20/07/2018

Dự án xây 10 năm của Tân Hoàng Minh ở Hà Nội đáng giá bao nhiêu?

Hình ảnh thực tế đại sảnh toà nhà D’. Palais Louis.

“Nếu chỉ tính đến lợi nhuận thì sẽ không có doanh nghiệp nào dám đầu tư một công trình tốn chi phí và thời gian như Tân Hoàng Minh”.

Sở dĩ ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh tự tin khẳng định như vậy là bởi ông đã trải qua thời điểm đầy thách thức khi thị trường bất động sản khủng hoảng cũng như chịu không ít điều ra tiếng vào khi đầu tư lớn và cầu kỳ vào một công trình mất tới gần một thập kỷ mới hoàn thành.

Toạ lạc tại số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, dự án căn hộ siêu sang D’. Palais Louis được khởi công xây dựng 10 năm về trước và mô phỏng theo cung điện Versailles do vua Louis XIV xây dựng ở Paris.

Theo tiết lộ của ông Dũng, từng công đoạn, chi tiết của dự án được tính toán kỹ lưỡng, trong đó riêng khâu thiết kế đã mất gần một năm. Ông Dũng đã phải họp tới 50 cuộc họp và cuối cùng mời vị kiến trúc sư Nhật Bản ở hẳn một tuần ngay tại nhà mình thì mới chốt được phương án thiết kế cuối cùng.

Theo Chủ tịch Tân Hoàng Minh, từng công đoạn của dự án đều được ông trực tiếp tham gia và giám sát, từ thiết kế đến lựa chọn vật liệu xây dựng, nội thất với mục đích không phải là xây dựng một công trình nhà ở thông thường mà là một “kiệt tác vượt thời gian”.

Chẳng hạn, ông Dũng và 20 cán bộ của Tân Hoàng Minh đã sang Ý một tuần, đi qua sáu thành phố và tham quan bảy nhà máy mới lựa được hơn 10 sản phẩm nội thất phù hợp với thiết kế của dự án. Sau đó, Tân Hoàng Minh thuê luôn nhà thầu và công nhân từ Ý sang hoàn thiện nhà mẫu.

Hay như việc ốp đá bên ngoài mặt ngoài dự án, theo ông Dũng, cần đến bốn đơn vị hàng đầu của Việt Nam thi công từ năm 2014 đến tháng 8 năm nay mới hoàn thiện toàn bộ. Riêng chi phí ốp đá cho toàn dự án đã tốn khoảng 300 tỷ đồng, tương đương với chi phí xây dựng một toà nhà 30.000m2.

Khâu ốp đá cũng kỳ. Toàn bộ mặt ngoài được ốp đá granite theo công nghệ treo và bắt vít chưa có công trình nào ở Việt Nam áp dụng. Đồng thời, để tạo nên một công trình giả cổ như cung điện, từng viên đá được làm nhám bằng cách khò lửa ở nhiệt độ cao.

Đá ốp đại sảnh là đá hoa cương được ông Dũng trực tiếp lựa chọn và nhập từ nước ngoài. Điểm đặc biệt là những viên đá được cắt nguyên khối ngay từ mỏ đá để khi ráp lại với nhau thì những đường vân đều ăn khớp và giống như một bức tranh. Nếu có viên nào không ăn khớp thì nhà thầu buộc phải dỡ bỏ cả mảng và ốp lại.

Đại sảnh tầng 1 được thiết kế như sảnh cung điện với trần cao hơn 12m, ốp đá hoa cương và đá ngọc Onyx. Theo ông Dũng, chỉ riêng tám cánh cửa đồng tại sảnh của dự án đã có giá 16 tỷ đồng và 40 người thợ cùng với tám chuyên gia nước ngoài thi công liên tục trong vòng một tháng mới hoàn thiện.

Bức tranh trên trần sảnh cần đến ba hoạ sỹ người Ý treo người trên không vẽ trong vòng 4 – 5 tháng, với chi phí hơn 300.000 Euro.

Một chi tiết khác mà nhiều dự án ít quan tâm là tầng hầm. Để tạo sự thoải mái tối đa cho cư dân, dự án đã sử dụng thiết kế tầng hầm thông minh của Nhật Bản. Theo đó, độ lệch của sàn chỉ 3% trong khi tầng hầm thông thường độ lệc 13%, tạo cảm giác như đi trên một mặt sàn phẳng, không có cách biệt giữa ba tầng hầm.

“Đặc biệt, 12 căn hộ mẫu của dự án đã mất hai năm trời để hoàn thiện, không ít lần tôi phải trực tiếp duyệt thiết kế, thi công, làm xong rồi thấy không hợp lý lại đập đi xây lại mới để tìm ra được phương án thiết kế tối ưu nhất”, ông Dũng chia sẻ.

Do đầu tư công phu ở từng hạng mục lên tổng đầu tư của D’. Palais Louis đã lên trên 5.000 tỷ đồng. Nhưng không chỉ chi phí đầu tư lớn mà D’. Palais Louis còn mất rất nhiều thời gian xây dựng. Tính từ lúc khởi công đến nay đã gần 10 năm và dự kiến đến cuối năm nay dự án mới hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Mặc dù tốn nhiều thời gian, trải qua những giai đoạn khó khăn và không ít lần bị nhắc đến gắn liền với cụm từ “đắp chiếu”, tiến độ “rùa”, vắng bóng khách mua nhà nhưng ông Dũng cho biết, dự án chưa bao giờ ngừng thi công.

“Dự án được khởi công từ năm 2009, trải qua rất nhiều khó khăn, trong đó giai đoạn 2012 – 2013 dự án xây dựng với tốc độ chậm do chịu tác động của khủng hoảng bất động sản. Nhưng cho đến nay, dự án chưa một lúc nào ngừng thi công”, ông Dũng khẳng định.

Hiện nay, dự án đang triển khai các hạng mục cuối cùng, 230 căn hộ đã xong thô đang đi vào hoàn thiện. Tháng 12 năm nay, dự án sẽ bắt đầu vận hành, tháng 3 sang năm, sau đúng 10 năm xây dựng, công trình sẽ chính thức bàn giao nhà cho khách hàng.

“Tất cả những chi tiết của dự án tôi đều đòi hỏi sự hoàn hảo. Với chi phí và thời gian Tân Hoàng Minh bỏ ra để thực hiện dự án này, nếu chỉ tính thực tế lợi nhuận thì chắc chắn không một nhà đầu tư nào dám làm”. Ông Dũng nhớ lại thời điểm khó khăn nhất, nhiều chủ đầu tư đã khuyên ông nên hạ thấp chất lượng dự án, chỉ nên làm cao cấp để dễ tiếp cận khách hàng.

“Tại sao không bán nhà với giá 50 – 70 triệu cho xong đi để làm dự án khác?” ông Dũng đã nhận được rất nhiều câu hỏi như vậy từ bạn bè và đối tác. Tuy nhiên, ông cho biết không thể từ bỏ khát vọng xây dựng D’. Palais Louis thành một “kiệt tác nghệ thuật”.

“Quan trọng hơn, tôi vẫn phải làm vì sau này, cuộc đời tôi sẽ không thể làm được một công trình thứ hai như vậy nữa”, ông Dũng nói.

Nhân dịp mở cửa kiệt tác D’. Palais Louis, chủ đầu tư Tân Hoàng Minh tặng quà tân gia như 10 năm phí quản lý, 10 chỗ đỗ xe ôtô dành cho 10 chủ nhân.

Tuấn Sơn/Vneconomy