23/03/2018

Hà Nội: Còn nhiều dư địa cho thị trường văn phòng

“Nguồn cung mặt bằng văn phòng tại Hà Nội hiện đạt 1,6 triệu m2, chưa bằng 20% so với các thị trường như Bangkok, Kuala Lumpur hay Jakarta. Điều này cho thấy thị trường văn phòng Hà Nội còn nhiều dư địa để phát triển”, ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội nhận định.

Theo ông Bùi Trung Kiên, sau giai đoạn chạm đáy, thị trường văn phòng Hà Nội đang quay lại trên đà phục hồi và tăng trưởng. Nếu mấy năm trước đây, tỷ lệ lấp đầy của các tòa nhà văn phòng chỉ khoảng 70% – 80% các chủ đầu tư đã phải nỗ lực rất nhiều trong hoạt động tiếp thị marketing và các chương trình ưu đãi để thu hút khách thuê thì đến nay tình hình hoạt động của thị trường đã có sự cải thiện đáng kể.

Dẫn số liệu trong ấn phẩm mới nhất của Savills ‘Vietnam Office Outlook (Triển vọng thị trường văn phòng Việt Nam) 2018’, ông Kiên cho biết, công suất cho thuê trung bình toàn thị trường Hà Nội trong năm 2017 đạt 92% với giá thuê trung bình ở mức 35,2 USD/m2/tháng, tăng 2.6% so với năm 2016.
“Đây là những số liệu rất khả quan, tương quan với các thị trường trong khu vực là ở mức khá cao. Tuy vậy, tiềm năng của thị trường chưa thực sự được tận dụng bởi nguồn cung mặt bằng văn phòng tại Hà Nội hiện chỉ đạt 1,6 triệu m2, chưa bằng 20% so với các thị trường như Bangkok, Kuala Lumpur hay Jakarta. Điều này cho thấy thị trường văn phòng Hà Nội còn rất nhiều dư địa để phát triển, hứa hẹn cơ hội rất lớn cho các chủ đầu tư”, ông Kiên nhận định.
Mặc dù vậy, ông Kiên cũng cảnh báo rằng, tình hình hoạt động khả quan của toàn thị trường không đảm bảo kết quả hoạt động tốt của tất cả các tòa nhà văn phòng trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, lời khuyên của Savills dành cho các chủ đầu tư chính là tập trung vào yếu tố chất lượng.
Khu vực nội thành dự kiến vẫn là điểm nóng về khách thuê
Tiếp tục dẫn báo cáo thị trường quý IV/2017 của Savills Việt Nam, ông Kiên cho biết, các tòa nhà hạng C, tuy có công suất cho thuê đạt 99% nhờ giá thuê thấp, hiện không còn được lòng các khách hàng doanh nghiệp.
Khảo sát về độ hài lòng của khách thuê đối với phân khúc này cho thấy còn khá thấp do chất lượng xuống cấp, khâu quản lý và vận hành không được chú trọng cùng dịch vụ chăm sóc khách hàng chưa được tập trung phát triển. Thị hiếu của khách thuê đang dần thay đổi và được nâng cấp; chất lượng của mặt bằng văn phòng đang ngày càng được chú trọng hơn.
Savills ghi nhận nhiều giao dịch lớn trên thị trường trong thời gian gần đây xuất phát từ nhu cầu nâng cấp mặt bằng của các doanh nghiệp công nghệ, chuyển từ tòa nhà hạng C hoặc B sang văn phòng hạng A.
Theo lý giải của ông Kiên, điều này góp phần làm nên kết quả hoạt động tốt của các tòa nhà chất lượng như Lotte, CornerStone, PVI Tower hay Horizon Tower. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tăng trưởng FDI, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh đã thu hút các nhà đầu tư và các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giúp nâng cao nhu cầu mặt bằng văn phòng tại Hà Nội.
“Trong thời gian tới, khu vực 4 quận nội thành Hà Nội dự kiến vẫn sẽ là điểm nóng thu hút khách thuê cho đến khi các dự án giao thông công cộng của thành phố như tuyến đường sắt trên cao, các cây cầu vượt và tuyến đường vành đai được hoàn thiện và đi vào hoạt động. Với số lượng diện tích còn trống khá hạn chế, thị trường sẽ tiếp tục ngóng chờ các mặt bằng thương mại chất lượng mới, hứa hẹn nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư uy tín trong phân khúc văn phòng tại Hà Nội”, ông Kiên nhận định.
Khánh An/ VnMedia