31/07/2017

Đừng cố ép những chi tiết văn hóa vào kiến trúc

Các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đã trả lời Thanh Niên về việc lạm dụng biểu tượng của nhiều công trình kiến trúc ở nước ta hiện nay.

10_cehy

KTS Trần Huy Ánh, Hội KTS Hà Nội: Bảo tàng Hà Nội đã chọn một cái vỏ gây ấn tượng, nhưng hình khối như kim tự tháp úp ngược của bảo tàng này sẽ gây khó khăn trong việc thiết kế không gian bên trong. Thực tế, nội dung bên trong công trình đã hỏng hoàn toàn từ kết nối không gian đến việc đi lại, không tạo cảm giác dễ chịu. Cầu thang xoắn ốc khiến người đến tham quan có cảm giác chỉ có trục hướng lên mà không lan tỏa được không gian. Từ khi đưa vào sử dụng bảo tàng hầu như không có lời khen. Đây là cuộc chơi quá tốn kém và không hiệu quả.
KTS Đoàn Kỳ Thanh: Trước đây, chúng ta có nhiều công trình công cộng chạy theo việc hình thành biểu tượng nhưng đã không thành công. Chẳng hạn, ông Hoàng Ngọc Hoa làm một công trình dựa trên hạt thóc là cửa hàng bánh tôm Hồ Tây, Hà Nội bây giờ, hay Nhà văn hóa Thanh niên trên phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội là công trình xây dựng biểu tượng từ nốt nhạc. Nhưng với cách xây dựng thiết kế của ông ấy, phải bay trên trời mới nhìn thấy được hình nốt nhạc.
Còn một cái nữa là tác phẩm hình con thuyền ở Hải Phòng của ông Nguyễn Thế Thuận. Đây cũng là công trình không đẹp mà lại lãng phí, không đáp ứng được công năng.
Ngay cả Nhà hát Opera Sydney (Úc) bị nhiều người kêu vì tạo ra nhiều âm thanh ngoài ý muốn và kiểm soát rất khó. Nhưng nhà hát đó lại đẹp. Còn chúng ta, hy sinh để làm ra biểu tượng nhưng biểu tượng vừa xấu vừa không ra gì.
KTS Đặng Tuấn Trung: Có người cho rằng đang có xu hướng phê duyệt ngân sách cho công trình có tính biểu tượng và hoành tráng theo kiểu thời đại rực rỡ. Nói thế không có nghĩa tất cả các công trình công cộng đều tệ. Bản thân tính biểu tượng của kiến trúc đã rất cao rồi nên không cần phải xây giống cái gì mới được. Với sân bay Long Thành chẳng hạn, ông thì bảo hình hoa sen, ông lại vẽ hình cây cọ. Nhưng về bản chất nó là một cái sân bay, và kiến trúc của nó phải là một cái sân bay.
Không phải là không nên có biểu tượng, nhưng để có biểu tượng cần nhiều yếu tố. Ở Pháp có Khải hoàn môn Paris. Về mặt nghệ thuật, thứ nhất nó được đầu tư nghệ thuật kiến trúc, có đẳng cấp. Thứ hai nữa, đó là một điểm nhấn giao thông chứ không chỉ là cái cổng. Chúng ta xây một cổng chào ở Hạ Long chẳng hạn, thì phải thấy bản thân Hạ Long đẹp không phải do cái cổng. Nhưng ta dựng lên cái cổng chả có ý nghĩa gì về điểm nhấn giao thông, cũng chẳng đẹp về tạo hình. Công trình kiến trúc phải đẹp từ công năng trước tiên chứ không phải đẹp vì cái người ta gán cho nó trong thuyết minh.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình: Theo thuyết minh dự thi thiết kế xây dựng ở ngã sáu trung tâm TP.Bắc Ninh, một số người dân gọi đây là “Đảo rồng”. Cụm biểu tượng là rồng Lý ở 3 tư thế. Thế Thăng Long với 3 rồng bay, mỗi rồng cao 15,5 m trên bệ cao 3,5 m. Thế Hạ Long với 3 rồng uốn lượn trên mặt nước, đầu hướng vào trung tâm, mỗi rồng cao 12 m trên bệ cao 1 m. Thế Tiềm Long với 3 rồng cuộn tròn, ẩn mình trong nước, đường kính 10 m trên độ nghiêng 0,5 – 1 m có viên ngọc minh châu đường kính 1,8 m được giấu ở giữa. Thiết kế dựa trên tạo hình rồng Lý. Bắc Ninh lại là quê hương của nhà Lý.
Một thuyết minh đọc lên nghe rất “kêu”. Tuy nhiên, theo tôi, đây là sự giải thích khiên cưỡng vì những tạo hình không tạo được sự cân đối và hoàn hảo của mỹ thuật Lý. Đừng cố gắng ép những chi tiết văn hóa vào kiến trúc nếu không hòa nhập và trở nên vụn vặt vì dễ trở thành một biểu hiện của bệnh hình thức.

Trinh Nguyễn