bãi đỗ vẽ cho vui  hay những sáng kiến vu vơ  không bao giờ  trở thành hiện thực!

iParking được UBND thành phố Hà Nội thực hiện thí điểm từ ngày 1.5.2017. Ban đầu ứng dụng được triển khai trên hai tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt.

Đến tháng 6.2018, Sở GTVT Hà Nội đánh giá, các điểm đỗ xe theo công nghệ thông minh iParking vừa tiện dụng cho chủ phương tiện trong việc tìm kiếm, thanh toán khi gửi xe, vừa công khai, minh bạch, giúp sở, ngành liên quan quản lý tốt hơn hoạt động giao thông tĩnh. Từ đó, Sở GTVT Hà Nội đề nghị thành phố tiếp tục cho chủ trương để Sở GTVT nhân rộng hình thức trông xe này ra nhiều tuyến phố tại các quận.

Tính đến đầu tháng 9.2020, các điểm trông xe áp dụng công nghệ iParking tăng từ 8 điểm tại hai tuyến phố ban đầu lên 150 điểm, ở 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình.

Đến ngày 1.9, Sở GTVT Hà Nội ra thông báo tạm dừng hoạt động vô thời hạn hình thức trông xe thông minh iParking. Theo đánh giá của Sở GTVT, dự án iParking được triển khai theo hình thức đối tác công tư – hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh) chưa được hoàn chỉnh theo chỉ đạo của UBND Hà Nội nên gặp vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính. Các đơn vị trông giữ xe chưa trang bị đủ thiết bị kiểm soát, theo dõi, kiểm tra phương tiện người gửi, quản lý điểm đỗ.

Hệ thống chưa thực hiện trích nộp phí trực tiếp về tài khoản tại Kho bạc Nhà nước của đơn vị cấp phép. Các đơn vị trông giữ xe chậm thanh toán tiền hợp đồng vào hệ thống.

Hiệu quả của chức năng tìm kiếm vị trí đỗ xe trên hệ thống iParking cũng bị đặt dấu hỏi do có tình trạng bãi đỗ trống nhưng nhân viên không nhập thông tin, gây sụt giảm doanh thu ở các điểm đỗ. Còn có trường hợp nhân viên cố tình không nhập hoặc nhập không đủ số phương tiện trong điểm đỗ lên hệ thống iParking.

Trao đổi với báo Tiền Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, các ứng dụng công nghệ lần đầu tiên triển khai không tránh khỏi lỗi, nhiệm vụ của cơ quan quản lý là tìm ra giải pháp để tiếp tục duy trì ứng dụng chứ không phải dừng hoạt động. Trong các giải pháp này có việc nếu đơn vị cung cấp ứng dụng hiện tại không đáp ứng được yêu cầu thì cần làm quy trình để thay và tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị mới. Như vậy, vừa phù hợp xu thế, vừa duy trì, đảm bảo được những kết quả một số đơn vị đã nỗ lực làm được, người dân, dư luận cũng khỏi ngỡ ngàng, khó hiểu. (T.H)

Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội)/Người đô thị