21/03/2018

Giải pháp xanh cho nguồn nước

Tăng cường quản lý tài nguyên nước, là một trong những giải pháp được các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia ngành Nước đề xuất tại Hội thảo “Giải pháp xanh cho nguồn nước” do Bộ TN&MT tổ chức mới đây, nhân hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2018.

Quản lý tài nguyên nước bền vững là vấn đề cấp bách hiện nay để bảo vệ nguồn tài nguyên.

Theo thống kê trong vài năm trở lại đây, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và BĐSCL đã phải hứng chịu nhiều đợt hạn hán khắc nghiệt kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân. Chưa kể, ở khu vực ĐBSCL đã ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Còn ở khu vực miền Bắc và Bắc Trung bộ phải chịu những trận lũ khốc liệt gây thiệt hại nặng nề như trận lũ quét ở Mù Cang Chải vào tháng 8/2017. Các đợt mưa lớn trái mùa cũng gây ra những đợt lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng…

Đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều loại hình thiên tai khác nhau liên quan đến nước xảy ra trên mọi miền, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điều đáng lưu ý là các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng xảy ra thường xuyên và ngày càng khắc nghiệt hơn, với cường độ lớn hơn.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước cũng đang là vấn đề nóng ở Việt Nam. Trong đó, ô nhiễm do nước thải đang là thách thức lớn. Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên và trên diện rộng, dẫn tới hậu quả nhiều dòng sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu của các mục đích sử dụng…

Một số chuyên gia cho rằng: Nguyên nhân trực tiếp và sâu xa của các vấn đề trên được xác định là do việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa bền vững ở cả các quốc gia thượng nguồn cũng như trong nội tại đất nước để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Hơn nữa, Việt Nam lại phải hứng chịu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Do đó, quản lý tài nguyên nước bền vững là vấn đề cấp bách hiện nay để bảo vệ nguồn tài nguyên…

Năm 2018 là năm Liên Hợp Quốc chọn chủ đề “Nước với thiên nhiên” cho Ngày Nước thế giới nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của thiên nhiên trong việc bảo vệ tài nguyên nước. Khai thác tiềm năng của tự nhiên để quản lý và bảo vệ tài nguyên nước là một giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết, ứng phó với các thách thức này…

Chuyên gia cao cấp về quản lý tài nguyên nước (Ngân hàng Thế giới) Abedalrazq Khalil đánh giá: Bên cạnh những nỗ lực quản lý tài nguyên nước thì, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình khai thác tài nguyên nước không bền vững do mật độ sử dụng nước cho mục đích phát triển kinh tế rất lớn. Ngoài ra, Việt Nam chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, đặc biệt là thiên tai, tác động đến nền kinh tế tính theo GDP sẽ tăng.

Đã có nhiều quốc gia đứng trước những rủi ro và nguy cơ như Việt Nam, nhưng cũng có những nước vượt qua nhiều thách thức. Vì vậy, mấu chốt tạo ra thành công là quy hoạch tích hợp tài nguyên nước, quy hoạch lưu vực sông và vấn đề điều phối.

Nhiều chính sách cũng đã được các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất như: Tăng cường quản lý tài nguyên nước để ứng phó với tình trạng căng thẳng và rủi ro tăng lên từ nước; lồng ghép rủi ro về nước và cung cấp dịch vụ nước và vệ sinh vào quy hoạch đô thị; kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường tốt hơn; cải thiện quản lý những rủi ro đang ngày càng gia tăng;…

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường quản trị tài nguyên nước dưới đất thông qua hoàn thành chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước; chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn; đẩy mạnh công tác quan trắc, giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia; ứng dụng khoa học – công nghệ và các nguồn lực hợp tác quốc tế trong công tác điều tra, đánh giá và quản lý tài nguyên nước; nâng cao nhận thức cộng đồng về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước…

Linh Đan/BXD